Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho người dân tộc thiểu số

Chủ nhật, 11/11/2018 09:43
(ĐCSVN) - Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; tuyên truyền pháp luật cho cán bộ và nhân dân là người tộc thiểu số luôn được các địa phương khu vực phía Nam đặc biệt quan tâm.

Theo đó, nhiều lớp đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, tuyên truyền pháp luật đã được tổ chức, đã phát huy được vai trò tích cực của công tác này…

Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao  trình độ chuyên môn nghiệp vụ
của đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số (Nguồn: Tạp chí Lý Luận)

Thời gian qua, dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, luân chuyển… nhưng hiện nay số cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực phía Nam vẫn chưa cao trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức của địa phương. Nguyên nhân của thực trạng trên là do đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được đào tạo về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ… còn hạn chế, số chưa qua đào tạo chiếm tỷ cao, đặc biệt đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách cấp xã.

Cà Mau: Nỗ lực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số

Trước thực tế này, cùng với các địa phương khác trong khu vực, tỉnh Cà Mau đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức vùng dân tộc thiểu số. Công tác này luôn được các cấp, các ngành quan tâm, nhờ đó từng bước nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ. Lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau cho biết, trên cơ sở Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh uỷ về “Xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giai 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”, Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương xây dựng đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức công tác tại 65 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số.

Bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đến nay đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã vùng dân tộc thiểu số của Cà Mau đã được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Hiện toàn tỉnh có 1.430 cán bộ, công chức công tác tại 65 xã thuộc vùng vùng dân tộc thiểu số, trong đó có 351 cán bộ, công chức, viên chức là người vùng dân tộc thiểu số. Cấp tỉnh có 153 người, cấp huyện có 176 người và 22 người cấp xã. Để có được kết quả trên, từ năm 2012 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã chủ trì tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc cho trên 250 lượt cán bộ, công chức vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau còn tổ chức hơn chục lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 1.178 lượt đại biểu, trong đó có khoảng 188 lượt cán bộ, công chức  vùng dân tộc thiểu số từ năm 2016 đến nay.

Ông Triệu Quang Lợi, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau cho rằng, chính sách đào tạo, bố trí vị trí việc làm đối với người dân tộc thiểu số cần có sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn. Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực, nên xem xét mở rộng địa bàn cử tuyển; Từ Trung ương đến địa phương nên có sự nhất quán về chính sách ưu tiên, đãi ngộ như chính sách cộng điểm thi, định mức chi trả cho người bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết, chính sách hỗ trợ con em học sinh là người dân tộc thiểu số. Công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ là người dân tộc thiểu số cần mang tính chiến lược, lâu dài.

Sóc Trăng: Thúc đẩy, nâng cao y thức chính trị trong đồng bào dân tộc thiểu số

Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó người Khmer chiếm tỷ lệ gần 31% số dân, Sóc Trăng đã quan tâm và có nhiều chủ trương về công tác cán bộ người dân tộc. Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ người dân tộc Khmer được bố trí chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp chưa đáp ứng yêu cầu. Nhận thức tầm quan trọng của công tác cán bộ người dân tộc Khmer, ngay từ rất sớm, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng bộ đối với công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer và Ðề án củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo đến năm 2020. Tỉnh hiện có hơn năm nghìn cán bộ, công chức, viên chức là người Khmer, chiếm 18,9% tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh và hơn 126 nghìn hội viên là người Khmer tham gia các tổ chức đoàn thể xã hội trên địa bàn.

Trong đó, huyện Châu Thành là đơn vị điển hình của tỉnh về quan tâm đào tạo, sắp xếp, bố trí cán bộ chủ chốt người dân tộc thiểu số. Huyện có tới 50% số dân là người dân tộc Khmer, là một trong những địa phương có tỷ lệ người dân tộc Khmer cao nhất  tỉnh. Lãnh đạo Huyện ủy Châu Thành cho biết, huyện có 39 tổ chức đảng với 159 chi bộ trực thuộc, gần 2.300 đảng viên. Trong đó, đảng viên người dân tộc thiểu số có 635 đồng chí, chiếm gần 28%. Thời gian qua, Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng ở nơi có đông đồng bào dân tộc; kiện toàn hệ thống chính trị, bảo đảm tất cả sáu xã và thị trấn có cán bộ chủ chốt là người dân tộc thiểu số. Trong bố trí, sử dụng cán bộ, huyện chú trọng tỷ lệ hợp lý giữa các độ tuổi, các lớp cán bộ, các vùng đặc thù, lấy mục tiêu là thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2015-2020 và quy hoạch cán bộ cho những nhiệm kỳ tiếp theo luôn bảo đảm người dân tộc thiểu số tham gia vào cấp ủy và giữ các chức vụ lãnh đạo quản lý đạt khoảng từ 18% đến 35%.

Có thể khẳng định, sự đánh giá đúng đắn và quan tâm chỉ đạo sát sao về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số của Tỉnh ủy Sóc Trăng sẽ thúc đẩy mạnh việc củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống của người dân địa phương nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng.

Bạc Liêu: Tạo chuyển biến và nhận thức về ý thức tự giác chấp hành chủ trương, chính sách của đồng bào dân tộc thiểu số

Cùng với  công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức vùng dân tộc thiểu số, nhiều địa phương cũng đã tích cực đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật trong đồng bào dân tộc. Theo đó, thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã quyết liệt triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 - 2021 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”. Hoạt động này thực hiện Quyết định 1163 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo chuyển biến về nhận thức và ý thức tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu xác định, đến năm 2021 phấn đấu đạt 100% cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở được phổ biến, giáo dục pháp luật và cung cấp thông tin rộng rãi về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc với nội dung và hình thức phù hợp.

Trên 80% đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ phổ biến pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn được cung cấp, cập nhật thông tin, tài liệu pháp luật; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về phổ biến pháp luật và tuyên truyền, vận động về lĩnh vực công tác dân tộc theo yêu cầu, nhiệm vụ. Trên 70% đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn được phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối…Tỉnh Bạc Liêu cũng khuyến khích các cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng, duy trì chương trình, chuyên trang, chuyên mục về phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động về công tác dân tộc, chính sách dân tộc để nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số tại vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn. Triển khai xây dựng thí điểm và nhân rộng các mô hình hiệu quả, phù hợp với phong tục, tập quán, địa bàn và nhu cầu của đồng bào vùng dân tộc thiểu số.   

Song song với phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động về công tác dân tộc, chính sách dân tộc để nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Bạc Liêu cũng tập trung tuyên truyền sâu rộng các chính sách dân tộc; chú trọng tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135; các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu; chính sách về đào tạo nghề nông thôn; các mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu; hướng dẫn đồng bào áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và đời sống. Ngoài ra, còn tuyên truyền việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc thiểu số. Tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước ta; phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực phản động…, Tổng kinh phí triển khai thực hiện Đề án này hơn 1 tỷ 750 triệu đồng. Ban Dân tộc tỉnh Bạc Liêu được giao trách nhiệm là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và các địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện./…

K.V(TH)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực