Nhân rộng những tấm gương sáng giữa đời thường

Thứ sáu, 09/06/2017 07:31
(ĐCSVN) – Đúng vào dịp kỷ niệm 106 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2017), Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đà Nẵng đã tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Gương sáng giữa đời thường”. Đây là cuộc thi giàu ý nghĩa và cần tiếp tục phát huy, nhân rộng.


Đại diện Ban tổ chức cuộc thi trao giải Nhất cho nhà báo Đoàn Lương tại lễ tổng kết 5/6 vừa qua


Theo báo cáo tổng kết cuộc thi của Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đà Nẵng, cuộc thi được bắt đầu từ ngày 6/3/2017 và kết thúc vào ngày 10/5/2017. Chỉ hơn 02 tháng diễn ra, song Ban tổ chức đã nhận được kết quả khá bất ngờ với gần 300 bài viết gửi về dự thi. Đối tượng tham gia dự thi cũng hết sức phong phú, từ các tác giá chuyên nghiệp như nhà báo, nhà văn đến những người viết không chuyên như cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và giáo viên, học sinh, sinh viên, cán bộ y tế…. trên địa bàn TP. Các tác giả đã phát hiện và thông qua bài dự thi của mình đã giới thiệu trên 200 gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt mới xuất hiện ở cấp cơ sở.

Nói về mục đích của cuộc thi này, đồng chí Đặng Việt Dũng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ, kiêm Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Đà Nẵng cho biết: Cuộc thi viết “Những gương sáng giữa đời thường” là một hình thức để Đà Nẵng đổi mới công tác tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà Đảng ta đang phát động. Thông qua cuộc thi để nâng cao chất lượng công tác phát hiện, tôn vinh, cổ vũ và nhân rộng điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt”, những cách làm hay trong việc học tập và làm theo Bác; đồng thời qua đó cũng sẽ góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về ý nghĩa to lớn của của việc học tập Bác và thực hành làm theo Bác, dù là những việc nhỏ nhất.

“Chính vì vậy, để tạo thuận lợi cho tất cả mọi người đều có thể tham gia cuộc thi, Ban tổ chức đã đưa tất cả các thông tin liên quan đến cuộc thi lên trang thông tin điện tử của Thành uỷ qua địa chỉ: http://dangbodanang.vn và Emai: Webtudnng@gmail.com để mọi người tìm hiểu, nắm bắt thông tin gửi bài dự thi. Đồng thời với đó, Ban tổ chức cuộc thi cũng đặt ra yêu cầu tác phẩm dự thi phải phản ánh người thật, việc thật, điển hình tiên tiến (không hư cấu), có sức thuyết phục, giáo dục và tạo được sự lan toả trên địa bàn TP”- đồng chí Đặng Việt Dũng cho biết thêm.

Trong khi đó, với vai trò là Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đà Nẵng khẳng định: Mặc dù đây là lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức, song do có sự chuẩn bị chu đáo từ Ban Tuyên giáo Thành uỷ và Ban tổ chức nên Cuộc thi đã được triển khai đến tận cơ sở, thu hút nhiều đối tượng tham gia. Đặc biệt, hầu hết các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, các báo đài của thành phố và  nhiều phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn đã gửi bài dự thi. Đây là thành công ban đầu để sau khi chấm và trao giải, Ban tổ chức càng vui mừng vì có rất nhiều tấm gương điển hình mới được phát hiện, nhân rộng.

Phát biểu tại Lễ nhận giải hôm 5/6, đồng chí Phạm Xuân Thụ, Trưởng Ban Tuyên giáo quận uỷ Hải Châu (đại diện đơn vị đạt gải tập thể có nhiều bài dự thi nhất) đã cho biết: Ngay sau khi tiếp thu kế hoạch tổ chức cuộc thi của Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Quận uỷ Hải Châu đã  ban hành công văn phát động, kêu gọi các cấp uỷ, cơ quan, đơn vị, trường học và các cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn quận tích cực tham gia. Cùng với đó, Quận uỷ cũng chỉ đạo Ban Tuyên giáo quận làm việc trực tiếp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên quận- Những đầu mối có đông lực lượng, đa thành phần để đề nghị tham gia triển khai kế hoạch và phát động, kêu gọi tham gia cuộc thi.

“Sau 2 tháng phát động, toàn quận đã chọn lọc, tìm ra 68 bài có chất lượng gửi dự thi về Ban Tuyên giáo Thành uỷ. Có thể nói, số lượng này tuy không nhiều nhưng với nền tảng sẵn có từ phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, Hội thi kể chuyện về gương người tốt, việc tốt của quận trước đó đã giúp cho các tác giả dự thi phát hiện, tìm thấy những nhân vật trong đời thường có những việc làm, hành động, suy nghĩ mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho địa phương, cơ quan, đơn vị, địa bàn dân cư… Từ những bài viết dự thi này, đối tượng là các gương điển hình khá đa dạng, ở nhiều lứa tuổi, với những việc làm cụ thể, rõ ràng, dễ lan toả, thuyết phục của họ trong kết quả học và làm theo Bác, từ đó giúp người đọc tìm thấy cho mình bài học để cùng làm theo”- đồng chí Trưởng Ban Tuyên giao quận uỷ Hải Châu Phạm Xuân Thụ chia sẻ.

Còn phóng viên Đoàn Lương (Báo Đà Nẵng)- Người đạt giải Nhất cuộc thi với bài viết “Như những đoá hoa” và “Cho đi là còn mãi” đã tâm sự: “Xã hội ngày nay có không ít những cái “mặt trái”, có tác động và gây tổn hại cho xã hội. Tuy nhiên, ở đâu chúng ta cũng có thể tìm thấy những tấm gương có việc làm, hành động tốt đẹp. Đây mới là xu hướng chính, phổ biến của xã hội. Vấn đề với mọi nhà báo là phải tìm thấy những nhân vật đó, những hành động tốt đẹp đó để tuyên truyền, nhân rộng, đưa cái đẹp lan toả mạnh mẽ trong xã hội. Với nhận thức đó mà trong quá trình nhiều lần đi tác nghiệp ở cơ sở, tôi đã phát hiện nhân vật và có nhiều đầu tư bài viết của mình để phản ánh nhân vật một cách chân thật nhất, sống động nhất và mọi người dể học và làm theo nhất. Đó  có lẽ là lý do mà bài dự thi của tôi được Ban Giám khảo cuộc thi chấm điểm cao và trao giải Nhất lần này”.

Đại diện các tập thể đạt giả nhận Bằng khen của Thường trực Thành uỷ Đà Nẵng trao tặng

Chia sẻ thêm những nhận định của mình về cuộc thi rất ý nghĩa này, đồng chí Đặng Việt Dũng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ, kiêm Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Đà Nẵng cho rằng: Cuộc thi đã mang lại nhiều kết quả. Tuy nhiên, kết quả lớn nhất thuộc về các nhân vật điển hình được các cây bút phát hiện, đưa vào bài dự thi của mình. Chính những nhân vật này từ hành động, việc làm cụ thể của mình đã góp phần làm đẹp cho xã hội. Họ là những tấm gương đẹp cần tiếp tục được nhân rộng, lan toả hơn nữa trong xã hội. Đó là cô y tá hết mình vì bệnh nhân; bác thợ nghèo sửa xe miễn phí, cô giáo với nhiều sáng kiến đã làm thay đổi một ngôi trường; người cán bộ hăng say hết mình vì công việc, người mẹ của khu phố, hành động đẹp nhặt của rơi trả lại người mất (01 tỷ đồng), hiến máu cứu người và nhiều nghĩa cử cao đẹp khác được giới thiệu qua các bài dự thi lần này. Đây thật sự là những đóa hoa thơm, những gương sáng cần được nhân rộng, tôn vinh. Những đóng góp nhỏ bé, thầm lặng đó đã làm cuộc sống mỗi ngày tươi đẹp, ý nghĩa và nhân văn hơn.

“Với những kết quả thu được đó, hiện, Ban Tuyên giáo Thành uỷ đang chuyển tải nội dung các bài viết, để đưa những tấm gương đẹp mới phát hiện thông qua các bài dự thi đăng trên Trang thông tin điện tử của Đảng bộ TP và rút kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo cuộc thi lần sau hiệu quả lớn hơn, sâu rộng hơn; xem đây là việc làm thiết thực để đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ chí Minh mà Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị đã nêu ra”- Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đà Nẵng khẳng định thêm./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực