Nhà báo Hoàng Tùng- Nhà tuyên huấn nổi tiếng, nhà báo ở tầm cao

Thứ hai, 19/06/2017 17:02
(ĐCSVN) - Nhân kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017), những người làm báo có dịp tri ân, vinh danh những đóng góp to lớn của nhà báo Hoàng Tùng, nhà cách mạng lão thành, nhà tuyên huấn nổi tiếng, nhà báo ở tầm cao đối với cách mạng Việt Nam.
Các đại biểu tham dự  hội thảo “Nhà báo Hoàng Tùng với quê hương Hà Nam và đất nước”


Hoàng Tùng người chiến sĩ cách mạng kiên cường, nhà lãnh đạo chính trị vững vàng, bản lĩnh

Nhà báo Hoàng Tùng tên thật là Trần Khánh Thọ, sinh ngày 15/1/1920 ở làng Tảo Môn, nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông là một tên tuổi lừng lẫy trong làng báo Việt Nam, thuộc lớp người hoạt động từ thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám, được Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh trực tiếp hướng dẫn, rèn luyện trong đấu tranh cách mạng cũng như trong nghề nghiệp làm báo. Ông đã tham gia phong trào đấu tranh của công nhân Cẩm Phả từ khi mới 15 tuổi, tham gia Đoàn Thanh niên Dân chủ, tổ chức tập hợp thanh niên của Đảng Cộng sản Đông Dương từ khi 17 tuổi.

Năm 1940, đồng chí Hoàng Tùng và nhiều đồng chí bị địch bắt giam, đưa đi đày tại nhà tù Sơn La.Tại đây, ông tích cực tham gia hoạt động đấu tranh chống chế độ hà khắc lao tù, tháng 11/1943 ông được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Đông Dương. Trong tù, ông tham gia viết báo bí mật Suối reo tờ báo của chi bộ Đảng nhà tù Sơn La kí bút danh Kiếm Bình, cùng những tên tuổi lẫy lừng khác như Trần Huy Liệu, Văn Tân, Trần Đình Long, Khuất Duy Tiến…

Nhờ tờ báo này mà tinh thần đoàn kết, đấu tranh trong các đảng viên được giữ vững, góp phần cảm hoá, lôi kéo được nhiều thành phần tù nhân chính trị khác tham gia cách mạng. Tháng 4/1945, ông được trả tự do và trở về hoạt động, tham gia công việc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Ông tham gia chỉ đạo khởi nghĩa ở Hà Nội, được chỉ định làm Chủ tịch ủy ban nhân dân cách mạng, rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội khi mới 25 tuổi.

Do những bài báo có tính chiến đấu rất cao của đồng chí Hoàng Tùng nên các lực lượng phản động lùng sục tìm cách hãm hại ông. Để giữ cán bộ, Đảng lại thuyên chuyển Hoàng Tùng về làm Bí thư Hải Phòng tham gia lãnh đạo chính quyền non trẻ nơi đây. Vì cái tên Khánh Thọ đã bị lộ, bị kẻ thù nhòm ngó nên ông quyết định lấy tên là Hoàng Tùng. Bí danh này đã theo ông suốt cuộc đời. Các bài báo của ông được bạn đọc rất hoan nghênh bởi chứa đựng tính chiến đấu cao độ, tinh thần yêu nước sâu sắc, luôn toát lên sự lạc quan cách mạng trong bối cảnh vô vàn khó khăn của cuộc kháng chiến.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Hoàng Tùng đã giữ nhiều trọng trách trong bộ máy Đảng, Nhà nước: Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV và Bí thư Trung ương Đảng khóa V, 5 khóa đại biểu Quốc hội (từ khóa III đến khóa VII), Phó Bí thư Khu ủy khu III (Khu Tả ngạn Sông Hồng), Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban rồi Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Sự thật, v.v..

Nhưng quãng thời gian, ghi nhiều dấu ấn nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của nhà báo Hoàng Tùng là 30 năm làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam và hơn 30 năm làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, từ năm 1951 đến năm 1982. Đây cũng chính là giai đoạn tài năng làm báo của ông có đất để phát triển rực rỡ, ông có đất để thỏa sức tung hoành, trở thành một cây bút chính luận bậc thầy, cây đại thụ trong làng báo nước nhà, một tên tuổi không thể thiếu trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Ông đã viết hàng ngàn bài báo, trong đó phần lớn là những bài chính luận thuộc các thể xã luận, bình luận, luận văn tuyên truyền.

Theo đồng chí Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn Hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân: “Nói đến Hoàng Tùng, không thể không nói đến sự nghiệp báo chí của anh… Phần lớn cuộc đời hoạt động của anh gắn bó mật thiết với mặt trận tư tưởng, văn hóa và báo chí của Đảng, trong đó anh vừa là chiến sĩ vừa là người chỉ huy. Nhìn một cách tổng thể, Hoàng Tùng là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một nhà lãnh đạo chính trị vững vàng, bản lĩnh”.

Nhà tuyên huấn nổi tiếng và nhà báo ở tầm cao

Trong 30 năm làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, đồng chí Hoàng Tùng đã viết hàng ngàn bài xã luận, bình luận, luận văn tuyên truyền cũng như các chân dung và những đóng góp của các nhà cách mạng, nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong lời nói đầu tập sách “Những bài báo chính luận” của nhà báo Hoàng Tùng, xuất bản nhân kỷ niệm 50 năm Báo Nhân Dân ra số đầu, Ban Biên tập Báo Nhân Dân nêu rõ:“Trong cuộc đời làm báo của mình, Hoàng Tùng đã viết hàng nghìn bài báo, trở thành một cây bút chính luận sắc sảo của làng báo cách mạng Việt Nam”.

Nhà báo Thịnh Giang cho biết: “tôi đã đọc 568 trang sách tập hợp những bài báo chính luận của ông liền một mạch với niềm cảm hứng, say mê. Cuốn hút như được sống lại một thời kỳ hào hùng của đất nước, của dân tộc náo nức, xả thân vì nghĩa lớn giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hấp dẫn bởi giọng văn hào sảng, khúc triết, đầy cảm xúc truyền lửa cho người đọc. Thú vị và kính phục bởi tư duy sắc sảo, cách viết dí dỏm đôi khi dân dã nhưng có sức thuyết phục đến không ngờ. Có thể nói đây là nét rất riêng, mang phong cách của Hoàng Tùng”. Thực tế là những bài chính luận (đặc biệt là xã luận) của nhà báo Hoàng Tùng đã góp phần làm nên “thương hiệu” chính luận của Báo Nhân Dân, được đồng nghiệp đánh giá cao và bạn đọc ghi nhận. Rất nhiều người thuộc thế hệ lớn tuổi còn nhắc lại những ấn tượng khó quên: sáng sáng mở Đài Tiếng nói Việt Nam đón chờ nghe xã luận Báo Nhân Dân, lấy đó là định hướng, là sự khích lệ, niềm tin.Nhấn mạnh vấn đề này, nhà báo Phan Quang cho rằng: Văn chính luận của ông đăng trên báo thường ngắn gọn, hàm súc, có sức thuyết phục người đọc bằng lập luận vững vàng, ngôn từ sắc nét, lại đậm phong cách dân gian. Chủ đề các bài viết của ông phần nhiều thuộc “quốc gia đại sự”: cách mạng giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân Pháp, chiến lược và sách lược chống Mỹ, cứu nước, đấu tranh thống nhất nước nhà, cải tạo kinh tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội, lịch sử Đảng Cộng sản và lịch sử cách mạng Việt Nam, tính chất thời đại, tình đoàn kết quốc tế dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, v.v… Một số bài ông viết thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, về Đảng, về Bác Hồ… có thể xếp vào loại gọi là “hùng văn”. Hùng hồn mà không sáo rỗng nhờ lập luận chặt chẽ, cứ liệu khó phản bác. Tính cổ động và sức tập hợp cao - văn chính luận những tưởng khô khan, không ngờ vẫn có thể đi thẳng vào lòng người”.

Đối với sự nghiệp báo chí của đồng chí Hoàng Tùng nói, như PGS.TS Nguyễn Văn Dững, Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: “Chúng tôi càng không dám tham vọng đánh giá về Ông, dù chỉ một góc nhìn nhỏ hẹp về sự nghiệp báo chí chính luận; mà chỉ tranh thủ cơ hội này để góp thêm tiếng nói của những lớp người đi sau về một người thuộc bậc cha chú trong nghề báo”…

Cho nên chúng tôi cũng chỉ có thể “mạo muội” nêu một số đóng góp quan trọng, nổi bật của Ông đối với cách mạng:  

Thứ nhất, Nhà báo Hoàng Tùng được giác ngộ lý tưởng cách mạng từ rất sớm trong đấu tranh gian khổ ác liệt để rồi không ngừng phấn đấu, rèn luyện vươn lên hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và cách mạng giao. Lý tưởng cách mạng và sự cống hiến cho cách mạng đã được ông thể hiện trong các bài báo của mình với sự hào sảng, khích lệ, nhiệt huyết truyền lửa cho người đọc. Các bài báo chính luận của nhà báo Hoàng Tùng trải dài từ cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống bành trướng xâm lược cho đến sự nghiệp đổi mới, đều thể hiện rõ tính mục đích và nhiệm vụ chính trị của mỗi giai đoạn cụ thể. Nhà báo Hoàng Tùng xác định, làm báo là làm chính trị, cho nên viết báo, nhất là viết chính luận phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, lấy chính trị làm trọng.

Thứ hai, Nhà báo Hoàng Tùng là người thông minh, hiếu học, tự học suốt đời. Cũng như hầu hết các nhà cách mạng nước ta thuộc thế hệ đầu, không mấy ai có điều kiện học hành đến nơi đến chốn tại nhà trường, trong khi nhiệm vụ cách mạng lại đòi hỏi nhà báo phải có vốn kiến thức khá. Mặc dù không có điều kiện học tập chính qui trường lớp nhưng noi gương, học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh, người “suốt đời học, dạy người học, mở mang việc học”, người dặn cán bộ “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết”, Hoàng Tùng đã không ngừng phấn đấu nâng cao kiến thức của mình. Khâm phục tấm gương tự học của đồng chí Trường Chinh, nhà báo Hoàng Tùng cho rằng: “Muốn thành nhà báo phải biết cho đủ điều”. Có lần ông tâm sự “người ta bảo mình khai lý lịch ở phần trình độ văn hoá, ông viết: tự học. Các trường đại học đã tốt nghiệp: đại học cơm vắt, ngủ rừng tham gia hoạt động cách mạng, đặc biệt là trường “Đại học nhà tù Sơn La” (1940-1945).

Theo nhà báo Phạm Đạo, trong một lần đến thăm ông thấy một bên là chiếc radio to bằng nửa viên gạch bên kia là một tác phẩm của C.Mác hay F.Ăng-ghen viết bằng tiếng Pháp, “Thì ra ở cái tuổi hơn 80, gần đất xa trời rồi nhưng nhà báo Hoàng Tùng vẫn đọc C.Mác - F.Ăng-ghen bằng nguyên tác. “Ông nói với tôi: Tục ngữ ca dao Việt Nam rất gần gũi với phép biện chứng của Ăng-ghen nhưng không ai tổng kết thành học thuyết. Ông sôi nổi đặt ra câu hỏi lớn: Thời đại nông nô, phong kiến đẻ cái cối xay gió. Thời đại tư bản đế quốc đẻ ra cái máy hơi nước. Thời đại ngày nay ngoài cái máy vi tính sẽ đẻ ra “cái khỉ gió” gì nữa? Báo chí phải tham gia dự báo xu thế phát triển của xã hội, dự báo con đường phát triển của thế giới loài người chứ” - nhà báo Phạm Đạo chia sẻ. Những bài báo chính luận của ông giàu cảm xúc, đi vào lòng người có tính định hướng chính trị cao là do nó đã “thấm” được lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ở nhà báo Hoàng Tùng các bài xã luận còn mang hơi thở của những hùng văn thiên cổ của các bậc anh hùng hào kiệt từ thời kỳ Lý, Trần, Lê. Cả thơ chữ Nôm và chữ Hán. Ông viện dẫn nhiều bài thơ, ý thơ, những triết lý thâm thuý của các nhà nhà tư tưởng anh hùng của đất nước để đánh địch. Điều này có thể lý giải ở Hoàng Tùng là sự kết hợp truyền thống yêu nước của dân tộc ta với phong trào cách mạng cùng Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành máu thịt trong mỗi bài báo chính luận vừa dân tộc vừa hiện đại và tính đại chúng. Trong các bài viết của mình bằng những lý lẽ của lập luận, bình luận, phê phán, đấu tranh bao giờ cũng có “gốc tích" từ trong trước tác của các nhà kinh điển hoặc từ thực tiễn cuộc sống đang vận động đã làm cho người nghe bị hấp dẫn, bị cuốn hút theo tầng sâu của tư duy lý luận – thực tiễn.

Thứ ba, trong các chuyên đề bài giảng, bài nói chuyện của Hoàng Tùng, bao giờ cũng thể hiện tính Đảng, tính chiến đấu của người cộng sản, tính lịch sử logic, và thực tiễn cao. Ở Ông thường bắt đầu từ các khái niệm cơ bản được giải thích khá rành rẽ, từ những quan điểm tiếp cận khác nhau, cùng với sự phê phán, chỉ trích hoặc tán thành và cuối cùng đưa người nghe tiếp nhận và nắm được vấn đề. Ở tầm cao trí tuệ Hoàng Tùng có khả năng nắm bắt nhanh, hiểu sâu các chủ trương đường lối quan điểm của Đảng, cùng với năng lực tư duy biện chứng chặt chẽ, lôi cuốn cảm xúc đã đưa ông trở thành nhà tuyên truyền tài năng góp phần làm tốt công tác tư tưởng của Đảng.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “Hoàng Tùng là bậc thầy trên các diễn đàn thời sự chính trị. Ông có giọng nói chuyện trầm ấm, cách nói chậm rãi, có nhịp điệu, khi nhắc từng từ một cách khắc khoải, lúc lại dồn dập như tuôn trào những ngôn từ mạnh mẽ. Ông là người có khiếu hài hước và thường nói về những điều hài hước với khuôn mặt tỉnh bơ hoặc một cái nháy mắt đầy ý nhị. Với sự hiểu biết bách khoa của một nhà báo, nền tảng lý luận cơ bản và phương pháp tư duy sắc sảo của một nhà chính trị, Hoàng Tùng hút hồn người nghe bằng những thông tin mới mẻ, những bình luận đặc sắc nhiều khi bất ngờ, sự hài hước có chút pha trò đôi khi ngay cả với những chủ đề thời sự nghiêm chỉnh về quan hệ quốc tế”. Ông luôn khắt khe với chính mình, nghiêm khắc trong công việc, khiêm tốn không chưng tên tuổi, nói theo cách của Bác Hồ, người “viết báo không nhằm lưu danh thiên cổ” những nét tiêu biểu đó tạo nên phong cách nhà báo và nhà lãnh đạo báo chí Hoàng Tùng.

Thứ tư,
 ở nhà báo Hoàng Tùng toát lên một tài năng, năng lực rồi dào sức sống mãnh liệt cụ thể qua từng câu chữ trang viết, mỗi bài báo; khả năng ứng biến nhanh qua các bài viết trúng và đúng những vấn đề cuộc sống đặt ra đáp ứng yêu cầu của cách mạng theo từng thời đoạn và thậm chí từng ngày, từng tuần.Thế mạnh của Hoàng Tùng là nắm chắc vấn đề đã đành. Ông có tài thể hiện rất nhanh ý đồ của tập thể lãnh đạo. Vì vậy, một sức ép thường xuyên hiện hữu: phần lớn các cuộc họp kết thúc muộn vào cuối ngày, mà nội nhật sáng mai báo đã phải có bài. Sức ép ấy cũng là một thử thách và rèn luyện tài năng. “Trong hoạt động báo chí hàng ngày, muốn khắc phục được mâu thuẫn giữa yêu cầu viết nhanh, thông tin nhanh, đánh giá nhanh, giải thích và giải đáp nhanh một cách thuyết phục các sự kiện và vấn đề thời sự,.…nhưng phải đúng và trúng, thì căn yếu nhất là cần quan điểm chính trị đúng Ông đều giải quyết tốt. Những phẩm chất này, theo chúng tôi, hiện hữu rõ nét và vượt trội ở Hoàng Tùng”- PGS.TS Nguyễn Văn Dững chia sẻ.

Thứ năm, nhà báo Hoàng Tùng luôn có tinh thần triệt để cách mạng, đổi mới không chấp nhận lối mòn, luôn hướng tới sự mới mẻ, độc đáo để đạt được hiệu quả cao trong công việc, không khoan nhượng với sự bảo thủ trong tư duy, trì trệ trong hành động. Tinh thần đổi mới ấy đã thổi vào những bài xã luận có sức lay động cả dân tộc, tạo nên sức mạnh chiến thắng trong những thời điểm quan trọng của lịch sử. Với những luận điểm, luận cứ và luận chứng rõ ràng; vô cùng nhuần nhị giữa tình cảm và lý trí; vừa trữ tình vừa hào sảng như lời hịch, có sức động viên to lớn. Bằng bút pháp riêng, độc đáo, lời văn hào hùng, sáng sủa, các bài viết sắc sảo của nhà báo Hoàng Tùng cho người đọc thấy được xu thế, bước đi của dân tộc về cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, về công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa và những xúc cảm, tha thiết, khi viết về Đảng, về nhân dân và đặc biệt là về Hồ Chí Minh.

Đúng như Ban tổ chức Hội thảo “Nhà báo Hoàng Tùng với quê hương Hà Nam và đất nước”, tại Hà Nam, ngày 10/6/2017 đánh giá, Hoàng Tùng là nhà cách mạng lão thành, nhà tuyên huấn nổi tiếng, nhà báo ở tầm cao đối với cách mạng Việt Nam./.

--------------------------------------------------------

-  Nguồn:  Kỷ yếu Hội thảo “Nhà báo Hoàng Tùng với quê hương Hà Nam và đất nước”, Hà Nam, ngày 10/6/2017.
Minh Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực