Nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản

Thứ sáu, 18/01/2019 17:21
(ĐCSVN) – Đồng chí Lê Mạnh Hùng đề nghị các nhà xuất bản, các cơ quan chủ quản nhà xuất bản tiếp tục nghiên cứu thực hiện mô hình hoạt động theo Kết luận số 19 của Ban Bí thư “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 42 về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”.

Sáng 18/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị Giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2019. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì Hội nghị.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Chu Hòa cho biết, trong năm 2018, tổng số xuất bản phẩm của 59 nhà xuất bản nộp lưu chiểu là 33.087 xuất bản phẩm; trong đó, xuất bản phẩm dưới dạng sách giấy: 31.438 cuốn với 404.600.895 bản, xuất bản phẩm điện tử: 86 xuất bản phẩm với 318.400 lượt phát hành, xuất bản phẩm khác (băng, đĩa, bản đồ, bưu ảnh, lịch…) 1.563 loại với 25.222.964 bản.


Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị

Năm 2018, không chỉ số lượng đầu xuất bản phẩm và số bản in tăng lên mà hình thức và chất lượng xuất bản phẩm cũng được nâng cao hơn so với năm 2017. Nội dung xuất bản phẩm đã đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của xã hội và phục vụ nhiệm vụ chính trị của các ngành, địa phương cũng như các ngày lễ lớn, các sự kiện kinh tế, chính trị, đối ngoại của đất nước. Trong đó, xuất bản được nhiều đầu sách giá trị về lý luận chính trị, kinh tế, văn hóa, văn học, lịch sử, các công trình nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn, khoa học công nghệ, hướng nghiệp…

Đề cập tới những khó khăn, hạn chế trong hoạt động, Cục trưởng Chu Hòa cho biết, một số cơ quan chủ quản chưa chủ động hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về điều kiện hoạt động cho nhà xuất bản trực thuộc, dẫn đến việc nhà xuất bản nhiều lần phải báo cáo, kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Một số cơ quan chủ quản đã không thực hiện tốt quy trình đặt hàng xuất bản phẩm dẫn đến việc thực hiện chính sách đặt hàng xuất bản phẩm của nhà xuất bản gặp nhiều khó khăn. Một số nhà xuất bản có hiện tượng buông lỏng quản lý, dẫn đến tình trạng xuất bản phẩm có nội dung vi phạm hoặc cần cân nhắc, xem xét thấu đáo trước khi cho phát hành khi cơ quan chủ quản đã không làm tròn trách nhiệm của mình.

 

Toàn cảnh Hội nghị. 

Kết luận Hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng biểu dương những kết quả nổi bật của ngành xuất bản, đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát định hướng chính trị, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành. Các nhà xuất bản đã bám sát nội dung, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, triển khai kế hoạch, đề tài xuất bản trong năm, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành, của đất nước.

Nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm 2019, đồng chí Lê Mạnh Hùng đề nghị các cơ quan chủ quản phải có những giải pháp thực sự hữu hiệu, cương quyết đẩy lùi những tiêu cực và hạn chế của ngành.

Để năm 2019 hoạt động xuất bản tiếp tục đạt được bước tiến mới, đồng chí Lê Mạnh Hùng đề nghị các nhà xuất bản, các cơ quan chủ quản nhà xuất bản thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục nghiên cứu thực hiện mô hình hoạt động theo Kết luận số 19 của Ban Bí thư “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 42 về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”; đồng thời bám sát các nhiệm vụ chính trị đẩy mạnh xuất bản các xuất bản phẩm tuyên truyền theo tinh thần đổi mới, sáng tạo; tăng cường phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý xuất bản, thực hiện nghiêm Quyết định 281, 282, 283 QĐ/TW ngày 26/1/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về chỉ đạo, quản lý xuất bản; gắn với thực hiện Luật Xuất bản và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Đẩy mạnh sắp xếp các nhà xuất bản; chuyển đổi nhà xuất bản trực thuộc theo loại hình tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; nghiên cứu, thực hiện việc chuyển đổi các nhà xuất bản địa phương và các nhà xuất bản phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin đối ngoại, đồng bào dân tộc thiểu số chuyển sang loại hình đơn vị sự nghiệp có thu theo tinh thần Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ.

Quan tâm công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt; phát triển đội ngũ biên tập viên vững về nghiệp vụ, giỏi về chuyên môn, giải quyết cơ bản tình trạng khủng hoảng về nhân lực của nhiều nhà xuất bản hiện nay. Tăng cường quản lý hoạt động liên kết, hoạt động của văn phòng đại diện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động xuất bản, phát triển xuất bản điện tử./.

Tin, ảnh: HN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực