Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí, truyền thông Lào ở Việt Nam

Thứ năm, 14/06/2018 17:25
(ĐCSVN) - Từ nhiều góc nhìn khác nhau, các đại biểu, các nhà khoa học đã đề xuất những phương hướng, giải pháp, kiến nghị cụ thể, thiết thực, có tính khả thi; góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí, truyền thông Lào ở Việt Nam trong thời gian tới.
Sáng 14/6, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí, truyền thông cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (CHDCND Lào) ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”.

Hội thảo nhằm làm rõ thực trạng, những vấn đề đang đặt ra trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí, truyền thông Lào ở Việt Nam hiện nay; đề xuất phương hướng, kiến nghị, giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí, truyền thông Lào ở Việt Nam trong thời gian tới.

Toàn cảnh Hội thảo. 

Hội thảo đã nhận được 50 tham luận của các nhà khoa học, các nhà quản lý, cán bộ, giảng viên và của các lưu học sinh Lào ngành báo chí, truyền thông. Các tham luận đã làm sáng tỏ những nội dung cơ bản và quan trọng như: Chủ trương, chính sách, nhu cầu của nước CHDCND Lào về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí truyền thông và sự phối hợp với Việt Nam trong hoạt động này; thực trạng, những vấn đề đặt ra và định hướng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí, truyền thông Lào ở Việt Nam hiện nay.

Theo PGS.TS Trương Ngọc Nam - Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì việc đào tạo cán bộ báo chí, truyền thông cho CHDCND Lào là trách nhiệm, nghĩa vụ và nghĩa tình của các cơ sở đào tạo báo chí tại Việt Nam, trong đó có Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Học viện luôn xác định đào tạo cán bộ báo chí, truyền thông không chỉ giúp phát triển nền báo chí Lào mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước.

Thông tin từ Hội thảo cho biết, hiện nay, có khoảng 14.000 lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam, có hàng nghìn lượt lưu học sinh đang học tập các chuyên ngành khác nhau tại Học viện. Hàng năm đều có các lưu học sinh Lào tiêu biểu được nhận khen thưởng về thành tích học tập. Khi tốt nghiệp, lưu học sinh không chỉ trở về phục vụ đất nước mà còn là cầu nối hữu nghị với đất nước từng học tập. Từ năm 2012, Học viện định kỳ mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí – truyền thông Lào. Hàng năm, 20 học viên là cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí và sở thông tin truyền thông của Lào sang học tập tại Học viện về kinh nghiệm quản lý báo chí, mô hình hoạt động của cơ quan báo chí trung ương, địa phương và phương thức vận hành của toà soạn đa phương tiện.

Theo ông Savankhone Razmountry - Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Nhà báo CHDCND Lào, trong thời gian tới, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào cũng như Hội Nhà báo Lào sẽ có chương trình phát triển công tác thông tin theo tầm nhìn từ nay đến năm 2020 gồm: Phát triển báo chí Lào với chất lượng, hiện đại, cập nhật, là vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước và từng bước tự chủ, hội nhập quốc tế, kiểm soát, đảm bảo thông tin, có nguồn nhân lực chất lượng phù hợp với thời kỳ mới và tầm nhìn đến năm 2030...

Vì thế, để đạt được tầm nhìn, cũng như chiến lược phát triển nguồn nhân lực báo chí truyền thông trong tương lai, ngành báo chí Lào phải tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Lào; đặc biệt với sự giúp đỡ của Việt Nam, nhất là có phần đóng góp của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, công tác đào tạo đòi hỏi phải có hệ thống; chú trọng cân đối giữa khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn..../.

Tin, ảnh: T.L

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực