Kế hoạch Tổ chức Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2018

Thứ ba, 18/09/2018 10:50
(ĐCSVN)-Ngày 11/6, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 204 - KH/BTGTW về tổ chức Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp khu vực, toàn quốc năm 2018. Trân trọng giới thiệu toàn văn bản Kế hoạch.​

Khai mạc Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi các tỉnh phí Bắc tại Thái Bình. Ảnh KS


- Căn cứ Quyết định số 113 - QĐ/TW ngày 09 tháng 7 năm 2012 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khoá XI) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Căn cứ Quyết định số 185 - QĐ/TW ngày 03 tháng 9 năm 2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện); 
- Căn cứ Hướng dẫn số 48 - HD/BTGTW ngày 19 tháng 9 năm 2017 của Ban Tuyên giáo Trung ương “Hướng dẫn tổ chức Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi các cấp năm 2017 - 2018”;
Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Kế hoạch “Tổ chức Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp khu vực, toàn quốc năm 2018” như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Góp phần tạo sự chuyển biến về chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị; đẩy mạnh phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, đưa hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện ngày càng đi vào nền nếp.
- Tạo điều kiện để các giảng viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng giảng dạy của đội ngũ giảng viên, thúc đẩy việc đổi mới phương thức giảng dạy và học tập.
- Tuyển chọn, công nhận, suy tôn giảng viên lí luận chính trị của các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Qua Hội thi, cấp ủy, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện có thêm căn cứ để từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp cho đội ngũ giảng viên hàng năm.
- Hội thi phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, công bằng; đánh giá đúng khả năng, chuyên môn, nghiệp vụ của giảng viên.
II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, HÌNH THỨC VÀ PHƯƠNG THỨC ĐÁNH GIÁ, XÉT GIẢI  
1. Đối tượng và số lượng người dự thi 
a. Đối tượng dự thi
Giảng viên chuyên trách, kiêm chức đang tham gia giảng dạy tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và tại các đảng ủy trực thuộc Trung ương.
b. Số lượng người dự thi
- Hội thi khu vực: Các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương cử 02 giảng viên tham dự hội thi khu vực. Riêng các tỉnh, thành phố có nhiều trung tâm bồi dưỡng lý luận chính trị cấp huyện (Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An) cử 03 giảng viên.
- Hội thi toàn quốc: Mỗi khu vực, Ban Giám khảo lựa chọn 06 giảng viên xuất sắc được giải nhất, nhì, ba dự Hội thi Chung khảo toàn quốc.
2. Hình thức thi
Trong Hội thi, mỗi thí sinh phải tham dự 03 phần thi: 
- Soạn giáo án thuyết trình. Giáo án cần viết ngắn gọn, rõ ràng (không nên quá 30 trang đánh máy khổ A4), đóng thành quyển và gửi về trước cho Hội đồng thi từ 03 đến 04 tuần.
- Phần thuyết trình: thí sinh lựa chọn phần trọng tâm trong bài đã đăng ký dự thi để trình bày trong 25 phút.
- Trả lời một số câu hỏi do thành viên Hội đồng Giám khảo đặt ra. Nội dung các câu hỏi là các tình huống liên quan trực tiếp tới bài giảng. Các câu hỏi nhằm kiểm tra kiến thức, kỹ năng của người dạy và năng lực giải quyết các vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra. Thí sinh trả lời phần câu hỏi không quá 05 phút.
3. Phương thức đánh giá, xếp loại
a. Phương thức đánh giá
- Mỗi nội dung thi được tính thang điểm 10, trong đó:
+ Điểm giáo án: hệ số 2.
+ Điểm bài giảng thuyết trình trên lớp: hệ số 3.
+ Điểm trả lời câu hỏi, ứng xử: hệ số 1.
- Điểm của mỗi giảng viên tham dự là trung bình cộng của 03 loại điểm trên (tổng số điểm chia 6). 
b. Xếp loại
- Loại giỏi:               đạt từ 8,5 đến 10 điểm.
- Loại khá:               đạt từ 07 đến dưới 8,5 điểm.
- Loại trung bình:    đạt từ 05 đến dưới 07 điểm.
- Loại yếu:               đạt dưới 05 điểm.
III. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM
1. Thời gian
 - Hội thi được tổ chức trong 3 ngày, dự kiến vào tháng 8, 9 năm 2018. 
- Hội thi Khu vực I, gồm các tỉnh, thành phía Bắc (từ Ninh Bình trở ra) và các đảng ủy trực thuộc Trung ương, dự kiến tổ chức vào nửa đầu tháng 8 năm 2018.
- Hội thi Khu vực II, gồm các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên (từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận), dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 8 năm 2018.
- Hội thi Khu vực III, gồm các tỉnh, thành phố phía Nam dự kiến tổ chức nửa cuối tháng 8 năm 2018.
- Hội thi Chung khảo toàn quốc, dự kiến tổ chức vào giữa tháng 9  năm 2018.
2. Địa điểm: 
- Hội thi Khu vực I, dự kiến tổ chức tại Hà Nội.
- Hội thi Khu vực II, dự kiến tổ chức tại Đà Nẵng.
- Hội thi Khu vực III, dự kiến tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Hội thi Chung khảo toàn quốc, dự kiến tổ chức tại Hà Nội.
IV. KINH PHÍ VÀ KHEN THƯỞNG
1. Kinh phí
- Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy cử giảng viên đi dự Hội thi lo kinh phí ăn, ở, đi lại… cho thí sinh.
- Ban Tuyên giáo Trung ương chuẩn bị các điều kiện, kinh phí tổ chức Hội thi cấp khu vực và Chung khảo toàn quốc. 
2. Khen thưởng
 - Ban Tổ chức Hội thi xét và trao giải thưởng cho các giảng viên tham gia dự thi đạt loại giỏi, khá với số lượng giải thưởng như sau:
+ 01 giải Nhất;
+ 02 giải Nhì;
+ 03 giải Ba;
+ 04 giải khuyết khích;
+ Các giải phụ (Giảng viên giảng hay nhất, Giảng viên soạn giáo án tốt nhất, Giảng viên sử dụng phương tiện dạy học tốt nhất, Giảng viên viết chữ đẹp nhất,…)
- Cách xét giải lựa chọn từ cao xuống thấp. Giảng viên đạt giải Nhất phải đạt loại giỏi (đạt từ 8,5 điểm trở lên). Nếu không đạt loại giỏi, người cao điểm nhất cũng chỉ được giải Nhì. Giảng viên đạt giải khuyến khích phải đạt điểm khá trở lên.
- Những giảng viên đạt loại giỏi, khá được Ban Tuyên giáo Trung ương cấp giấy chứng nhận.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ban Tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy, thị ủy, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện
Gửi hồ sơ đăng ký tham gia Hội thi khu vực. Hồ sơ đăng ký gồm có:
+ Công văn và danh sách đăng ký giảng viên tham gia Hội thi  (Họ và tên, năm sinh, nam/nữ, dân tộc, trình độ học vấn, trình độ lý luận chính trị, thời gian làm giảng viên, đơn vị công tác, kết quả xếp loại thi...).
+ Đăng ký tên bài, nội dung thi giảng.
+ Giáo án bài giảng tham gia Hội thi (07 quyển, không đóng bìa cứng, theo Hướng dẫn số 124-HD/BTGTW ngày 17/6/2014 của Ban Tuyên giáo Trung ương),  có chữ ký của người soạn và chữ ký của người duyệt (lãnh đạo nơi người dự thi công tác và lãnh đạo ban tuyên giáo cấp tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương)[i]
Hồ sơ gửi về Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương (2B Hoàng Văn Thụ, Ba Đình, Hà Nội) trước ngày 10 tháng 7 năm 2018. Đồng thời gửi giáo án dạng tệp (file) qua địa chỉ: mainga17@btgtw.vn;mainga17@gmail.com.
2. Thường trực các huyện ủy, thành ủy, thị ủy, ủy ban nhân dân cấp huyện
Tạo điều kiện về kinh phí, thời gian… cho Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện có giảng viên tham gia dự thi cấp khu vực và cấp toàn quốc.
3. Ban Tuyên giáo Trung ương
- Thành lập Ban Tổ chức, Ban giám khảo Hội thi cấp khu vực, toàn quốc chuẩn bị nội dung, chương trình làm việc của Hội thi và chỉ đạo toàn bộ Hội thi.
- Chuẩn bị các văn bản phục vụ cho Hội thi, tổ chức rút kinh nghiệm sau Hội thi.
- Phối hợp với các tỉnh, thành tổ chức Hội thi bố trí phòng học; tạo điều kiện nơi ăn, nghỉ cho các đoàn về dự thi và các điều kiện khác phục vụ Hội thi.
Giao Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương là đầu mối chủ trì phối hợp với Văn phòng và các đơn vị có liên quan tham mưu chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết, tổ chức Hội thi nghiêm túc, khoa học, đạt kết quả tốt. 
Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng uỷ trực thuộc Trung ương báo cáo về Ban Tuyên giáo Trung ương cùng phối hợp giải quyết./.
 
 
[i]. Có thể tham khảo cuốn “Giáo án Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2014”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành năm 2015.

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực