Hà Nội: Đổi mới trong tổ chức Lễ hội Gióng năm 2018

Thứ sáu, 23/02/2018 09:43
(ĐCSVN) – Điểm nhấn nổi bật nhất trong công tác tổ chức Lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) năm 2018 đó là việc khai mạc đã được thực hiện một cách văn minh, trang trọng và không còn cảnh tranh cướp giò hoa tre phản cảm như nhiều năm trước…
Đông đảo du khách thập phương về dự Lễ hội Gióng. Ảnh TL

Là nơi thờ tự Phù Đổng Thiên Vương - một trong tứ bất tử của dân tộc Việt Nam, Lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) được biết đến như là một trong những lễ hội lớn và quan trọng bậc nhất trong văn hóa tín ngưỡng của người dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung. Những năm gần đây, vào dịp tổ chức Lễ hội Gióng, Khu di tích Lịch sử đền Sóc luôn thu hút hàng chục vạn du khách thập phương và phật tử khắp nơi tụ hội. Tuy đã có nhiều cố gắng song cảnh tranh cướp giò hoa tre đã gây ảnh hưởng nhiều đến giá trị của Lễ hội Gióng.

Do đó, để đảm bảo một lễ hội văn minh, ban tổ chức lễ hội Gióng năm 2018 đã quyết định thay đổi phương thức triển khai, trong đó điểm nhấn là bỏ phân đoạn cướp lộc hoa tre. Theo đó, sau lễ cung tiến, giò hoa tre sẽ được di chuyển vào hậu cung đền Thượng, chứ không di chuyển xuống khu vực đền Hạ và tổ chức phát lộc như mọi năm. Thay vì đưa giò hoa tre vào rồi rước ra để tranh cướp, năm nay, sau khi đưa vào hậu cung đền Thượng, giò hoa tre sẽ được mang ra phát lộc cho mọi người một cách nhẹ nhàng, trật tự, không xảy ra tranh cướp.

Theo đồng chí Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng VHTT huyện Sóc Sơn (Hà Nội): “Năm nay Ban tổ chức đã thay đổi hình thức rước giò hoa tre của thôn Vệ Linh và rước giò hoa cau của thôn Đan Tảo, năm 2017 tổ chức phát lộc tập trung thì năm nay sau khi tạ lễ cho tiến cung, ban tổ chức và nhân dân đã phát lộc ở 3 nơi, đền Thượng, đền Mẫu, đền Trình".

“Kịch bản lễ rước và lễ tạ vẫn đảm bảo đúng nghi thức truyền thống ghi trong hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản. Chúng tôi tán lộc nhỏ lẻ, sau khi lễ vật tiến cung được tán lộc cho nhân dân. Số lượng lộc hoa tre khoảng 500 cây làm thành một giò tre, ngoài ra cũng chuẩn bị khoảng 15 nghìn cây hoa tre để phát lộc”, đồng chí Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng VHTT huyện Sóc Sơn cho biết thêm.

Được biết, thực hiện chủ trương của thành phố Hà Nội về việc tổ chức các lễ hộ dịp đầu xuân bảo đảm văn minh, văn hóa, tiết kiệm, khu vực tổ chức lễ hội thuộc di tích đền Sóc đã được mở rộng hơn để có thể đưa thêm nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian vào không gian lễ hội. Ngoài việc đổi mới trong hình thức rước giò hoa tre, giò hoa cau, ban tổ chức còn tạo điều kiện để người dân và du khách thập phương được tham gia nhiều trò chơi như vật truyền thống, thi nấu cơm, đánh đu… Bên cạnh đó là các hoạt động như tái hiện Lễ kéo mỏ, đi cà kheo, cờ tướng… Công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống cháy rừng cũng được thực hiện có hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị The, một người dân địa phương chia sẻ: “Năm nay, việc tổ chức Lễ hội Gióng có nhiều điểm đổi mới. Cảnh tranh cướp giò hoa tre một cách phản cảm như các năm trước đã không còn. Mọi người tham gia lễ hội đều vui vẻ, an toàn và ai cũng có hoa tre, trầu cau mang về để cầu may mắn”.

Theo kế hoạch, Lễ hội Gióng sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 6 tới 8 tháng Giêng./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực