Giáo dục di sản cho học sinh cần đổi mới và phù hợp lứa tuỏi

Thứ sáu, 19/05/2017 22:35
(ĐCSVN) – Mới đây, tại Hà Nội, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Tọa đàm về giáo dục di sản. Tại buổi Tọa đàm, câu chuyện về giáo dục di sản tại các di tích đã nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục.

Những học liệu cần thiết cho buổi giáo dục di sản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: HL

Tiếp cận di sản theo cách mới

Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, từ nhiều năm nay, Trung tâm đã phối hợp với các trường học tổ chức các buổi ngoại khóa tại khu di tích để các em học sinh có được trải nghiệm thực tế bổ ích, phát triển kỹ năng cá nhân. Tuy nhiên, việc phổ biến giá trị di sản Văn Miếu đến học sinh chưa thực sự mang tính tương tác, cần phải nỗ lực và đổi mới nhiều hơn.

Để việc giáo dục di sản tại di tích đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ tập trung vào cách tiếp cận mới, sẽ gắn kết các hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt tập thể với di sản thông qua việc tổ chức các chuyến tham quan trải nghiệm tại di tích, gắn với mục tiêu đào tạo của cấp học, khối lớp và phù hợp với yêu cầu của từng môn học.

Cụ thể, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, khung chương trình giáo dục tại di tích sẽ gồm 3 hoạt động: Trước tham quan, trong khi tham quan và sau tham quan. Trong đó, hoạt động trước tham quan được tổ chức tại lớp học với mục tiêu giúp học sinh chuẩn bị trước chuyến tham quan, trải nghiệm tại di tích; gắn kết di sản với bài học trong sách giáo khoa hoặc chương trình của học sinh. Hoạt động trong tham quan chính là hoạt động học tập tại di tích. Trong hoạt động này, giáo viên sẽ cùng với cán bộ giáo dục hỗ trợ, khuyến khích học sinh tìm hiểu di sản bằng nhiều hình thức khác nhau để tạo sự hấp dẫn, thu hút học sinh tham gia. Hoạt động sau tham quan, trên cơ sở các hoạt động thực tế, kết hợp với trí tưởng tượng của mình, các em sẽ sáng tạo nên những sản phẩm thú vị. Hoạt động này cần giáo viên và học sinh gợi nhớ, củng cố kiến thức, cùng thảo luận và sáng tạo nên các tác phẩm để giới thiệu tại lớp. 

Xác định đối tượng rõ ràng

Về việc lựa chọn đối tượng giáo dục di sản, ông Đặng Văn Biểu - Phó trưởng Ban Quản lý Di tích Hỏa Lò nhận định: Muốn giáo dục di sản phải xác định được chủ thể. Việc giáo dục này cần phải có những nghiên cứu rõ từng lứa tuổi, đối tượng khi tham gia hoạt động. Học sinh lớp 4 khác hoàn toàn với các học sinh lớp 6, 7, 8; chưa kể nhiều học sinh khi tham gia các hoạt động giáo dục di sản còn nặng về tính đối phó dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Từ thực tế hoạt động tại Khu di tích Yên Tử, ông Lê Ngọc Thanh, Công ty du lịch Tùng Lâm cho rằng: Muốn phát triển được, các di tích phải có sản phẩm hút khách. Ông Thanh lấy dẫn chứng: Ở Khu di tích Yên Tử có những năm, vào mùa hè, công ty đã miễn phí cáp treo cho học sinh, sinh viên nhưng rất ít người đến. Thậm chí, Thiền viện Trúc lâm Yên Tử đã miễn phí cả bữa trưa cho những học sinh tại Uông Bí (Quảng Ninh) nhưng cũng rất ít người tham quan. Do đó, để thu hút sự tham gia của học sinh, công ty đã kết hợp với Thiền viện Trúc Lâm tổ chức khóa học mùa hè, có bố trí xe đưa đón, tổ chức vui chơi, tạo không khí phấn khích cho học sinh. “Rõ ràng, để tạo được hiệu quả từ những chuyến tham quan di sản thì việc xây dựng chương trình sao cho phù hợp với tâm lý của từng lứa tuổi là rất cần thiết” – Ông Thanh khẳng định.

Xây dựng thành công hai chương trình giáo dục di sản cho hai bậc học tiểu học và trung học cơ sở, bà Nguyễn Thị Yến, Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long cho rằng: Thực tế hiện nay, nhiều nhà trường tổ chức tham quan di sản mang nặng tính hình thức. Hoàng Thành Thăng Long có những ngày đón 1.000 em học sinh đến tham quan. Tuy nhiên, các em chỉ chạy lòng vòng, nghe được gì thì nghe. Như vậy thì việc học tập tại khu di tích sẽ không hiệu quả.

Theo bà Nguyễn Thị Yến, để chương trình giáo dục di sản có chất lượng phải có sự kết nối chặt chẽ với phòng giáo dục các quận, huyện và ban giám hiệu nhà trường. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ những bài học lịch sử liên quan đến chương trình trải nghiệm, đồng thời các di tích cần có phòng tương tác hoàn chỉnh với đầy đủ dụng cụ, học liệu để các em học sinh tự do sáng tạo./.

Huy Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực