Gia đình - Bức tường thành vững chắc đẩy lùi những tệ nạn và văn hóa độc hại

Thứ tư, 28/06/2017 09:42

(ĐCSVN)- Gia đình là “tế bào” của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, rèn luyện và nuôi dưỡng nhân cách mỗi con người. Mỗi “tế bào” khỏe mạnh, mỗi gia đình hạnh phúc, góp phần tạo nên một xã hội phồn vinh.Thế nhưng hiện nay trong xã hội hiện đại, do tác động của cơ chế thị trường, gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, đe dọa tới hạnh phúc và sự tồn vong trong mỗi “”tổ ấm””.

Ảnh minh họa (Nguồn: Theo Báo Pháp luật xã hội)

Không chỉ bây giờ mà từ lâu, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức sâu sắc về vị trí và vai trò của gia đình đối với sự phát triển của xã hội và sự hưng thịnh của mỗi quốc gia. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ XX khi Bác Hồ còn sống, Người đã phát động phong trào “toàn dân tham gia xây dựng đời sống mới”. Từ mô hình 6 gia đình văn hóa đầu tiên ở thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đã được phát triển rộng khắp trong cả nước. Trải qua thời gian, phong trào được duy trì và phát động sâu rộng qua các tên gọi “Cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa mới”, “Cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa”, “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa”…

Ngoài ra, phong trào xây dựng gia đình văn hóa còn được triển khai lồng ghép với các phong trào như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, xây dựng gia đình “5 không, ba sạch” gắn với “Phụ nữ cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, xây dựng gia đình hạnh phúc đạt 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”…Nhờ có các phong trào này đã tạo sự chuyển biến sâu rộng trong đời sống văn hóa ở các địa phương trên mọi miền Tổ quốc, góp phần thúc đẩy kinh tế và ổn định xã hội. Nhiều công trình văn hóa được xây dựng, lối sống có văn hóa, nếp sống văn minh ít nhiều đã thấm vào mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị, trường học…

Nhìn vào kết quả thống kê gia đình văn hóa trong cả nước mỗi năm, chúng ta thấy tỷ lệ gia đình văn hóa năm sau luôn cao hơn năm trước. Theo Cục Văn hóa Cơ sở, tính đến năm 2015, cả nước có hơn 18.768.131/22.073.467 gia đình đạt chuẩn danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 85,03%, tăng 2% so với năm 2014. Thế nhưng có một nghịch lý là tỷ lệ gia đình văn hóa, làng, xã văn hóa, khu phố, cơ quan, trường học đạt danh hiệu văn hóa ngày một tăng, nhưng đạo đức xã hội lại đang bị xuống cấp; tệ nạn xã hội gia tăng, tình trạng bạo lực gia đình, ly hôn, ly thân, nạo phá thai, phạm tội ở tuổi vị thành niên cũng ngày một tăng…. khiến người ta không khỏi hoài nghi về con số thống kê mang nặng bệnh thành tích này.

Theo kết quả thống kê của Vụ Gia đình – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) trong vòng 5 năm (từ 2011-2015), trung bình mỗi năm ở nước ta xảy ra hơn 31.500 vụ bạo lực gia đình. Viện Nghiên cứu gia đình và giới cũng cho biết cả nước trung bình có trên 60.000 vụ ly hôn/năm, chiếm tỉ lệ 30%, tức là cứ 10 cặp vợ chồng kết hôn thì có 3 cặp ly hôn. Xu hướng này tiếp tục tăng ở cả thành phố và nông thôn. Điều đáng nói, 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ, vợ hoặc chồng trong độ tuổi từ 18-30; trong đó có 60% ly hôn sau khi kết hôn từ 1-5 năm, nhiều trường hợp chỉ mới cưới nhau được vài tháng. Nguyên nhân dẫn tới ly hôn chủ yếu là do mâu thuẫn về lối sống.

Không chỉ có vậy, thống kê từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng cho biết mỗi năm ở nước ta có khoảng 70.000 ca phá thai ở tuổi vị thành niên. Tòa án nhân dân tối cao cũng cho biết, từ năm 2007 đến hết 2013, toàn quốc phát hiện gần 63.600 vụ vi phạm pháp luật hình sự do hơn 94.300 người chưa thành niên gây ra. Những trẻ phạm tội tuổi vị thành niên lại chủ yếu xuất thân ở gia đình không hoàn thiện (đa số do bố mẹ ly hôn).

Từ những con số này cho thấy, thực trạng gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Và những vấn đề này không còn gói gọn trong phạm vi gia đình mà đã trở thành vấn đề của xã hội, của quốc gia. Mỗi tế bào khỏe mạnh là cơ thể khỏe mạnh, mỗi một gia đình hạnh phúc góp phần tạo nên xã hội phồn vinh. Vì thế, để góp phần đẩy lùi những những tệ nạn trong xã hội, giảm bớt con số thống kê không mong muốn về tệ nạn xã hội, về bạo lực gia đình, về ly hôn...bên cạnh các giải pháp về tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của mỗi người dân có lẽ quan trọng nhất là mỗi gia đình phải thực sự là tổ ấm, là bức tường thành vững chắc để ngăn chặn và đẩy lùi những tệ nạn, những văn hóa độc hại từ bên ngoài./.

K.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực