Đẩy mạnh tuyên truyền quy định về tổ chức sự kiện, phát triển đồng bộ thiết chế văn hóa

Thứ năm, 18/10/2018 17:59
(ĐCSVN) - Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nghiêm túc quán triệt, tuyên truyền, triển khai, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, xây dựng kế hoạch tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của đất nước phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương.

Đây là nhận định chung của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ về việc quy định tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài và Quyết định 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030, tổ chức tại thành phố Đà Nẵng ngày 17/10/2018.

Theo đó, những quy định về nghi lễ nhà nước trong tổ chức ngày kỷ niệm lớn đã thực hiện thống nhất, khoa học, tránh rườm rà, tốn kém từ Trung ương tới địa phương, phù hợp với truyền thống của dân tộc, pháp luật và thông lệ quốc tế. Các quy định về khách mời, hình thức tổ chức, chiêu đãi, tặng quà phù hợp với chủ trương tổ chức trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, lãng phí, có ý nghĩa tôn vinh sự kiện, tôn vinh tập thể và cá nhân, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng, gắn với các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn. Nhiều nơi cũng ban hành Quyết định về quy chế lễ tân đón tiếp khách tại địa phương mình như: Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Phước, Hà Tĩnh…

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Anh Tuấn)

Đối với quân đội và các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam, hoạt động kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống thường xuyên được gắn kết chặt chẽ với các ngày lễ lớn của đất nước, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII và Chỉ thị của Bộ Chính trị về đẩy mạnh viêc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cuộc vận động các cấp, ngành, nhất là cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ và các phong trào thi đua quyết thắng…, góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ chiến đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, tăng cường đoàn kết nội bộ.

Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức các hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, trao tặng các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước vào các dịp đại hội thi đua, hội nghị sơ kết, tổng kết phong trào thi đua và công tác khen thưởng, tiêu biểu như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Phú Thọ...

Đặc biệt, nghi lễ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam được triển khai chủ động, đồng bộ, phù hợp với nhu cầu đối ngoại và lịch làm việc của lãnh đạo.

Tính tới hết năm 2017, có 81 cơ quan đại diện ngoại giao và 17 cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Hà Nội, 65 đại sứ thường trú tại nước ngoài kiêm nhiệm Việt Nam, 03 Tổng lãnh sự quán tại thành phố Đà Nẵng và 26 Tổng lãnh sự quán tại thành phố Hồ Chí Minh với hơn 2.000 thành viên, thân nhân của cán bộ, nhân viên cơ quan đại diện.

Tuy nhiên, theo bà Vi Thanh Hoài - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện chúng ta chưa có quy định về quy mô, nghi thức và quy trình buổi lễ, thành phần, số lượng khách mời nên dẫn tới tình trạng các đơn vị tự quyết định tổ chức theo ý chủ quan của mình; đa số tổ chức kỷ niệm quy mô lớn, nghi thức rườm rà, thành phần, số lượng mời dàn trải đang có chiều hướng gia tăng, gây tốn kém, lãng phí...

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian tới, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường tuyên truyền về việc thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 145 của Chính phủ, tiếp tục kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền các ngày kỷ niệm, biểu dương, cổ vũ các nhân tố mới, điển hình tiên tiến được khen thưởng đảm bảo ý nghĩa chính trị, thực sự mang tính nêu gương, lan tỏa...; kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định mới về nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài trên cơ sở tách các chương từ Chương 8 đến Chương 13 của Nghị định 145/2013/NĐ-CP...

Về kết quả sau 5 năm thực hiện Quyết định 2164/QĐ-TTg, thống kê năm 2017 của Cục Văn hóa cơ sở cho biết, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở cấp tỉnh có 69 (Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Văn hóa - Thông tin..), cấp huyện có 651/713 quận/huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao hoặc nhà văn hóa, cấp xã có 7.456/10.184 xã phường, thị trấn có Trung tâm văn hóa - Thể thao, và cấp thôn có 75.996/101.732 thôn, bản… có nhà văn hóa.

Trong lực lượng công an nhân dân, hiện toàn ngành có 09 nhà văn hóa công an ở cấp tỉnh và 15 nhà văn hóa cấp huyện (số liệu tháng 3/2018). 

Đến nay đã có 20 tỉnh/thành chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và giới thiệu địa điểm khu đất xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Dự án thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp Đồng Văn II tỉnh Hà Nam được triển khai đầu tiên, khởi động cho chuỗi 50 dự án thiết chế công đoàn tại các địa phương được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai đồng thời từ nay đến năm 2020.

Tuy nhiên, thực tế cũng chỉ ra công tác tham mưu xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trình Thủ tướng và các Thông tư về hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở còn một số vấn đề chưa phù hợp với thực tiễn, phát sinh những tình huống cần điều chỉnh, bổ sung; các xã vùng cao, hải đảo, xã đặc biệt khó khăn khi xây dựng cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn về diện tích đất quy hoạch và quy mô xây dựng; hay như nguồn lực cả trong và ngoài ngân sách cũng có hạn chế nhất định.

Mục tiêu đến năm 2020, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được phát triển đồng bộ, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân các vùng miền, khu vực trong cả nước; 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có trung tâm văn hóa, 50% đơn vị cấp tỉnh có cung văn hóa lao động, nhà văn hóa lao động, 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có quy hoạch quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, người lao động.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách về việc thực hiện xã hội hóa và sử dụng nguồn thu từ các hoạt động xã hội hóa, quan tâm chế độ chính sách (tiền lương, chế độ thù lao…) đối với cán bộ tại Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh và Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện/xã..../.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực