Đổi mới từ học và làm theo Bác

Thứ bảy, 16/12/2017 23:11

Bài 2: Thay đổi thói quen, lề lối làm việc cũ

(ĐCSVN)- 50 km từ huyện lỵ Ninh Sơn về Bác Ái, trải dài hai bên đường cùng sông suối là những buôn, những làng của người Raglai, ChuRu, đơn sơ mà đẹp đến nao lòng. Chúng tôi như bay trong cảm xúc của nhạc sĩ Trần Tiến khi ông chạm vào cây đàn Chapi trên vùng đất này: Ở nơi ấy, tôi đã thấy trên ngọn núi cao, có hai người yêu nhau/Ở nơi ấy, họ đã sống không mùa đông, không mùa nắng mưa/ Có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau/ Ở nơi ấy … Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi/Khi rung lên, vài sợi dây đàn đã đong đầy hồn người Raglai…

Người Raglai ở Bác Ái có đời sống văn hóa tinh thần vô cùng phong phú,đặc sắc.( Ảnh:PV)

Khi viết về những kết quả bước đầu sau một năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng tôi có ý định chọn những địa phương đặc biệt khó khăn nằm trong diện hỗ trợ 30A của Chính phủ – để tìm hiểu về những đổi thay mới, những đột phá mới ở những vùng đất này. Bởi thế, sau Hoàng Su Phì và Xín Mần, chúng tôi vượt qua sự tàn phá của cơn bão số 12 lịch sử, đến với Bác Ái- huyện miền núi trong diện nghèo nhất nước thuộc tỉnh Ninh Thuận.

Trên bản đồ, Bác Ái có vị trí địa lý khá đặc biệt, thuộc vùng ranh giới ba tỉnh Lâm Đồng – Khánh Hoà – Ninh Thuận, là vùng cách mạng giàu truyền thống, chiến khu thép của tỉnh Ninh Thuận trong suốt 2 cuộc kháng chiến, nổi tiếng với các địa danh Bác Ái Đông, Bác Ái Tây, Đồng Dày, Tham Dú, Tà Lú, Đèo Gia Trúc, cùng những tên tuổi những người anh hùng Pinăng Tắc, Pinăng Thạnh, Chamaléa Châu... Qua 2 cuộc kháng chiến, Bác Ái có 10 tập thể và 4 cá nhân được Nhà nước tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang, 5 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong huyện được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương các loại, minh chứng cho ý chí bất khuất, tinh thần cách mạng của vùng đất kiên trung này.

 

Nổi tiếng như vậy, nhưng nhắc đến Bác Ái, nhiều người sống ngay trên mảnh đất Ninh Thuận này vẫn thấy xa xôi lắm, chưa một lần đặt chân, luôn hình dung một vùng đất gần mà vời vợi đâu đó, nơi lắm núi, nhiều sông mà người khát, cây cối cũng khát. Chuyện kể lại, khi mới chia tách huyện, đói nghèo đeo bám, củ mì cũng không kiếm nổi để no cái bụng người, cán bộ đi làm mỗi ngày được cấp 10 lít nước, khách đến làm việc vào phòng nào cũng thấy dựng can nước, như một thứ đồ đạc trong nhà... Với hơn 95% đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người Raglai chiếm phần lớn, trình độ dân trí chưa cao, nhiều hủ tục, con đường thoát nghèo, xây dựng cuộc sống văn minh hơn nhiều năm đã là một bài toán hóc búa đối với Bác Ái.

 

Từ thành phố Phan Rang, chúng tôi  chọn xe gắn máy để thực hiện hành trình gần 60km về Bác Ái, hy vọng có thể hứng từng ngọn gió ngây ngất vị núi rừng buổi sớm mai. Tuyến quốc lộ huyết mạch mới được đầu tư chạy dọc qua 5 xã trên địa bàn Bác Ái đến tận Quốc lộ 1 thuộc tỉnh Khánh Hòa, đẹp như trong cổ tích. Đỉnh Tà Năng sừng sững như bức tường thành điệp trùng sau lướp mây mỏng. Tinh sương, từng đàn dê thong dong tạt qua đường lên núi tìm cỏ, theo sau là những chú bé da sạm nắng đặc trưng, ríu rít tiếng Raglai khi được hỏi thăm, răng trắng tăm tắp và mắt lấp lánh cười…Hai bên đường, lấp ló sau rặng cây là những ngôi nhà đều theo một kiểu thiết kế.

 

Được giới thiệu trước, chúng tôi hiểu đó là làng mới hạ sơn, và khu tái định cư hồ thủy lợi Sông Sắt, công trình giải quyết câu chuyện khát tồn tại nhiều đời trên vùng đất này.

 

Mỗi bánh xe lăn, chúng tôi cố hình dung, sau những ngôi nhà êm đềm lướt qua trong sương sớm kia, cất giữ bao nhiêu diệu kỳ mà chúng tôi mới chỉ đọc qua trang sách, những nghi lễ đặc sắc như lễ cưới, lễ bỏ mả, lễ ăn lúa mới tập tục ngủ thảo độc đáo… Chúng tôi đọc và đã mường tượng hình ảnh rất đẹp, dưới ánh trăng sáng, bên ánh lửa bập bùng, những cô gái, chàng trai Raglai nhảy múa trong những âm thanh vang vọng của Mã La, khiến thần rừng cũng phải mất ngủ... Nhưng dù yêu đến thế nào, thì đập vào mắt và dâng đầy trong chúng tôi là sự bất ngờ nghẹn ngào dù đã xác định trước: Bác Ái còn khó khăn quá, chỉ vài chục cây số thôi mà là hai thế giới cách biệt. Cái nghèo, cái khó khăn hiển hiện trong từng dáng người trĩu lưng gùi củi, gùi quả từ rẫy về chúng tôi gặp trong buổi chiều, hiển hiện trong những ngôi nhà không thể đơn sơ hơn với những đồ đạc sơ sài mà chúng tôi ghé thăm, trong ánh mắt những đứa trẻ vút qua bên đường, cái nghèo phơi bày ở khu chợ đầu huyện lỵ chỉ có tiếng nhạc ồn ã, những dãy quần áo rẻ tiền vắng bóng người mua… Rừng trên kia  mênh mông và xanh thăm thẳm, nhiều dây leo, cây chồi, cây nhánh, mà rừng già lâu lắm chưa hồi sinh… đất thì cằn cỗi, bạc mầu, chỉ một lớp màu bên trên, bà con chỉa lỗ trồng bắp 1 mùa, đất rửa trôi lại bỏ đi rẫy khác, và như thế một vòng luẩn quẩn…


Xuống giống mía - một loại cây trồng mới đem lại năng xuất cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con Bác Ái.
( Ảnh: PV)

Đem ý nghĩ ấy nói với anh Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bác Ái, anh trầm tư nói: Bác Ái, dù đang thay da đổi thịt, nhưng đúng là còn nghèo, còn khó khăn rất nhiều, hộ nghèo và cận nghèo còn chiếm tới 70%, bà con dân tộc có tiếng nói mà không có chữ viết, phát âm mỗi bản mỗi khác, cán bộ gặp dân trao đổi nhiều khi 2 bên không hiểu được nhau nên việc hướng dẫn, phổ biến cách làm, phổ biến kỹ thuật rất khó khăn; đất đai xấu, độ dinh dưỡng kém, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán nhiều, cái nghèo đeo đẳng mãi không buông, day dứt và trăn trở lắm đấy… Không khí  trùng hồi lâu, bỗng vỡ òa khi anh Tuấn hào hứng: Nghèo, nhưng Bác Ái bình yên lắm, không có tệ nạn xã hội, không có ma túy các nhà báo ạ! Đúng! Bình yên – đó là điều chúng tôi cảm nhận rõ rệt nhất ở đây. Có lẽ trong cuộc đời làm báo, chưa nơi nào có nhiều ánh mắt hồn nhiên, nụ cười hồn hậu, tấm lòng thảo thơm, chân chất như những ngày chúng tôi ở Bác Ái, từ những cậu bé đưa dê lên núi, những chàng trai cô gái vô tình gặp chuyện trò trên đường; những bà mẹ gùi bắp, gùi đu đủ từ rẫy về - năn nỉ chúng tôi lấy thật nhiều mà ăn… tất cả đều cho chúng tôi một cảm giác thấm đẫm tình người, thứ tình cảm hồn nhiên như cây cỏ, trong trẻo như dòng suối trong vắt chảy từ đỉnh đại ngàn Tà Năng – ngọn núi thiêng của người Raglai kia. Nói về cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, Bí thư Huyện ủy Bác Ái Nguyễn Văn Hoa nói giản dị, chúng tôi không coi việc này như một Nghị quyết, Chỉ thị cần thực hiện theo nhiệm vụ, mà coi đây như một công việc rất cần thiết trong cuộc sống hàng ngày của mỗi con người, bởi tình cảm của Bác quá thân thương, gắn bó với mỗi người dân vùng đất cách mạng này, từ già đến trẻ từ suốt hai cuộc kháng chiến, được truyền tụng, được nâng niu từ thế này sang thế hệ khác như những gì đẹp đẽ nhất. Từ cán bộ, đảng viên đến mỗi người dân, đều đem tấm gương Bác để từ đó điều chỉnh từng việc làm, cách cư xử dù nhỏ trong cuộc sống.
 
Câu chuyện của Bí thư Nguyễn Văn Hoa khiến chúng tôi nhớ lại, bước chân đầu tiên đến khu làm việc, đập vào mắt chúng tôi đầu tiên là Góc học tập và làm theo lời Bác của Chi bộ Văn phòng Huyện ủy, được xây dựng với các văn bản đăng ký, triển khai và thực hiện việc học tập và làm theo Bác, những mẩu chuyện nhỏ được sưu tầm mang tính giáo dục cao, một số hoạt động của cấp ủy, chi bộ được tổng hợp, treo đầy đủ trên góc học tập để hàng ngày mỗi đảng viên đều có thể theo dõi, tự “ răn” mình và nâng cao ý thức xây dựng góc học tập của Chi bộ ngày càng phong phú và đạt được hiệu quả thiết thực, cụ thể hàng ngày.
 
Được biết, Văn phòng đảng bộ huyện Bác Ái hiện có 13 đảng viên, đa số trẻ tuổi, đầy nhiệt huyết, thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho thường trực, thường vụ huyện ủy. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều năm qua, đặc biệt trong năm 2017 này, triển khai thực hiện Chỉ thị 05, Chi bộ Văn phòng đã tích cực chủ động tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ chính trị của địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt kết quả cao; góp phần đẩy mạng cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)  vào công tác tham mưu, xử lý văn bản, văn thư, lưu trữ, bước đầu làm thay đổi thói quen, lề lối làm việc cũ, thực hiện thực hành tiết  kiệm theo gương Bác trong in sao tài liệu, công văn… Tổ chức triển khai học tập, quán triệt Chỉ thị 05, Chi bộ đã hướng dẫn triển khai cho đảng viên đăng ký việc học tập và làm theo Bác theo Chuyên đề 2017, bản cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu; thường xuyên giáo dục công tác tư tưởng, nêu cao tinh thần tự học, chủ động, sáng tạo, đoàn kết, hỗ trợ nhau đẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ, và đây được coi là một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, đảng viên hàng năm của cơ quan, cấp ủy chi bộ.  Hàng tháng, ngoài sinh hoạt định kỳ, Chi bộ còn tổ chức các buổi sinh hoạt  chuyên đề về thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ chính trị gắn với thực hiện Nghị Quyết Trung ương 4 (Khóa XII) để mỗi đảng viên nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của mình trong xây dựng cơ quan chi bộ, kịp thời chấn chỉnh và rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện. Chi bộ Văn phòng Huyện ủy Bác Ái nhiều năm qua luôn xứng đáng là hạt nhân chính trị, luôn ghi dấu ấn trong toàn Đảng bộ huyện về tính tiền phong gương mẫu, đi đầu trong việc xây dựng một tập thể chi bộ đoàn kết, gắn bó, thống nhất, gương mẫu trong công tác.

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động cho bà con nông dân ở huyện miền núi Bác Ái.
(Ảnh: PV)

Những ngày ở Bác Ái, chúng tôi đã gặp Pi năng Thiêng, người cựu chiến binh mẫu mực, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Phước Bình, người được đồng bào yêu mến gọi “Già Thiêng”, “ Bố Thiêng”. Nhập ngũ từ năm 1973, trải qua nhiều chiến trường, trở về, vẹn nguyên trong chàng trai Raglai là bản chất của người lính bộ đội Cụ Hồ. Là một Cựu chiến binh sản xuất giỏi, Pi năng Thiêng còn tham gia Mặt trận xã, Chủ tịch hội Cựu chiến binh, trưởng ban hòa giải ở cơ sở, ở vị trí nào Pi năng Thiêng cũng hết mình vì công việc, hết lòng vì bà con, luôn trăn trở làm sao để đồng bào Raglai quê ông thoát nghèo, giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Thực hiện cuộc vận động và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Pi năng Thiêng tâm niệm, học theo Bác trước hết là tôn trọng người khác, tôn trọng nhân dân, chấp hành nghiêm túc nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua, nhất là phong trào xóa đói giảm nghèo, phong trào cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế…Nghĩ là làm, Pi năng Thiêng đưa những kiến thức được học trong thời kỳ quân ngũ, áp dụng ngay vào sản xuất và đời sống  sinh hoạt hàng ngày. Từ bỏ lối canh tác lạc hậu, Pi năng Thiêng mạnh dạn trang bị máy móc vào sản xuất nông nghiệp, đưa kỹ thuật vào chăn nuôi, biến vùng đất cằn thành 0,5 héc ta mít, hơn 1 héc ta bưởi da xanh, cho thu nhập khá. Gia đình thoát nghèo, Pi năng Thiêng lấy tấm gương của chính gia đình đi vận động bà con, hướng dẫn bà con cùng cải tiến sản xuất, từ bỏ lối sản xuất lạc hậu, để tăng năng xuất cây trồng, vật nuôi… Chính Pi năng Thiêng cũng là người đi đầu trong việc bài trừ các hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan, vận động bà con ốm đi khám bệnh mà không mời thầy cúng, vận động bà con không sa vào rượu chè bê tha… Luôn được đồng bào tin yêu bầu chọn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Pi năng Thiêng đã học Bác từ những việc làm bình dị như thế! 

 

Đến thôn suối Rua của xã Phước Tiến, tấm gương học và làm theo Bác của  ông Pi năng Manh - một nông dân chân chất cũng khiến chúng tôi xúc động vô cùng. Từ hai bàn tay trắng, nhờ cần cù, chịu khó, vợ chồng ông đã tự vươn lên, chuyển đổi giống cây trồng kém hiệu quả sang loại cây trồng thích hợp với thổ nhưỡng, đem lại năng xuất cao. Nhờ chương trình đầu tư sản xuất theo Nghị quyết 30 a, ông đã đầu tư san lấp, mở rộng diện tích cây trồng và hiện gia đình có 10 héc ta mì, cho thu nhập hàng năm 200- 300 triệu đồng, đặc biệt nhờ vậy ông đã đưa việc làm đến cho 48 lượt lao động mùa vụ. Cuộc sống ngày càng nâng cao, Pi năng Manh tâm niệm, nhớ lời Bác dạy là phải hiểu, một mình mình thoát nghèo là không vui, phải có nhiều bà con thoát nghèo, cả bản thoát nghèo... chính vì vậy, Pi năng Manh bỏ công đến từng nhà, vận động bà con tích cực tham gia sản xuất, chi tiêu tiết kiệm để có vốn đầu tư. Pi năng Manh tích cực tham gia và vận động bà con cùng tham gia các phong trào góp công, hiến đất làm đường nông thôn, đường nội đồng, vận động gia đình và bà con thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông…

 

Những ngày ở Bác Ái, chúng tôi cũng được nghe kể về chiến sĩ công an Đào Danh Tâm – người thầy thân thương của nhiều em nhỏ nghèo trên vùng đất này. Trưởng thành từ trường trung cấp Cảnh sát nhân dân II, chiến sĩ công an Đào Danh Tâm về với núi rừng Bác Ái, vùng đất khắc nghiệt với nắng gắt và mưa dầm, mảnh đất làm nao lòng không ít người đến lập nghiệp. Là cán bộ phụ trách mảng hộ khẩu, Đào Danh Tâm có dịp tiếp xúc với nhiều con người, nhiều mảnh đời, nhiều số phận nơi đây. Sự vất vả của người dân, nhất là đồng bào Raglai khiến anh ngày đêm trăn trở… Thấy trẻ em thiếu thốn các loại hình vui chơi, Đào Danh Tâm đã quyết tâm thành lập sân chơi võ thuật lành mạnh cho các em.  Qua 2 năm, lớp võ luôn có 70 em ở nhiều nhóm tuổi khác nhau góp phần đưa ước mơ của các em nhỏ nơi đây thành hiện thực, cho các em một tuổi thơ đẹp đẽ hơn. Học và làm theo Bác, Đào Danh Tâm mong muốn Bác Ái sẽ có những thế hệ tương lại đầy khỏe mạnh, đầy bản lĩnh, nhân ái để góp phần xây dựng quê hương ấm no hơn…


Nhớ lời Bác dạy, nói đi đôi với làm, cán bộ xuống đồng cùng bà con.( Ảnh: PV ) 

Cuộc nói chuyện với Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bác Ái Trần Văn Tuấn đã đọng lại trong chúng tôi rất nhiều cảm xúc, thêm hiểu vì sao, vất vả là thế, khó khăn là thế, những cán bộ nơi đây vẫn yêu đời, bám trụ và hết lòng vì bà con trên mảnh đất nghèo này. Anh Tuấn kể, học cấp 3, anh rời quê hương Hà Tĩnh theo cha vào công tác tại Bác Ái. Cách đây mấy chục năm, không ngòi bút nào có thể tả hết gian nan nơi đây. Anh đã từng nghĩ, học xong trung học, cha nghỉ hưu, cha con anh sẽ rời bỏ mảnh đất này để về quê hương, dù quê còn khó khăn nhưng so với Bác Ái, hẳn còn sung sướng hơn rất nhiều... Nhưng rồi, ngày qua ngày, từ khi nào tình cảm với quê hương thứ hai đã như chất keo khiến anh không nỡ rời xa, và đến hôm nay, anh nói, dù ở đâu có nhiều lần hơn, có lẽ anh cũng không thể bỏ Bác Ái mà đi nữa! Anh kể, cán bộ ở đây nghèo gần như dân, nhưng thương dân và được dân thương nhất mực, và đó là món quà, là phần thưởng không tiền bạc nào có thể mua nổi. Khó khăn không kể xiết, cán bộ huyện tháng đôi chục lần về xã, về bản giúp dân, phải nắm cơm, mang nước đi theo, hoặc nhờ đồng bào nấu cơm, rồi mời cán bộ xã, thôn đến ăn cùng…

Anh Tuấn hồ hởi: Kể vậy để thấy Bác Ái đã từng trong hoàn cảnh cam go như thế nào, và bây giờ vẫn cam go, nhưng đã đổi thay nhiều. Vượt qua giai đoạn khó khăn ác liệt nhất, Bác Ái đang từng ngày thay da đổi thịt. Là một trong 62 huyện nghèo được hưởng các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước, Bác Ái được phân bổ kinh phí cho các mục tiêu: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; tổ chức dạy nghề, xuất khẩu lao động, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ xã, thôn… Các chương trình đã từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 5 - 7%; cơ bản xóa tình trạng nhà ở tạm bợ cho hộ nghèo, thực hiện đạt các mục tiêu hỗ trợ giao đất, giao rừng; đào tạo nguồn nhân lực và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Bà con trong huyện còn được hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước, đưa các giống cây trồng mới có năng suất cao phù hợp các vùng, thửa đất, tăng hệ số sử dụng đất từ 0,9 lên 2 lần và loại bỏ dần các loại cây trồng kém hiệu quả. Bà con đưa vào canh tác trồng lúa nước, bắp, đậu xanh, được cán bộ khuyến nông cùng ra đồng, bà con đã tự canh tác hiệu quả, đưa năng suất ngày càng cao, đảm bảo lương thực cho cả những tháng giáp hạt.

Mừng vui hơn, hiện 100% xã trên địa bàn Bác Ái đã có trường tiểu học, trường mẫu giáo, có trạm y tế và điện thắp sáng. Việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương đã giúp bà con chủ động nước tưới, nhiều diện tích đất bỏ hoang đã được cải tạo, tăng vụ sản xuất, góp phần mở rộng diện tích sản xuất. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện hàng trăm tấm gương nông dân sản xuất giỏi, vươn lên thoát nghèo, làm giàu, đóng góp xây dựng nông thôn mới… Trong phong trào thi đua học và làm theo gương Bác, 16 hộ dân trên địa bàn xã Phước Tiến đã hiến hơn 2.200m² đất để làm đường giao thông nông thôn, góp phần giúp địa phương sớm hoàn thành tiêu chí giao thông trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều nông dân các xã đã chủ động trồng cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc,  chuyển đổi nhiều mô hình cây trồng chịu hạn đem lại năng xuất cao hơn hẳn cây trồng truyền thống.

 

Bí thư Huyện ủy Bác Ái Nguyễn Văn Hoa cho chúng tôi biết, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định mục tiêu tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững; xây dựng nông thôn mới; nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng-an ninh… Huyện phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất hằng năm từ 15% trở lên; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng nông-lâm nghiệp lên 55%, thương mại-dịch vụ 35% và công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng chiếm 10%. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 5-6%/năm… Để đạt được mục tiêu đó, Bí thư Nguyễn Văn Hoa khẳng định, ngoài những cơ chế đặc thù của Trung ương tạo điều kiện và cơ hội để Bác Ái phát triển, thì những động lực to lớn, những nguồn lực tinh thần giúp Bác Ái thêm vững bước,  như việc triển khai và thực hiện Chỉ thị 05, đã khiến những con người nơi đây như Pi năng Thiêng, Pi Năng Manh, những tập thể như Công an huyện, Tập thể cán bộ giáo viên Trường PTTH Bác Ái có thêm sức mạnh khơi dậy những niềm tin, rằng không gì có thể cản bước về phía tương lai tươi sáng của vùng đất cách mạng này, mảnh đất anh hùng, chịu nhiều đau thương, mất mát qua hai cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Bác Ái, sẽ đúng như tên gọi của mình, nhân văn và bừng sáng tương lai.

 

Rời Bác Ái, chúng tôi ghé qua Vườn quốc gia Phước Bình, nơi mang chút hơi lạnh man mác cao nguyên. Rừng xanh ngắt, những thác nước cuồn cuộn đổ trong bóng chiều trầm mặc đại ngàn, nghe đâu đây như âm vang tiếng sử thi của người Raglai, ChuRu, Cơ Ho trên mảnh đất này, tiếng sử thi ca ngợi những con người với đôi vai trần, đôi chân trần đã đi theo tiếng gọi Bác Hồ suốt hai cuộc kháng chiến, cả trong cuộc đấu tranh chống đói nghèo hôm nay. Những con người ấy đã chiến thắng và nhất định sẽ chiến thắng, bởi trong tim họ có hình ảnh Bác, có niềm tin tất thắng mà Người đem lại!

Doãn Tiến- Thu Hiên - Đăng Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực