Đẩy lùi những tiêu cực trong lễ hội cần sự chung tay của toàn xã hội

Thứ sáu, 24/02/2017 16:42
(ĐCSVN) - Mặc dù vẫn còn những tồn tại, nhưng nhìn chung, chuyên gia và các nhà quản lý về lễ hội đều khẳng định, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu xuân Đinh Dậu (năm 2017) trong cả nước đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội Tô Văn Động trả lời báo chí. (Ảnh: K.T)

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền và sự chỉ đạo sát sao, vào cuộc quyết liệt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như ban tổ chức lễ hội các địa phương, công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017 trên cả nước  đã đi vào nề nếp, tốt hơn. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm; nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thành nghi lễ… Một số lễ hội truyền thống đáp ứng nhu cầu tâm linh và giải trí của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết trong cộng đồng. Thông qua nội dung tổ chức lễ hội, hệ thống di tích, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích tại các địa phương ngày càng được quan tâm hơn.

Phân định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong tổ chức lễ hội

Lý giải những tiêu cực vẫn còn tồn tại ở một số lễ hội mà báo chí đã phản ánh trong thời gian qua như: chen lấn, tranh cướp lộc tại đền Sóc (Hà Nội); phát lộc, tranh cướp lộc tại Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội); tranh cướp bạo lực tại Hội cướp Phết xã Hiền Quang (Phú Thọ); hội, lễ hội chọi trâu có biểu hiện thương mại hóa, trục lợi, trái với quy định tại một số địa phương như: Yên Bái, Tuyên Quang…; khai ấn, phát ấn tại Quảng Ninh, Nghệ An không phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa; một số bộ, ngành, địa phương còn để xảy ra tình trạng sử dụng xe công, công chức đi lễ hội trong giờ hành chính, gây bức xúc trong dư luận…, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết: Hiện cả nước có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ, riêng Hà Nội đã có hơn 1.200 lễ hội, đến nay đã có hơn 2/3 lễ hội ở Hà Nội đã diễn ra. Qua đó, có thể khẳng định công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã có tiến bộ và chuyên nghiệp hơn những năm trước rất nhiều. Những tồn tại, hạn chế thực ra chỉ là những “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Bởi thực tế, có những lễ hội từ đầu tới cuối làm rất tốt, nhưng chỉ một sự kiện ngoài tầm kiểm soát, như hiện tượng nhà sư phát lộc ở Chùa Hương, đã gây ra cảnh phản cảm, chen lấn, xô đẩy để cướp lộc khiến cho dư luận nhìn nhận và đánh giá về công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở Chùa Hương chưa được thỏa đáng. Hay tình trạng tổ chức lễ hội ở Phúc Ninh - Yên Sơn - Tuyên Quang, mặc dù đã bị cấm, nhưng do tâm lý đám đông ở xã họ cứ tổ chức và chấp nhận nộp phạt theo quy định...

Ông Tô Văn Động cũng cho rằng, những tồn tại, hạn chế ở các lễ hội hiện nay đã kéo dài và phải giải quyết từ từ chứ không thể dứt điểm ngày một, ngày hai; đồng thời phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chứ không chỉ riêng ngành văn hóa. Sở dĩ có những tiêu cực trong lễ hội vẫn tồn tại cố hữu nhiều năm nay như chen lấn, xô đẩy, mất vệ sinh… là do một số lễ hội điều kiện tổ chức còn khó khăn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, còn do quan điểm lệch lạc của người tổ chức lễ hội khi không đề cao giá trị văn hóa mà chỉ quan tâm đến tính thương mại tại các lễ hội. Ý thức của người tham gia lễ hội cũng đóng vai trò quan trọng. Cơ bản ý thức những người tham gia lễ hội là tốt, chấp hành mọi quy định của lễ hội, nhưng vẫn còn một bộ phận chưa hiểu hết được ý nghĩa của việc đi lễ đầu năm, họ biến việc đi lễ đầu năm thành việc “buôn thần, bán thánh” để mua danh và lợi hoặc vô ý thức bỏ qua mọi quy định tại chốn linh thiêng…

Về vấn đề này, ông Tô Văn Động cũng đề nghị cơ quan lãnh đạo cũng như báo chí cần nhìn nhận và phân định rõ trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân chứ không thể quy hết trách nhiệm lên cơ quan quản lý các địa phương là Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh. Bởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh rất khó để kiểm tra và giám sát hết được hàng ngàn lễ hội lớn nhỏ trên cả nước cũng như ở mỗi tỉnh thành. Vì vậy, vai trò của Ban tổ chức lễ hội ở cơ sở là các địa phương hết sức quan trọng. Nếu Ban tổ chức lễ hội ở các địa phương thực hiện nghiêm và làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình thì chắc chắn sẽ hạn chế được rất nhiều tiêu cực tại các lễ hội.

Ông Tô Văn Động cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tiêu cực tại các lễ hội chưa được khắc phục dứt điểm còn do các cơ quan quản lý cấp trên chưa thực sự nghiêm túc. Trong năm có quá nhiều đoàn thanh tra đi kiểm tra các lễ hội, nhưng thực tế họ đến còn để... đi lễ, vì thế khi đánh giá về công tác tổ chức và quản lý lễ hội chủ yếu vẫn khen là chính. Vì thế đôi khi kết luận của đoàn kiểm tra trước  lại làm khó cho đoàn kiểm tra sau.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy phát biểu tại
Lễ Sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội xuân Đinh Dậu năm 2017. (Ảnh: K.T)

Còn có phóng viên, nhà báo chưa thực sự hiểu ý nghĩa của các hoạt động tại lễ hội

Để đẩy lùi những tiêu cực trong các lễ hội, ông Tô Văn Động cho rằng, công tác tuyên truyền đóng vai trò vô cùng quan trọng, góp phần tích cực vào việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội, nâng cao ý thức thực hiện nếp sống văn minh của người dân khi tham gia lễ hội… Tuy nhiên, trong thời gian qua, có một số bài báo của các phóng viên không thực sự hiểu sâu ý nghĩa của những hoạt động tại lễ hội, phản ánh chưa đúng bản chất của lễ hội, gây hoang mang trong dư luận.

Đồng quan điểm với Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội Tô Văn Động, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy cho rằng, tại Hội cướp Phết xã Hiền Quan (Phú Thọ), một số phóng viên tiếp cận chưa sâu nên phản ánh không đúng bản chất của lễ hội. Nhiều hình ảnh giơ tay được đăng trên báo thực chất là hình ảnh giơ tay để tranh phết chứ không phải đánh nhau như một số báo nêu. Hay trong lễ hội Cầu Trâu ở Phú Thọ, màn đập trâu gây phản cảm thực chất đã được loại bỏ trong lần tổ chức vừa rồi… nhưng một số báo vẫn đưa và phê phán.

Ông Hồ Chí Đức - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết thêm, trong thời gian vừa qua, một số báo phản ánh tình trạng công khai đổi tiền lẻ lấy lời ở các di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là chưa chính xác, hiện tượng này vẫn có nhưng thực tế là diễn ra nén lút chứ không phải công khai…

Có tới một ngàn lẻ một nguyên nhân dẫn tới những tiêu cực tại các lễ hội, trách nhiệm cũng không thuộc riêng một cơ quan, đơn vị nào. Những tiêu cực trong các lễ hội đã diễn ra trong thời gian khá dài, rất khó có thể chấm dứt hoàn toàn, nhưng để đẩy lùi những tiêu cực này, trách nhiệm không chỉ của riêng ngành văn hóa, mà phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự chung tay góp sức của toàn xã hội./.

K.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực