Dâng hương tưởng niệm Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh

Thứ tư, 26/04/2017 16:26

Ngày 26/4, tại đền Bia, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), UBND huyện Cẩm Giàng đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, đại diện lãnh đạo các Bộ: Y tế, Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng hàng trăm sinh viên các trường đại học, cao đẳng Y, Dược tham dự buổi lễ. 

Quang cảnh lễ tưởng niệm. Ảnh: TTXVN

Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, sinh năm 1330 tại làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, phù Thượng Hồng, nay thuộc thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương). Năm lên 6 tuổi, ông mồ côi cha, mẹ và được sư trụ trì chùa Nghiêm Quang (chùa Giám) nuôi dạy, suốt cuộc đời ông nương tựa chốn thiền môn. Phải chứng kiến dịch bệnh xảy ra thường xuyên, ông đã tập trung nghiên cứu các loại cỏ, cây, hoa, lá để làm thuốc và đi khắp nơi thu thập các phương thuốc quý trong dân gian, lập y xá ngay tại các ngôi chùa. Với những bài thuốc đơn giản từ cây cỏ xung quanh, ông đã chữa được nhiều loại bệnh cho người dân, dập tắt được những trận dịch bệnh lớn. 

Năm 22 tuổi (1351), ông đỗ Thái học sinh nhưng khước từ làm quan mà xin về chùa để chuyên tâm nghiên cứu các vị thuốc để chữa bệnh cho dân. Với trí tuệ uyên bác trong y thuật, năm 55 tuổi, ông được vua cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Tại đây, ông đã chữa khỏi bệnh cho Tống Vương Phi nên được phong là Đại y Thiền sư và mất tại Giang Nam, Trung Quốc. 

Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh đã để lại nhiều bài thuốc quý. Các sách y lý của ông đã được các thế hệ sau thu thập, biên tập thành những cuốn sách như: Hồng Nghĩa giác tư y thư, Nam dược thần hiệu… với 580 vị thuốc Nam, 10 khoa chữa bệnh tổng hợp, 3.873 phương thuốc trị 184 loại bệnh. Các cuốn sách này nêu rõ nguyên nhân bệnh lý, phương pháp trị liệu... Những tác phẩm của ông hiện vẫn là di sản quý báu và được các thế hệ đi sau kế thừa và phát huy trong việc xây dựng nền y học dân tộc. Ông được người đời sau suy tôn là “Vị thánh thuốc Nam”. Hiện nay, tại đền thờ ông (đền Bia) còn có một vườn thuốc Nam rộng lớn, phong phú các loại dược liệu. 

* Cùng ngày, tại đền Cao, huyện Kinh Môn (Hải Dương), UBND huyện Kinh Môn tổ chức l ễ tưởng niệm 766 năm Ngày mất An Sinh Vương Trần Liễu (1251-2016). 
Trần Liễu sinh năm 1211, mất năm 1251. Ông là thân phụ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn - người ba lần lãnh đạo quân dân ta kháng chiến đánh tan quân Nguyên Mông (năm 1258, 1285, 1288), giữ vững nền độc lập dân tộc, vẹn toàn non sông đất nước. 

Năm 1237, triều đình cắt đất các xã An Phụ, An Dưỡng, An Sinh, An Hưng, An Bang (nay một phần thuộc Đông Triều, Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh và một phần thuộc huyện Kinh Môn, Hải Dương) giao cho Trần Liễu làm Thái Ấp và phong ông làm An Sinh Vương ở vùng đất ấy. An Sinh Vương Trần Liễu thay Vua trấn thủ vùng Đông Bắc, xây dựng vùng đất ven biển trở nên giàu mạnh về kinh tế, quốc phòng. 

Sau khi mất, ông được người dân lập đền thờ trên núi An Phụ (đền Cao). Ngày mất của ông (1/4 âm lịch) trở thành ngày hội truyền thống đền Cao. C uối năm 2016, Khu di tích đền Cao ở núi An Phụ được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt./. 

Mạnh Tú/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực