Cần điều chỉnh Quy định xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú"

Thứ hai, 11/11/2019 23:05
(ĐCSVN) – Nhiều nghệ sĩ cho rằng, tiêu chí số lượng Huy chương Vàng ở Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về Xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" cần điều chỉnh phù hợp thực tế hơn...

Ngày 11/11 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về Xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú".

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phùng Huy Cẩn cho biết, Nghị định số 89/2014/NĐ-CP Quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú” là căn cứ pháp lý quan trọng để xét, tôn vinh những cá nhân hoạt động và có nhiều cống hiến trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với các văn nghệ sĩ trong tình hình mới, góp phần thực hiện có hiệu quả Luật Thi đua, khen thưởng, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: HT)

Triển khai thực hiện Nghị định, từ năm 2015 đến nay, qua 2 đợt xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú", Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch Nước xét, phong tặng, truy tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân" cho 186 Nghệ sĩ ưu tú và danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú" cho 686 nghệ sĩ.

Việc trao tặng danh hiệu vinh dự cao quý của Nhà nước cho các nghệ sĩ đã góp phần động viên, khích lệ các văn nghệ sĩ - "những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa" hết mình cống hiến cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, say mê sáng tạo, biểu diễn, để có nhiều chương trình, tác phẩm tiết mục nghệ thuật có giá trị phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình xét tặng danh hiệu, như: Về tiêu chuẩn; về số lượng thành viên Hội đồng các cấp và cơ cấu thành phần Hội đồng; về tỷ lệ phiếu bầu tại các Hội đồng xét tặng danh hiệu, quy định trường hợp vắng mặt Hội đồng xin ý kiến thành viên bằng văn bản là khó khăn đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật...

Theo NSND Thanh Hoa, việc quy đổi huy chương là bất hợp lý nhất, không thể quy đổi số lượng huy chương như 2 Huy chương Bạc thành 1 Huy chương Vàng. “Đã Bạc là Bạc chứ, có nấu cả một nồi Bạc vẫn không thể thành Vàng được. Chúng ta nên bỏ tiêu chí tính Huy chương Bạc, mà thay vào đó phải là Huy chương Vàng mới được xét tặng NSND” - NSND Thanh Hoa khẳng định.

Còn NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam cho rằng, tiêu chí số lượng Huy chương Vàng ở Nghị định 89 đã quá máy móc và không sát thực tế. Nếu tiếp tục duy trì tiêu chí này, nhiều nghệ sĩ sẽ dùng mọi cách để có được Huy chương Vàng. Và nếu cứ dựa vào huy chương quá nhiều, chất lượng của danh hiệu sẽ bị đi xuống.

Xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn công tác xét tặng danh hiệu, các ý kiến tại hội thảo kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP cho phù hợp hơn.

Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tổ chức hội nghị tương tự ở phía Nam, nhằm tổng hợp các ý kiến, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi Nghị định số 89/2014/NĐ-CP để công tác xét tặng danh hiệu được triển khai thực hiện hiệu quả, tôn vinh các nghệ sĩ tài năng, có nhiều cống hiến cho nghệ thuật nước nhà./.

H.Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực