Bảo tồn và phát huy bản sắc ngôn ngữ cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ tư, 18/10/2017 16:00
(ĐCSVN) - Sáng 18/10, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tọa đàm "Thực trạng và giải pháp về việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số”.
Quang cảnh Hội nghị tọa đàm. (Ảnh: TA)

Việt Nam là quốc gia thống nhất, đa dân tộc, đa ngôn ngữ, chữ viết. Với 54 dân tộc và tương ứng là 54 ngôn ngữ chính danh, các ngôn ngữ ở Việt Nam được khẳng định về vị thế và chức năng bằng pháp luật. Trong cộng đồng 54 dân tộc anh em cùng sinh sống ở nước ta được chia theo 8 nhóm ngôn ngữ gồm: Việt – Mường, Môn – Khmer, Mông –Dao, Nam Đảo, Hán – Hoa, Tạng Miến và nhóm Kadai. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là việc dạy và học tiếng dân tộc trong trường cho học sinh dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, theo đồng chí Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Dân tộc – Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, qua công tác khảo sát ở các địa phương cho thấy, công tác triển khai thực hiện việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn và bất cập, nhất là trong việc thực hiện Nghị định 82 của Chính phủ.

Qua khảo sát cho thấy, đồng bào các dân tộc có nguyện vọng học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình, vì thực tế hiện nay, phần lớn đồng bào chỉ biết tiếng nói nhưng mù chữ viết và một bộ phận không biết cả tiếng và chữ viết. Vấn đề đặt ra là: Nguyện vọng học tiếng nói, chữ viết có được đáp ứng không? Làm thế nào để đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu đó? Nội dung chương trình học ra sao, khi học xong họ tiếp thu được những gì, việc sử dụng tiếng nói, chữ viết của họ trên thực tế sẽ như thế nào, thậm chí họ sẽ được học loại chữ nào….Để đáp ứng được nguyện vọng đó thì UBND cấp tỉnh khó thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế của từng địa phương, từng cơ sở giáo dục đào tạo.

Do đó, đồng chí Hà Thị Khiết cho rằng, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, và các tổ chức đoàn thể trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn thể xã hội về công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số. Đổi mới, nâng cao nhận thức về phát triển giáo dục dân tộc cho cán bộ và người dân, đồng thời thấy rõ mục đích của việc dạy và học tiếng, chữ viết là nâng cao dân trí, bảo tồn và phát triển văn hóa chứ không phải chỉ để biết tiếng. Đặc biệt, MTTQ, các tổ chức đoàn thể các cấp cần vận động các tầng lớp nhân dân hiểu đúng, hiểu rõ ích lợi và tầm quan trọng của chủ trương dạy chữ dân tộc trong trường phổ thông để từ đó vận động học sinh tích cực tham gia học chữ viết, tiếng nói của dân tộc mình.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục – Đào tạo Trần Văn Thủy thông tin, năm học 2010 -2011 là năm đầu tiên thực hiện Nghị định số 82 của Chính phủ về việc dạy tiếng dân tộc được thực hiện chính thức với 6 tiếng dân tộc: Mông, Ê đê, Jrai, Bahnar, Chăm, Khmer. Việc dạy học được triển khai tại 20 tỉnh và thành phố. Quy mô trường lớp triển khai gồm 740 trường, 4.789 lớp, 110.862 học sinh được học tiếng dân tộc. Liên tục các năm sau đó, việc dạy học tiếng dân tộc được mở rộng về quy mô. Tính đến năm học 2016-2017, quy mô trường lớp tăng với 782 trường, 5.515 lớp, 121.020 học sinh được học tiếng dân tộc…. Tuy nhiên, hiện nay mới có khoảng 1.500 giáo viên dân tộc, chỉ đáp ứng nhu cầu học tiếng dân tộc của 5% số lượng học sinh dân tộc thiểu số. Do đó, muốn tăng tỷ lệ học tiếng dân tộc của học sinh thì ngoài việc quan tâm của các cấp, các ngành thì cần phải đào tạo hàng chục ngàn giáo viên dạy tiếng dân tộc.

Đồng chí Hà Thị Khiết phát biểu tại Hội nghị tọa đàm. (Ảnh: TA)

Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Hữu Hoành, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ, Viện Hàn lâm Khoa học – Xã hội Việt Nam nhấn mạnh, đặt một bộ chữ viết chung chắc chắn sẽ hết sức cồng kềnh và tốn công sức. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà hội nhập quốc tế đang diễn ra một cách sâu rộng trên mọi mặt của đời sống xã hội, việc bảo vệ sự đa dạng văn hóa, đa dạng ngôn ngữ đang trở thành vấn đề cấp bách. Ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc. Mất ngôn ngữ thì sự tồn tại của dân tộc cũng không còn. Vì vậy, việc bảo tồn, duy trì và phát huy vai trò, bản sắc ngôn ngữ các dân tộc thiểu số trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thực sự đang đặt ra cho chúng ta trách nhiệm nặng nề. Chúng ta thực hiện tốt việc xây dựng chữ viết cho các ngôn ngữ có nguy cơ mai một, tiêu vong sẽ là một công việc hết sức có ý nghĩa để chia sẻ trách nhiệm đặt ra.

Một số ý kiến cho rằng, phải đổi mới, nâng cao nhận thức về phát triển giáo dục dân tộc cho cán bộ và người dân, đồng thời phải thấy rõ mục đích của việc dạy và học tiếng, chữ viết là nâng cao dân trí, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc; có chính sách ưu tiên bồi dưỡng nâng cao và chuyên sâu đối với đội ngũ giáo viên làm công tác này. Đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa của một số tiếng dân tộc đã có đề xuất của địa phương để đưa các tiếng dân tộc vào giảng dạy trong trường học…/.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực