Bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa

Thứ sáu, 10/08/2018 19:26
(ĐCSVN) - UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4014/QĐ-UBND, phê duyệt Kế hoạch quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm bảo tồn nguyên vẹn tình trạng hiện nay của các công trình, phục hồi một số đoạn tường thành. Xây dựng kế hoạch bảo tồn phù hợp đối với mỗi loại hình. Xác định những nguy cơ làm ảnh hưởng tới các giá trị của Khu di tích và đề xuất các biện pháp giải quyết triệt để. Bảo vệ Khu di tích hài hòa với nhu cầu phát triển về môi trường, du lịch, đảm bảo điều kiện sống của dân cư trong khu vực di tích. Nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác quản lý và bảo vệ di tích gắn với quyền lợi và trách nhiệm của người dân địa phương, tạo ra lợi ích kinh tế cho người dân địa phương thông qua những hoạt động không gây nguy hại tới giá trị di tích. Nâng cao năng lực quản lý di tích; tái hiện, kết nối các câu chuyện lịch sử nhằm thu hút khách tham quan.

 

Đình Cổ Loa (ảnh: hanoi.gov.vn)


Phạm vi Kế hoạch được xác định thuộc các khu vực liên quan đến Khu di tích thành Cổ Loa và phụ cận, trên địa bàn các xã: Cổ Loa, Dục Tú, Việt Hùng, Uy Nô của huyện Đông Anh với quy mô 860,4ha. Kinh phí thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2018-2020 dự tính khoảng 60,710 tỷ đồng trong đó nguồn ngân sách thành phố là 60.410 tỷ đồng, nguồn thu phí, lệ phí là 300 triệu đồng.

Cổ Loa được Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia từ năm 1962, đến năm 2012 Cổ Loa mới được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, có giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ. Sau hai năm được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể Khu di tích Cổ Loa thành Công viên Lịch sử – Sinh thái – Nhân văn với tỉ lệ 1/2000. Theo thống kê, trong khu vực Cổ Loa hiện có khoảng 60 di tích (trong đó có 07 di tích cấp quốc gia), bao gồm các loại hình: di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử, cách mạng, di chỉ khảo cổ học.

Di tích Cổ Loa cũng là địa điểm khảo cổ học có giá trị nổi bật, gắn với các giai đoạn văn hóa khảo cổ của người Việt, như: Văn hóa Sơn Vi, văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Đồng Đậu, văn hóa Gò Mun, mà đỉnh cao là Văn hóa Đông Sơn, với nhiều di chỉ khảo cổ tiêu biểu: Đồng Vông, Bãi Mèn, Đình Chiền, Đình Tràng, Mả Tre, Thành Nội, Thành Ngoại, Thành Trung, Xuân Kiều, xóm Nhồi, đền Thượng, Tiên Hội, Đường Mây, Cầu Vực… Tại khu vực này, các nhà khảo cổ đã phát hiện được hàng vạn công cụ lao động, nhạc khí và vũ khí bằng đồng, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về thời kỳ An Dương Vương và lịch sử vùng đất này./.

 

HN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực