Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Một giá trị trường tồn 🎥

Thứ tư, 14/08/2019 16:35
(ĐCSVN) - 50 năm đã trôi qua, từ thực tiễn lịch sử đã khẳng định giá trị trường tồn của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Di chúc của Người không chỉ là văn kiện lịch sử vô giá mà còn trở thành cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn dân.
Hội thảo khoa học với chủ đề “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn 1969-2019” (Ảnh: K.T)

Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 14/8/2019, tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn”.

Hội thảo nhằm tập trung làm rõ những giá trị lý luận và thực tiễn của bản Di chúc từ thực tế lịch sử của cách mạng Việt Nam 50 năm qua. Trên cơ sở đó tiếp tục khẳng định giá trị thực tiễn của bản Di chúc lịch sử và rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Từ đó góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn

Hội thảo thu hút hơn 100 bài viết của các nhà nghiên cứu, quản lý về văn hóa, các chuyên gia về Hồ Chí Minh và những người đã có điều kiện được gần Bác và tiếp xúc với bản Di chúc của Bác. Các bài viết tập trung làm rõ 5 vấn đề: Bối cảnh ra đời, quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh viết, sửa chữa bổ sung vào bản Di chúc, quá trình công bố và xuất bản Di chúc; Công tác trưng bày, tuyên truyền và phát huy giá trị Di chúc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và hệ thống bảo tàng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước; Giá trị lý luận và thực tiễn những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đề cập đến trong Di chúc; Những thành tựu mà nhân dân ta đã đạt được sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng… Kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và sự vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người, nhất là các tư tưởng trong bản Di chúc vào thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong 50 năm qua.

Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô giá

Khẳng định giá trị của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Công, Giám đốc khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho rằng: Năm 2019, tròn 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa và Người để lại cho chúng ta bản Di chúc thiêng liêng - văn kiện lịch sử vô giá. Di chúc của Người là tài sản vô giá của Đảng và nhân dân ta, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn về nhiều mặt; là sự kết tinh của tinh hoa văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa của nhân loại, là những chỉ dẫn quý báu, nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Di chúc là những lời căn dặn tâm huyết; mọi tâm nguyện cuộc đời, Bác đều gửi gắm trong Di chúc. Đây là một văn kiện lịch sử vô giá, toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bậc “đại trí, đại nhân, đại dũng”, là kết tinh giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại; của tinh hoa tư tưởng, đạo đức, phong cách, tâm hồn cao đẹp của Người, suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân và nhân loại.

TS Vũ Mạnh Hà - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng khẳng định: Trong những di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng, cách mạng và dân tộc ta, Di chúc là một văn kiện lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn không chỉ cho giai đoạn cách mạng đã qua mà còn cho cả những chặng đường sắp tới của cách mạng Việt Nam. Đó là những lời căn dặn đầy tâm huyết về khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước; về xây dựng một Đảng trong sạch vững mạnh; về chiến lược lược con người; về kế hoạch xây dựng lại đất nước sau chiến tranh; về tình đoàn kết quốc tế…của một Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, luôn cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Bản di chúc của Bác là sự tổng kết những quan điểm tư tưởng, đồng thời thể hiện rõ những trăn trở, suy tư cũng như những mong mỏi, kỳ vọng của Người. Khẳng định giá trị trường tồn của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh để toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục ghi tạc và tôn vinh công lao to lớn của Người. Đồng thời, đây cũng là dịp để chúng ta kiểm nghiệm và khẳng định những giá trị trường tồn của bản Di chúc lịch sử đối với cách mạng Việt Nam.

Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn dân 

Khẳng định Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là văn kiện lịch sử vô giá mà còn trở thành cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn dân, Th.S Phạm Chí Thành - Quyền Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật cho biết: Bản Di chúc lịch sử được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ năm 1965 đến năm 1969 và được Người sửa chữa, bổ sung qua các năm. Nội dung bản Di chúc được Người trù tính thấu đáo, vừa cụ thể, vừa bao quát toàn bộ công việc từ việc riêng, cho đến những việc trọng đại của quốc gia, dân tộc, nhân dân. Di chúc đã thể hiện cao độ tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của Người đối với Đảng, với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng đất nước; với thế hệ trẻ, với các tầng lớp nhân dân ta; với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; phản ánh tập trung những tư tưởng, đạo đức, tác phong và tình cảm cao đẹp của Người.

50 năm đã qua, Di chúc của Người với những giá trị tư tưởng to lớn và đặc sắc đã trở thành Cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh.

Đồng quan điểm với Th.S Phạm Chí Thành, đồng chí Nguyễn Văn Công, Giám đốc khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cũng khẳng định: Di chúc của Bác là những lời căn dặn quý báu, là ánh sáng soi đường, là sức mạnh thôi thúc hành động, không chỉ đối với nhân dân ta mà đối với các dân tộc đã và đang đấu tranh cho tự do, độc lập, hòa bình, công lý, vì hạnh phúc của con người.

Mỗi dòng, mỗi điều Bác Hồ viết và để lại trong Di chúc là chỉ dẫn vô giá, là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam, để đất nước ta được phồn vinh, nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc. Qua bản Di chúc thể hiện rõ tâm nguyện, tình cảm, ý chí, trách nhiệm của Bác đối với Tổ quốc, đối với nhân dân và sự nghiệp cách mạng.

Thực hiện Di chúc của Người, qua hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và ý nghĩa lịch sử. Việc thực hiện dân chủ trong Đảng và trong xã hội có bước chuyển biến tích cực, quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy…Đa số cán bộ, đảng viên đã tích cực rèn luyện phẩm chất, năng lực, tiên phong gương mẫu, năng động, sáng tạo trong công tác, đóng vai trò nòng cốt trong công cuộc đổi mới… Thấm nhuần nội dung và nhận thức sâu sắc giá trị lý luận và thực tiễn của bản Di chúc giúp ta định hướng  cũng như rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0./.

K.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực