“Chuyện nghề địa chất”

Thứ bảy, 14/09/2019 20:37
(ĐCSVN) – Thông qua kỷ vật và ký ức của 22 nhà khoa học gạo cội của ngành địa chất Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tới nay, trưng bày chuyên đề “Chuyện nghề địa chất” giúp người xem hiểu hơn về nghề địa chất đầy gian nan, vất vả nhưng cũng không kém phần lãng mạn.
 

Một góc Trưng bày chuyên đề "Chuyện nghề địa chất".

Nhân kỷ niệm 11 năm thành lập, chiều 14/9, tại số 561, đường Lạc Long Quân, Thành phố Hà Nội, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam khai trương trưng bày chuyên đề “Chuyện nghề địa chất”.

Sử dụng một phần kết quả nghiên cứu, sưu tầm về các nhà khoa học địa chất trong gần một chục năm qua, đây là trưng bày chuyên đề đầu tiên về các nhà địa chất Việt Nam. Thông qua kỷ vật và ký ức của 22 nhà khoa học gạo cội của ngành địa chất Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tới nay, trưng bày chuyên đề giúp người xem hiểu hơn về nghề địa chất đầy gian nan, vất vả nhưng cũng không kém phần lãng mạn.

Tài liệu, hiện vật của những nhà địa chất Việt Nam.

Các hiện vật đa dạng như công cụ, nhật ký, ảnh tư liệu, mẫu đá, bản đồ… là bằng chứng sinh động về những chuyến khảo sát thực địa và những công trình nghiên cứu, khám phá. Bằng việc kết hợp giữa các hiện vật đó với ký ức của chính các nhà khoa học, triển lãm kể những câu chuyện nghề, qua đó giúp người xem hiểu thêm về nhà địa chất và nghề địa chất.

Tại lễ khai trương, chia sẻ tâm sự của một người dành cả cuộc đời sự nghiệp gắn liền với ngành địa chất, GS.TSKH Tống Duy Thanh - Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Địa chất, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, xúc động nói: Những người đồng nghiệp làm nghề địa chất đều có đặc điểm dễ nhận biết là luôn đi ngó nghiêng, quan sát, "thấy đá là đập". Nhưng ẩn sau vẻ ngoài “nhếch nhác” thường thấy trong các chuyến thực địa là sự cống hiến hết mình của nhà địa chất. Ngay cả công việc nghiên cứu ở văn phòng cũng khá thú vị, luôn đòi hỏi ở họ nhiệt huyết, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm khoa học cao.

GS.TSKH Tống Duy Thanh - Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Địa chất, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội xem lại những kỷ vật của ông và đồng nghiệp.

Trưng bày “Chuyện nghề địa chất” cho người xem có thêm những góc nhìn về công việc của  những nhà địa chất, đó là những chuyến đi không ít gian khổ và có cả hiểm nguy, nhưng cũng đầy lãng mạn. Những câu chuyện thực địa muôn hình muôn vẻ đều là những kỷ niệm đáng nhớ đối với họ. Đằng sau mỗi công trình và mỗi phát hiện, dù ở những chuyên ngành địa chất khác nhau như địa mạo, trầm tích, thạch học…đều là những hành trình gian nan, phải đổ nhiều mồ hôi, công sức cùng sự hi sinh thầm lặng.

Trưng bày “Chuyện nghề địa chất” mở cửa miễn phí cho khách tham quan vào các ngày từ thứ 2 tới thứ 7 hàng tuần./.

Tin, ảnh: Kim Cương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực