Vốn nội và vốn ngoại

Thứ tư, 28/06/2017 16:37
(ĐCSVN) - Khi có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa vốn nội, vốn ngoại thì nền kinh tế nước ta sẽ phát triển nhanh và bền vững hơn. Để hiện thực hóa, ngoài sự “ bắt tay” thật, hợp tác bền chặt của doanh nghiệp nội và ngoại, rất cần sự kiến tạo, đồng hành của cơ quan quản lý và các hiệp hội.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vneconomy.vn)

Theo số liệu từ cơ quan chức năng, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần là 19,22 tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2016. Cùng thời điểm này, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 7,72 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong số 18 ngành, lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư, thì công nghiệp chế biến ,chế tạo đứng ở vị trí thứ nhất; thứ hai là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng; thứ ba là lĩnh vực khai khoáng.

Vốn FDI vào Việt Nam ngày càng nhiều. Việc giải ngân năm sau nhiều hơn năm trước. Điều đó khẳng định cơ chế, chính sách và môi trường đầu tư, kinh doanh  của nước ta ngày càng mở rộng và thân thiện với nhà đầu tư nước ngoài.

Chúng ta cần nguồn vồn FDI nhiều hơn nữa để góp phần tạo ra sự tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng quan trọng hơn là vốn FDI phải đầu tư vào những dự án công nghệ cao, công nghệ mới, thu hút nhiều lao động... Nếu không lựa chọn đúng nhà đầu tư, cái giá phải trả không chỉ là vấn đề kinh tế, mà quan trọng hơn là vấn đề ô nhiễm môi trường.

Không chỉ vốn FDI tăng thêm, vốn từ doanh nghiệp trong nước cũng tăng thêm do có nhiều doanh nghiệp thành lập mới. Điều này được chứng minh, trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước có thêm 61.276 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 596.196 tỷ đồng, tăng 12,4% về số doanh nghiệp và tăng 39,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 9,7 tỷ đồng, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Doanh nghiệp trong nước thành lập mới ngày càng nhiều, nhưng chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản; tài chính, ngân hàng  vàbảo hiểm; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; giáo dục và đào tạo; sản xuất phân phối điện, nước, ga...

Việc nhiều doanh nghiệp trong nước chưa “mặn mà” đầu tư nhiều vào lĩnh vực  sản xuất công nghiệp như doanh nghiệp nước ngoài, điều đó cho thấy năng lực tài chính, khả năng làm chủ khoa học, công nghệ cao... của doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế nếu không muốn nói là yếu. Kinh doanh dịch vụ có thể tạo ra lợi ích trước mắt, song rất khó tạo ra nhiều lợi nhuận và sự phát triển bền vững.

Tham gia thị trường tức là mọi doanh nghiệp đều có cơ hội như nhau, đều phải cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngay cả khi thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cùng một lĩnh vực, thì doanh nghiệp trong nước cũng khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Khi có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa vốn nội, vốn ngoại thì nền kinh tế nước ta sẽ phát triển nhanh và bền vững hơn. Để hiện thực hóa, ngoài sự “ bắt tay” thật, hợp tác bền chặn của doanh nghiệp nội và ngoại, rất cần sự kiến tạo, đồng hành của cơ quan quản lý và các hiệp hội./.

Đăng Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực