Việt Nam phát huy vai trò tích cực tại diễn đàn đa phương Liên hợp quốc

Thứ hai, 24/09/2018 10:26
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Hoa Kỳ.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres,
tháng 5/2017. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Phiên thảo luận cấp cao khóa 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ diễn ra từ ngày 25/9 đến 1/10/2018, với chủ đề “Làm cho Liên hợp quốc gắn bó với tất cả người dân: Lãnh đạo toàn cầu và chia sẻ trách nhiệm vì các xã hội hòa bình, công bằng và bền vững”. Tại Phiên họp này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc sẽ báo cáo về công việc chung của tổ chức, nhấn mạnh đề cao chủ nghĩa đa phương, vai trò quan trọng của Liên hợp quốc trong việc ứng phó với các thách thức mang tính toàn cầu, nhất là trong bối cảnh năm qua một số xung đột đang gia tăng căng thẳng, bất bình đẳng tăng, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng…

Tham dự Phiên họp, Đoàn Việt Nam nhấn mạnh thông điệp: "Tăng cường đối tác toàn cầu vì một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững cho mọi người dân", trong đó đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, ngăn ngừa và giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực. Việt Nam nhấn  mạnh sự cần thiết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu chia sẻ trách nhiệm; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải tổ để Liên hợp quốc trở nên mạnh mẽ, dân chủ, hiệu quả hơn, đồng thời bảo đảm nguồn lực đầy đủ cho các hoạt động của Liên hợp quốc, nhất là hỗ trợ các nước đang phát triển.

Việc tham dự Phiên họp quan trọng này của Đại hội đồng Liên hợp quốc, một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam, đó là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế hợp tác đa phương.

* Liên hợp quốc hỗ trợ Việt Nam xây dựng và phát triển

Liên hợp quốc chính thức ra đời vào ngày 24/10/1945, trải qua hơn 70 năm phát triển, trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự tham gia của hầu như toàn bộ các quốc gia độc lập trên toàn cầu. Vai trò và hoạt động của Liên hợp quốc được mở rộng về mọi mặt, nỗ lực hướng tới thực hiện các tôn chỉ, mục đích đã được đề ra, qua đó đem lại những tác động tích cực, to lớn đến đời sống quốc tế và từng dân tộc.

Từ 51 quốc gia thành viên khi được thành lập năm 1945, Liên hợp quốc hiện có 193 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện gồm 6 cơ quan chính, nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên môn và 5 Ủy ban kinh tế - xã hội đặt ở các khu vực, hàng chục quỹ và chương trình, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực từ giải quyết và ngăn ngừa xung đột, giải trừ quân bị và không phổ biến, chống khủng bố, bảo vệ người tị nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển kinh tế - xã hội…

Với những thành tựu quan trọng đã đạt được, Liên hợp quốc được cộng đồng quốc tế thừa nhận là tổ chức toàn cầu có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế và là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng, công bằng hơn.

Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc ngày 20/9/1977. Kể từ đó, quan hệ của Việt Nam với Liên hợp quốc ngày càng phát triển. Vị thế, vai trò của Việt Nam tại Liên hợp quốc ngày càng được nâng cao. Việt Nam chủ động, tích cực phối hợp với các nước không liên kết và đang phát triển để đấu tranh, bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc như nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ của các nước, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam...

Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, Liên hợp quốc tích cực hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trở thành một trong những quốc gia sớm hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc. Sau khi Việt Nam từ một nước thu nhập thấp trở thành nước thu nhập trung bình, hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc chuyển trọng tâm từ hỗ trợ kỹ thuật sang tư vấn chính sách thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tập trung vào các lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thể chế, bình đẳng giới... Theo đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tiến hành đổi mới chính sách kinh tế, chính sách xã hội. Các dự án của Liên hợp quốc là nguồn hỗ trợ đáng kể cho Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng chính sách phát triển, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan và trình độ cán bộ trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới. Đồng thời, Liên hợp quốc tiếp tục có những đóng góp có giá trị đối với việc nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, phát triển nguồn nhân lực khoa học-kỹ thuật, giải quyết các vấn đề xã hội khác của Việt Nam.

* Việt Nam phát huy vai trò chủ động, tích cực tại diễn đàn đa phương

Thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, làm bạn với tất cả các nước, Việt Nam đã tranh thủ diễn đàn Liên hợp quốc làm cơ sở để tăng cường quan hệ với các tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc, mở rộng quan hệ song phương, đa phương với các nước và tổ chức quốc tế. Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc về hòa bình, an ninh quốc tế trong bối cảnh Hội đồng Bảo an phải xử lý khối lượng công việc đồ sộ, do xuất hiện nhiều vấn đề an ninh phức tạp, những thách thức an ninh toàn cầu mới và tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu trầm trọng nhất lịch sử thế giới hiện đại.

Việt Nam tích cực thương lượng và trở thành thành viên chính thức của Công ước Cấm vũ khí hóa học năm 1998, tham gia đàm phán và là một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện năm 1996, tham gia và trở thành thành viên của Hội nghị Giải trừ Quân bị năm 1996. Ngoài ra, Việt Nam sớm tham gia vào quá trình chuẩn bị cho các Hội nghị lớn như: Hội nghị kiểm điểm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 2000, 2005 và 2010; Hội nghị về chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí nhỏ năm 2001, 2003... Việt Nam cũng tham gia đầy đủ và thực chất vào các cơ chế hoạch định chính sách của Liên hợp quốc, phục vụ việc Việt Nam giữ chức Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1997. Việt Nam đã được bầu với số phiếu cao vào nhiều cơ quan của Liên hợp quốc, đặc biệt là Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008 - 2009, Hội đồng Kinh tế - Xã hội ((nhiệm kỳ 1998 - 2000 và 2016 - 2018), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015 - 2019), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2017 - 2021)…

Được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016), Việt Nam đã tham gia tích cực vào các nỗ lực thúc đẩy quyền con người trên thế giới, đã đề xuất và được thông qua Nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu với quyền trẻ em, đưa ra và tham gia nhiều sáng kiến như bảo vệ quyền lao động của người khuyết tật, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển, tăng cường giáo dục, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái... Vì sự năng động, tích cực và chủ động, Việt Nam được tín nhiệm làm điều phối viên của ASEAN tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng và thực thi các điều ước quốc tế, cũng như đóng góp vào các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy Liên hợp quốc phát huy vai trò là một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chung của nhân loại. Năm 2017, Việt Nam là một trong 52 nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân và năm 2018 là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước này.

Sự hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc là một ví dụ điển hình về hợp tác phát triển giữa các nước thành viên Liên hợp quốc, cũng như vai trò của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo. Tháng 6/2014, Việt Nam lần đầu tiên cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việt Nam cũng đã cử 27 sĩ quan quân đội và đang chuẩn bị cử bệnh viện dã chiến cấp hai tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ngày 25/5/2018 vừa qua, tại cuộc họp của Nhóm châu Á – Thái Bình Dương tại Liên hợp quốc, các nước đã nhất trí thông qua đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của Nhóm vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an (nhiệm kỳ 2020-2021) tại cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng 6/2019. Việc Nhóm châu Á – Thái Bình Dương nhất trí thông qua đề cử Việt Nam thể hiện sự ủng hộ và tín nhiệm cao của các nước trong khu vực đối với vai trò và năng lực của Việt Nam. Đây là kết quả bước đầu quan trọng, tạo thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình vận động các nước thành viên Liên hợp quốc ở các khu vực khác trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Sáng kiến Thống nhất Hành động – Một Liên hợp quốc là Một Ngôi nhà chung, được cụ thể hóa bằng việc xây dựng Ngôi nhà Xanh chung Liên hợp quốc tại Hà Nội. Đây là Ngôi nhà chung Liên hợp quốc đầu tiên thân thiện với môi trường, được khánh thành nhân dịp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon thăm Việt Nam tháng 5/2015. Là một trong tám nước thí điểm triển khai Sáng kiến Thống nhất hành động trên thế giới, nhìn chung, sáng kiến này đã đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường gắn kết hệ thống các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Ngày 5/7/2018, Việt Nam và Liên hợp quốc đã ký Kế hoạch Chiến lược chung mới cho giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021 giữa Chính phủ Việt Nam và 18 cơ quan Liên hợp quốc. Đây là dấu ấn quan trọng nêu bật cam kết mạnh mẽ của Liên hợp quốc và Chính phủ Việt Nam trong Chương trình hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự vì sự phát biển bền vững đến năm 2030./.

Nguyễn Hồng Điệp/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực