Thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước: Có khả thi?

Thứ sáu, 29/07/2016 08:37
(ĐCSVN) - Thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp không quá khó. Cái khó nằm ở những cam kết bảo đảm vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp có hiệu quả, không để lãng phí, thất thoát.

 

Ảnh minh họa. ( Ảnh: giaoduc.net.vn)

Nhằm hoàn thiện pháp luật về tổ chức thực hiện các quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định của Chính phủ về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Điểm mới nhất và gây ra tranh luận nhiều nhất là đề xuất thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Đúng là cơ chế quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang được thực hiện ở nhiều tầng lớp, nhiều khâu. Bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn có lãi, bảo toàn được vốn, thì cũng còn không ít doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, làm lãng phí, thất thoát vốn nhà nước.

Để hạn chế, tiến tới xoá bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, Uỷ ban nhân dân đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, thì cần thiết lập một đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, nếu thành lập Uỷ ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp (gọi tắt là Ủy ban)  như đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì rất khó khả thi.

Theo dự thảo Nghị định, Ủy ban này sẽ trực thuộc Chính phủ và chịu sự quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, lĩnh vực. Với cơ chế chịu sự quản lý của nhiều cấp, thì Ủy ban này khó có thể hoạt động độc lập, nếu không muốn nói Ủy ban này hoạt động gần như một cơ quan trung gian. Quản lý doanh nghiệp nếu cứ nhất nhất theo mệnh lệnh hành chính thì khó tạo ra những cơ hội, sự “đột phá” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thành lập một Ủy ban, tức là phát sinh bộ máy mới, trụ sở mới, trong khi chúng ta đang thắt chặt chi tiêu công, tinh giản biên chế. Theo tính toán của ông Đặng Quyết Tiến (Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp -  Bộ Tài chính), để quản lý được 30 tập đoàn, tổng công ty, (bình quân mỗi tập đoàn, tổng công ty này có 10 đơn vị thành viên thì tổng số đơn vị đã lên tới 300), phải cần đến 600 chuyên gia giỏi. Còn nếu Ủy ban này không tuyển dụng nhân sự mới mà điều chuyển nhân sự từ các bộ, ngành về, thì có khác gì “ bình mới, rượu cũ”?

Vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp là vấn đề sở hữu. Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; giảm dần doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp bộ máy tinh gọn hơn, khả năng cạnh tranh của các loại hình doanh nghiệp được bình đẳng và minh bạch hơn...

Lập ra Ủy ban hay “siêu Ủy ban” không quá khó về thủ tục hành chính. Cái khó nằm ở những cam kết bảo đảm doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, không để lãng phí, thất thoát vốn nhà nước./.

Đăng Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực