Tăng cường quản lý đảng viên, xử lý “sân sau, lợi ích nhóm” làm trong sạch Đảng

Thứ ba, 15/08/2017 22:08
(ĐCSVN) - Vừa qua cơ quan chức năng thông báo về mức độ sai phạm của một số đảng viên, trong đó có đảng viên giữ cương vị lãnh đạo cấp cao tham gia vào thành lập, tạo ảnh hưởng, điều hành các doanh nghiệp tư nhân làm dư luận bức xúc, vi phạm nghiêm trọng luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) và những điều đảng viên không được làm.
Hội nghị toàn quốc Ngành Tổ chức Xây dựng Đảng.(ảnh: Hiền Hoà)

Vi phạm luật PCTN và những điều đảng viên không được làm

Việc xem xét thi hành kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với một số đảng viên trong đó có cả cán bộ cao cấp thời gian qua được dư luận đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Như trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. “Trong thời gian giữ các cương vị Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Phan Thị Mỹ Thanh tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐTV là vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng. Thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bà Phan Thị Mỹ Thanh đã có các vi phạm, khuyết điểm như: Ký các văn bản của UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty Cường Hưng đầu tư dự án Khu dân cư thương mại xã Phước Tân, vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng và quy định về những điều đảng viên không được làm. Ký các văn bản của UBND tỉnh không thuộc lĩnh vực đồng chí phụ trách để cấp phép và gia hạn cho Công ty Cường Hưng kinh doanh bến thủy, mặt bằng, vật liệu xây dựng, vi phạm quy chế làm việc của UBND tỉnh…Kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không đúng quy định của Đảng và Nhà nước là vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm”.

Hay như đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương: "Thời gian từ tháng 1/2004 - 5/2010, bà Hồ Thị Kim Thoa đã có các vi phạm, khuyết điểm: Vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, chậm báo cáo, chưa tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần theo quy định của pháp luật; không báo cáo Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) xử lý và xử lý không đúng số tiền lãi vay được ngân hàng cho miễn 6,7 tỷ đồng. Thực hiện không đúng, không đầy đủ các thủ tục theo quy định, quyết định của Nhà nước về quản lý đất đai trong quá trình Công ty Điện Quang ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng về hợp tác đầu tư tại khu đất số 12 Tôn Đản, Thành phố Hồ Chí Minh với Công ty Constrexim - Bộ Xây dựng, khi chưa được chủ sở hữu và cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn, chấp thuận. Không báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xử lý và xử lý không đúng khoản thu 30 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng quyền khai thác, sử dụng khu đất 12 Tôn Đản…Trong thời gian dài, nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định về kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm”.

Và mới đây nhất Bộ Công thương đã chỉ đạo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp quyết định kỷ luật ông Hà Quốc Quân, (ông Quân là Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư và Chuyển giao công nghệ của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công thương, đồng thời là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam, là đơn vị tư vấn cho dự án), bằng hình thức cách chức vì có hành vi vi phạm pháp luật thành lập doanh nghiệp tư nhân; tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp tư nhân; kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, không đầy đủ. Các hành vi của ông Quân đã vi phạm Điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2012, Luật Viên chức. Viên chức không được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp. Vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.

Ba ví dụ nêu trên là điển hình trong việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn thành lập quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân vì lợi ích cá nhân được cho là “sân sau” của các quan chức đã vi phạm nghiêm trọng Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, trong đó Điều 8 nêu: có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột thực hiện các dự án, kinh doanh các ngành nghề thuộc lĩnh vực hoặc đơn vị do mình trực tiếp phụ trách trái quy định…

Vi phạm luật PCTN được qui định tại Điều 37, những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm: Thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh,… Kinh doanh trong lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong một thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ; Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.

Câu hỏi mà dư luận đặt ra ở đây là tại sao sự việc diễn ra trong một thời gian dài và rõ ràng không thể giấu giếm mà các cá nhân đảng viên không tự kiểm điểm, tự phê bình? Hay họ không nắm các qui định trên? Tại sao tổ chức đảng không phát hiện ngăn chặn kịp thời để đảng viên vi phạm vẫn được các cơ quan chức năng đề bạt, bổ nhiệm giữ cương vị cao đến Phó Bí thư Tỉnh ủy; Ủy viên Ban cán sự đảng, Bộ Công thương…

Tăng cường công tác quản lý đảng viên

Những sự việc vừa qua đặt ra yêu cầu quan trọng là công tác quản lý đảng viên như thế nào để góp phần xây dựng Đảng, chống các biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”… Như chúng ta đã biết sức mạnh của toàn Đảng là do sức mạnh của đội ngũ đảng viên tạo nên. Do đó, việc nâng cao chất lượng quản lý, phát huy vai trò của đội ngũ đảng viên luôn là khâu then chốt, một nội dung quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy.

Trước hết đòi hỏi mỗi đảng viên cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ đảng viên là đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân, của dân tộc trên hết. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy làm quan cách mạng là “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Nói đi đôi với làm. Mỗi đảng viên phải xây dựng kế hoạch phấn đấu và chương trình tự quản lý, rèn luyện để chi ủy, chi bộ kiểm tra, giám sát thực hiện. Đây là biện pháp quan trọng thể hiện tính tích cực, chủ động và khoa học trong công tác quản lý đảng viên của Đảng.

Thực tế cho thấy, phát hiện tham nhũng của các tổ chức đảng tự kiểm điểm, tự sinh hoạt còn rất hạn chế, thậm chí còn chưa phát hiện ra. Chủ yếu sai phạm tham nhũng được phát hiện qua thanh, kiểm tra từ đơn thư quần chúng, người dân tố cáo và từ các cơ quan công luận, báo chí. Còn một số đảng viên, cấp ủy, tổ chức đảng “mất sức chiến đấu…quản lý cán bộ, đảng viên còn yếu kém” thiếu gương mẫu cho nên khi sự việc được phát hiện và xử lý những người có trách nhiệm chối bỏ trách nhiệm. Khi được hỏi về vi phạm kỷ luật của đảng viên do cấp mình quản lý thì nhận được câu trả lời là tôi chưa nắm được. Trả lời báo chí, về sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, “những sai phạm của bà Thanh xảy ra từ những năm 2008 nhưng tỉnh không nắm được và chỉ đến khi có đơn tố cáo tỉnh mới biết”. Đối với trường hợp ông Hà Quốc Quân, trao đổi với báo chí qua điện thoại, ông Nguyễn Anh Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công Thương cho biết, việc ông Hà Quốc Quân - Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư và Chuyển giao giao công nghệ của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công thương làm doanh nghiệp, Viện không biết. Đồng thời ông Sơn cho biết: “Hiện chúng tôi đang rà soát và xử lý vụ việc theo đúng quy định của Luật Cán bộ, công chức”. 

Để khắc phục tình trạng trên mỗi đảng viên, cấp ủy, chi bộ cần giữ nền nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng. Thông qua sinh hoạt kịp thời chỉ ra những ưu điểm để phát huy, khuyết điểm để khắc phục, giúp đảng viên phấn đấu, rèn luyện, tự giác trong thực hiện nhiệm vụ. Trong sinh hoạt, cần thực hiện tốt tự phê bình và phê bình về các vấn đề đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, nhiệm vụ của đơn vị; những vấn đề về phẩm chất, đạo đức, lối sống, năng lực của cán bộ, đảng viên. Chống tư tưởng hữu khuynh thỏa hiệp, “thấy đúng không ủng hộ, thấy sai không đấu tranh”, e dè, nể nang; đấu tranh giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Cần khắc phục biểu hiện buông lỏng sinh hoạt, sinh hoạt theo kiểu hình thức, không có nội dung cụ thể, thiết thực. Đồng thời các cấp ủy đảng, chi bộ thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát và phân tích chất lượng đảng viên. Qua đó chi ủy, chi bộ mới xem xét, đánh giá, phân tích, kết luận chính xác về trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức, lối sống của đảng viên.

Mặt khác, các cấp ủy Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi và giữ vững, tăng cường mối quan hệ với quần chúng, thông qua đó giám sát đảng viên. Phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức đảng nơi công tác với tổ chức đảng nơi cư trú để quản lý tốt đảng viên theo Quy định số 76-QĐ/TW, ngày 15/6/2000, của Bộ Chính trị “Về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú”.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý đảng viên, ngăn ngừa, khắc phục hạn chế, thiếu sót cả trong nhận thức và tổ chức hoạt động là vấn đề cơ bản trực tiếp nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng hiện nay./.

Minh Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực