Không được “né” cung cấp thông tin cho báo chí

Thứ ba, 14/02/2017 16:35
(ĐCSVN) - Vậy là, một văn bản quy phạm pháp luật đã được “nâng cấp” từ Quyết định của Thủ tướng lên một Nghị định của Chính phủ.

Cách đây gần 5 năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Sau khi có hiệu lực, Quyết định của Thủ tướng bước đầu phát huy tác dụng về chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Các nhà báo tác nghiệp tại Đại hội XII của Đảng. (Ảnh: phapluatplus.vn)

Tuy nhiên, thực tế trong đời sống chính trị - xã hội, vẫn còn tình trạng các cơ quan Nhà nước “né” cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là khi cơ quan, đơn vị đó xuất hiện những dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng. Vẫn còn hiện tượng các phóng viên chầu chực ở nhiều cơ quan Nhà nước để mong chuyển tải những thông tin chính thống tới bạn đọc, nhưng đáp lại là “cổng đóng, then cài”; hoặc là những lời khất hứa: “lãnh đạo bận họp”, “người phát ngôn ốm, hẹn khi khác”… 

Cũng trong 5 năm qua, có không ít nhà báo, phóng viên – những người cầm bút chân chính xông xáo, đẵm mình trong thực tiễn, viết bài điều tra phanh phui những vụ việc tiêu cực và kết cục là phải mang trong mình nhiều thương tích, bởi các đối tượng, các thế lực xấu cản trở tác nghiệp của phóng viên. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong thời gian từ 2013 đến nay, mỗi năm có hàng chục vụ hành hung nhà báo… Xung quanh vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận Luật Báo chí năm 2016 đã thẳng thắn cho rằng: Nếu không có cơ chế bảo vệ tốt thì nhà báo càng nhiệt huyết, càng đi vào những điểm nóng càng rất dễ bị rủi ro. Do đó, cần hoàn thiện cơ chế bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp đúng pháp luật và đề nghị các cơ quan Nhà nước cần chủ động, tăng cường việc cung cấp thông tin cho báo chí… 

Hy vọng rằng, Nghị định 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước (thay thế Quyết định số 25/2013 của Thủ tướng Chính phủ) là sự cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí là: “Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”.

Nghị định 09 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/3/2017. Theo đó, có 6 hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Một là, tổ chức họp báo. Hai là, đăng tải nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc trang mạng xã hội chính thức của cơ quan hành chính nhà nước. Ba là, phát ngôn trực tiếp hoặc trả lời phỏng vấn của nhà báo, phóng viên. Bốn là, gửi thông cáo báo chí, nội dung trả lời cho cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên bằng văn bản hoặc qua thư điện tử. Năm là, cung cấp thông tin qua trao đổi trực tiếp hoặc tại các cuộc giao ban báo chí do trung ương, địa phương tổ chức khi được yêu cầu. Sáu là, ban hành văn bản đề nghị cơ quan báo chí đăng, phát phản hồi, cải chính, xin lỗi nội dung thông tin trên báo chí.

Nghị định 09 của Chính phủ nêu rõ: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí theo định kỳ 1 tháng một lần về hoạt động và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức họp báo, cung cấp thông cáo báo chí và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh tổ chức cung cấp thông tin định kỳ (hàng tháng) cho báo chí về hoạt động của cơ quan mình, về lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình và “ít nhất 3 tháng một lần tổ chức họp báo để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí”.

Tổng cục, cục, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các tổ chức cấp tỉnh thuộc cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương và UBND cấp huyện: cung cấp thông tin định cho báo chí và cử người phát ngôn cung cấp thông tin tại họp báo của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh khi có yêu cầu.

Nghị định 09 của Chính phủ cũng quy định rõ: Phát ngôn và cung cấp thông tin trong trường hợp đột xuất, bất thường; Quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; Quyền và trách nhiệm của người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn; trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc cung cấp thông tin…

Một điều rất đáng chú ý đó là: “Cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên có trách nhiệm đăng, phát, phản ánh trung thực, khách quan, đầy đủ nội dung phát ngôn và thông tin do người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn cung cấp, đồng thời phải ghi rõ họ tên người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn, tên cơ quan hành chính nhà nước của người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn”. Tránh trường hợp, vì động cơ không trong sáng, hoặc vì lý do nào đó, cơ quan báo chí, nhà báo “cắt, gọt” ý kiến của người phát ngôn, làm “méo mó” bản chất vụ việc, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Như vậy là, một mặt báo chí mong muốn được tiếp cận, truyền tải thông tin mới nhất, chính thống nhất tới bạn đọc, nhưng yêu cầu đặt ra là bản thân các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên cũng phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về báo chí. Chỉ có như vậy, báo chí mới thực sự là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp và là diễn đàn của Nhân dân./.

Hạnh Nguyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực