Hướng tới mô hình đào tạo 9+

Thứ ba, 22/01/2019 16:33
(ĐCSVN) - Những đề xuất mới của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội liên quan đến việc tạo cơ hội cho các bạn trẻ học nghề để lập nghiệp, nếu được thực thi sớm sẽ góp phần chấm dứt tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, không lãng phí nguồn lực xã hội...
Học sinh thực hành tại một trường Cao đẳng nghề tại TP.HCM.
(Ảnh: Tấn Thạnh)

Cả xã hội đã nhận thấy hiện nay có tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” rất nghiêm trọng. Đại đa số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) thi vào đại học như một lối thoát duy nhất. Xu hướng đã càng trở nên tốn kém thời gian, tiền bạc hơn khi đua nhau đi học cao học để có bằng thạc sĩ, đến nỗi đây là xu hướng trở nên phổ cập. Đã có bằng thạc sĩ thì nhiều người bước tiếp lên tiến sĩ, dù họ không có nhu cầu nghiên cứu khoa học, khiến nước ta trở thành quốc gia có số tiến sĩ cao bậc nhất Đông Nam Á, với trên 24.500 người.

Tuy nhiên, chất lượng không tương đồng với số lượng, dẫn đến sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường không tìm được việc làm đúng kiến thức được đào tạo, nhiều kỹ sư, cử nhân phải chọn nghề khác để kiếm sống. Nhiều người tìm được việc làm nhưng kiến thức được đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của đơn vị tuyển dụng, dẫn đến phải đào tạo lại.

Thực trạng đó đặt ra vấn đề phải thay đổi mô hình đào tạo. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa đề xuất mở rộng đối tượng tuyển sinh đối với trình độ cao đẳng, theo đó học sinh chưa có bằng tốt nghiệp THPT vẫn có thể được xét tuyển vào bậc học này. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng khuyến khích đào tạo chương trình cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (mô hình đào tạo 9+).

Hiện nay ở nhiều nước tiên tiến, mô hình đào tạo nghề cho học sinh theo mô hình 9+ rất phát triển. Ở Đức, họ phân luồng ngay từ trung học cơ sở (THCS). Có loại trường dành cho học sinh trung bình và kém, học xong, các em sẽ học tiếp lên các trường nghề bán thời gian (học nửa buổi, nửa buổi đi làm và thực tập tại các nhà máy, công xưởng) cho tới khi 18 tuổi; loại trường cho học sinh khá, sau khi tốt nghiệp, các em có thể chọn lên học trường nghề bán thời gian hoặc trường nghề cao cấp; loại trường dành cho học sinh khá giỏi, sau khi tốt nghiệp học sinh sẽ nhận được bằng tú tài và chuẩn bị cho học sinh lên học đại học hoặc đại học ứng dụng (vừa học, vừa làm). Sau những năm phân cấp này, dựa vào kết quả học tập, các em sẽ tiếp tục chương trình của mình, đi học đại học, học nghề hay vào làm việc tại nhà máy.

Như vậy, tùy theo năng lực của từng học sinh mà nhà trường có định hướng và gia đình quyết định tương lai của con em mình một cách phù hợp và hiệu quả. So sánh với Đức để thấy rằng ở nước ta hiện nay vẫn học theo kiểu cào bằng, học sinh giỏi cũng học chung với học sinh kém, người có khả năng và mong ước học lên đại học cũng như người chỉ mong tốt nghiệp THPT để đi làm. Trong khi đó theo mô hình Đức, nếu không học tiếp để thi đại học thì sau ba năm vừa học kiến thức vừa học nghề, học sinh đã thành thạo một nghề để bảo đảm cuộc sống tương lai.

Nhật Bản có trên 50 trường cao đẳng chuyên ngành tiếp nhận học sinh tốt nghiệp THCS ở độ tuổi 15, tỉ lệ học văn hóa giảm dần và kiến thức chuyên môn nghề nghiệp tăng dần theo thời gian trong 5 năm để cấp bằng cao đẳng. Mô hình đào tạo này cũng cho phép người học vào học cao đẳng sau khi tốt nghiệp THPT hoặc chuyển đổi sang hệ thống giáo dục đại học. Các em học ra trường 100% có việc làm với thu nhập cao.

Như vậy, đây là xu hướng tất yếu, nhằm đáp ứng nhu cầu có việc làm cũng như thị trường lao động đang phát triển ở mỗi quốc gia, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Thị trường lao động hiện nay cần nhiều nhân lực cho ngành nghề khách sạn, du lịch, công nghệ thông tin, cơ khí, điện tử… cho thu nhập tốt. Những ngành nghề này cho phép các em lựa chọn nơi làm việc gần nhà hoặc đi xa, thậm chí đi làm ở nước ngoài với thu nhập cao, nếu rèn luyện được ngoại ngữ tốt.

Vấn đề đặt ra là Nhà nước cần có những chính sách hợp lý, khuyến khích mô hình này phát triển, tháo gỡ những vướng mắc trong liên thông đào tạo, trong phân luồng từ cấp THCS.

Bên cạnh đó, cần truyền thông tốt để thay đổi những nếp nghĩ của phụ huynh và xã hội lâu nay về bằng cấp. Người Việt có truyền thống hiếu học, nhưng hiện nay có xu hướng lệch lạc thành bệnh chuộng bằng cấp, không chuộng thực chất. Chính vì chạy theo bằng cấp mà nhiều gia đình cực nhọc cho con theo học đại học trong khi năng lực không giỏi, ra trường không kiếm được việc làm, gây lãng phí rất lớn.

Và khi không ít cơ quan nhà nước tuyển dụng cũng đồng loạt đòi hỏi bằng đại học cho hầu hết các công việc, từ văn thư, đánh máy đến kế toán… trong khi vị trí công việc không nhất thiết phải có trình độ đại học, cũng khiến cho xu hướng kiếm bằng được tấm bằng đại học thêm nặng nề.

Một thực tế nữa là học phí đại học ngày càng cao, trong khi học phí các trường đào tạo nghề thấp hơn rất nhiều. Học phí thấp nhưng nếu các em theo học phân luồng sớm, hết lớp 9 vào học nghề thì 18, 19 tuổi, đã có thể gia nhập thị trường lao động, có lương đủ sống, sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội. Với thị trường lao động cạnh tranh, những người thợ có tay nghề tốt sẽ kiếm được việc làm có mức lương cao và sự tôn trọng của xã hội. Hơn nữa, các em vẫn có thể vừa làm, vừa học thêm để có bằng đại học.

Thực tế của cuộc sống đòi hỏi phải tạo cơ hội cho các bạn trẻ học nghề để lập nghiệp, từ đó sẽ góp phần chấm dứt tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, không lãng phí nguồn lực xã hội.../.

Thái Vũ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực