Di tích và quyền sở hữu

Thứ sáu, 24/08/2018 11:41
(ĐCSVN) - Câu chuyện Di tích họ Vương ở cao nguyên đá Đồng Văn cho chúng ta thấy một vấn đề cần được minh bạch là quyền sở hữu tài sản đối với các di tích được xếp hạng trong cả nước hiện nay.

                                         

Di tích họ Vương (còn được gọi là Dinh Nhà Vương, Dinh Vua Mèo) nằm trong một thung lũng
thuộc địa bàn xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Thành Tâm).

Dư luận đang quan tâm sự việc liên quan đến Di tích họ Vương ở Đồng Văn, Hà Giang được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn từ năm 2012 nhưng đến nay con cháu nhà họ Vương mới biết.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dinh thự họ Vương cho Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Văn là hoàn toàn hợp pháp. Một trong những căn cứ mà Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra là khoản 1, Điều 54, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ về việc thi hành luật đất đai quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, đất có di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh độc lập thì giấy chứng nhận quyền sử dụng được cấp cho tổ chức trực tiếp quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Tuy nhiên, khoản 2 của Điều 54 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ còn nêu rõ: Đất có di tích lịch sử - văn hoá mà di tích lịch sử - văn hoá đó thuộc sở hữu của tư nhân thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho chủ sở hữu tư nhân; khoản 3 nêu: Đất có di tích lịch sử - văn hoá của cộng đồng dân cư thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho cộng đồng dân cư.

Từ câu chuyện Di tích họ Vương ở cao nguyên Đồng Văn, chúng ta thấy một vấn đề cần được minh bạch là quyền sở hữu tài sản đối với các di tích được xếp hạng trong cả nước hiện nay.

Một phần Di tích họ Vương. (Ảnh: Thành Tâm)

Quyền sở hữu tài sản là một quyền thiêng liêng, được ghi nhận trong Hiến pháp. Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, tôn trọng đa hình thức sở hữu, bảo hộ quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế... Hiến pháp cũng khẳng định: Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.

Chỉ có đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Trở lại các Di tích được xếp hạng, theo Luật Di sản văn hóa, có bốn loại hình: Di tích lịch sử (di tích lưu niệm sự kiện, di tích lưu niệm danh nhân), di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh. Trong đó, có lẽ chỉ có di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh là thuộc sở hữu toàn dân, còn lại thì đa dạng về sở hữu, một phần khá lớn thuộc sở hữu tư nhân hay cộng đồng dân cư.

Do đó, xếp hạng di tích chỉ là sự tôn vinh của Nhà nước đối với giá trị của di tích để di tích được gìn giữ lâu dài, hoàn toàn không phải là quốc hữu hóa, tịch thu tài sản của người có di tích. Nếu người có thẩm quyền nhầm lẫn như vậy thì chắc không mấy ai dám cho xếp hạng di tích của gia đình, dòng họ mình.

Việc xếp hạng di tích mang đến cho cả Nhà nước và chủ sở hữu quyền lợi và nghĩa vụ về bảo quản, tu bổ di tích đồng thời được hưởng lợi từ di tích mang lại, nếu có. Cụ thể hơn, đối với người sử dụng nhà đất thuộc di tích được xếp hạng thì phải tuân theo các quy định về bảo vệ di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh. Theo nội dung quyền sở hữu thì chủ sở hữu các di tích được xếp hạng vẫn có quyền chiếm hữu, sử dụng, khai thác tài sản nhưng họ bị hạn chế về quyền định đoạt di tích.

Nghĩa vụ nặng nề đó phải đi kèm với quyền lợi, đó là được hưởng nguồn lợi từ di tích mang lại qua hoạt động du lịch, tham quan, trưng bày di tích, di vật…

Lối vào Di tích họ Vương. (Ảnh: Thành Tâm)

Nếu ở đâu hài hòa lợi ích giữa tư nhân, cộng đồng và Nhà nước thì ở đó di tích được gìn giữ tốt nhất, mà Hội An là một dẫn chứng điển hình. Ngược lại ở đâu không bảo đảm quyền lợi của chủ sở hữu di sản, của dân cư sống trong vùng di sản thì ở đó việc bảo tồn di tích gặp khó khăn, tiêu biểu là câu chuyện muốn trả lại danh hiệu làng cổ ở Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội những năm qua.

Do đó, câu chuyện Di tích họ Vương ở Đồng Văn là một trường hợp tiêu biểu để các bên xem xét lại quy định của pháp luật về quyền sở hữu tài sản, về xếp hạng di tích để thực hiện đầy đủ, đúng đắn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích có hiệu quả cho hôm nay và mai sau./.

Thái Vũ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực