Coi trọng thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản

Thứ hai, 16/01/2017 14:55
Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hôm nay, Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê và Phu nhân tới Thủ đô Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam.


Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
 trong chuyến thăm Nhật Bản, tháng 5/2016. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chuyến thăm là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng trong quan hệ hai nước, khẳng định hai bên đều coi trọng và quan tâm thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển ngày càng mạnh mẽ, toàn diện và thực chất, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Nhật Bản là quốc gia hải đảo hình vòng cung, nằm ở Thái Bình Dương, giáp phía đông lục địa châu Á, có tổng diện tích 377.944 km2, với dân số 127,1 triệu người. Đất nước “Mặt trời mọc” có bốn đảo lớn nhất chiếm 97% diện tích, gồm Hôn-xư, Hốc-cai-đô, Ki-ư-sư và Si-cô-cư, cùng nhiều đảo nhỏ khác. Là quốc gia không giàu tài nguyên, kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, song bằng ý chí và quyết tâm mạnh mẽ, bằng sự say mê và nghiêm túc học hỏi, lao động, sáng tạo cùng những cải cách đột phá, người dân Nhật Bản đã đưa đất nước vươn lên trở thành một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới. 

Hiện Nhật Bản đứng hàng đầu thế giới về khoa học và công nghệ; là nền kinh tế đứng thứ ba thế giới, với GDP đạt khoảng năm nghìn tỷ USD một năm. Nhật Bản là thành viên của Liên hợp quốc, tham gia Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8)… Tình hình chính trị tại Nhật Bản nhìn chung ổn định, với việc đảng Dân chủ Tự do (LDP) liên minh với đảng Công minh mới (NKP) trở lại nắm quyền từ tháng 12/2012. Chính phủ của Thủ tướng S.A-bê triển khai mạnh mẽ chính sách kinh tế mới Abenomics đã vực dậy đà tăng trưởng kinh tế, nỗ lực tái thiết các khu vực bị thiệt hại nặng nề do trận động đất, sóng thần gây ra năm 2011. Về ngoại giao, Nhật Bản triển khai chính sách ngoại giao với ba trụ cột là tăng cường quan hệ đồng minh Nhật Bản - Mỹ, cải thiện quan hệ với các nước láng giềng và triển khai ngoại giao kinh tế. Bên cạnh đó, chính quyền của Thủ tướng A-bê tích cực triển khai chính sách an ninh mới “Chủ nghĩa hòa bình tích cực”, chủ trương tăng cường vị thế quốc tế và khu vực, trong đó đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược giữa Nhật Bản với Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN).

Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng về văn hóa, có truyền thống giao lưu văn hóa và thương mại từ sớm, tạo cơ sở phát triển mạnh mẽ quan hệ song phương sau này. Mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 đến nay, có sự tin cậy cao và đã đạt đến khuôn khổ “đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” (năm 2014). Những năm qua, hai nước liên tục chứng kiến sự phát triển nhanh, mạnh và thực chất của mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi.

Hai bên duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao và các cấp. Nhật Bản là nước đầu tiên trong nhóm nước G7: đón Tổng Bí thư Việt Nam đến thăm (năm 1995); thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009); công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011). Cường quốc kinh tế thứ ba thế giới cũng là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nhà cung cấp ODA số một, nhà đầu tư lớn thứ hai và là đối tác thương mại song phương lớn thứ tư của nước ta. Năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt hơn 28,5 tỷ USD, trong 11 tháng đầu năm 2016 đạt 26,8 tỷ USD. Tính đến cuối tháng 11-2016, Nhật Bản có 3.242 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 42 tỷ USD. Hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực nông nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu, giao lưu địa phương có nhiều đột phá. Hợp tác trong các lĩnh vực khác, như khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch, môi trường, giao lưu cấp địa phương, giao lưu nhân dân... đều có bước phát triển thực chất và ngày càng được tăng cường, mở rộng. Hai nước hợp tác tốt tại các diễn đàn đa phương, như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, Hội đồng nhân quyền…

Bên cạnh việc thể hiện sự coi trọng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng song phương Việt Nam - Nhật Bản, chào đón người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản S.A-bê thăm chính thức Việt Nam, chúng ta một lần nữa khẳng định coi Nhật Bản là đối tác quan trọng và lâu dài; đồng thời tin tưởng rằng, chuyến thăm sẽ thành công tốt đẹp, góp phần tiếp tục củng cố và đưa quan hệ hai nước phát triển toàn diện và sâu sắc hơn, đem lại lợi ích cho nhân dân mỗi nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới./.

Theo nhandan.com.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực