Tinh giản bộ máy, biên chế tại Hà Nội: Quyết liệt ắt sẽ thành công

Thứ hai, 16/04/2018 16:24
(ĐCSVN) – Thành phố Hà Nội xác định rất rõ, nếu không tinh giản được biên chế thì không nâng cao được hiệu quả bộ máy. Không tinh giản thì không có tiền để tăng lương cho cán bộ, đồng thời làm giảm hiệu lực bộ máy. Vì vậy, Hà Nội đang triển khai thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị với quyết tâm cao độ.

Tinh giản bộ máy, biên chế tại Hà Nội: Quyết liệt ắt sẽ thành công

Kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội lần thứ 5, khóa XV đã thông qua Nghị quyết về
tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố Hà Nội năm 2018 là 10.661 người. (Ảnh: TH)

Không để tình trạng cào bằng

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo đã nhiều lần khẳng định, đợt tinh giản biên chế lần này phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, kể cả tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tuyển dụng, đánh giá cán bộ, tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng. Tinh giản biên chế gắn với đánh giá, phân loại cán bộ, không để tình trạng cào bằng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 39, Hà Nội vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Những điều này cũng đã được Thành ủy Hà Nội thẳng thắn thừa nhận. Đó chính là tính tiên phong, gương mẫu, ý thức, trách nhiệm phục vụ của một bộ phận cán bộ, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa cao. Một bộ phận cán bộ, công chức ý thức, phẩm chất, năng lực yếu, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, có biểu hiện sách nhiễu, tiêu cực gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp và công dân, thậm chí vi phạm kỷ luật phải xử lý.

Cùng với đó là cơ cấu đội ngũ cán bộ ở một số địa phương, đơn vị còn chưa hợp lý, thiếu đồng bộ, còn tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”. Tiêu chí đánh giá cán bộ đã có đổi mới, nhưng vẫn còn chung chung và chưa gắn với chức danh; việc tổ chức đánh giá còn hình thức. Kết quả đánh giá chưa phản ánh toàn diện kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ; chưa thực sự là cơ sở cho việc thực hiện các khâu của công tác cán bộ, nhất là ở cấp cơ sở.

Mặt khác, hệ thống chính trị ở cơ sở, cấp thôn, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn có nơi, có lúc, có địa phương còn hạn chế, bất cập. Nội dung sinh hoạt chi bộ ở các loại hình vẫn còn hình thức, chưa thực sự hiệu quả. Công tác quản lý cán bộ có nơi, có lúc vẫn còn lỏng lẻo.

Trước những tồn tại, hạn chế nêu trên, phát biểu tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược công tác cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh yêu cầu phải tập trung khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Muốn vậy, theo người đứng đầu Đảng bộ, công tác này phải đảm bảo tính dân chủ, lắng nghe rộng rãi, phát huy trách nhiệm cá nhân, nhất là cá nhân người đứng đầu. Đề cao vai trò của cá nhân người đứng đầu nhưng phải đặt trong quan hệ với tập thể, bảo đảm dân chủ và thay đổi cách làm, cần “đi tìm cán bộ giỏi chứ không đợi người tài tự tìm đến”.

Trong khi đó, tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội lần thứ 5, khóa XV đã thông qua nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố Hà Nội năm 2018 với kế hoạch sử dụng biên chế năm 2018 của thành phố, như sau: Biên chế hành chính là 10.661, trong đó biên chế công chức là 8.891 (giảm 225 biên chế so với năm 2017. Biên chế sự nghiệp là 148.822, trong đó biên chế viên chức là 127.933 (giảm 7.190 biên chế) và 11.568 chỉ tiêu lao động hợp đồng theo Nghị định số 68 năm 2000 của Chính phủ (giảm 1.137 chỉ tiêu do chuyển chỉ tiêu theo các đơn vị tự chủ và giảm do sắp xếp).

Để cụ thể hóa Nghị quyết HĐND, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1738/QĐ-UBND phê duyệt danh sách và kinh phí tinh giản biên chế của thành phố Hà Nội đợt 1 năm 2018. Theo đó, Thành phố phê duyệt danh sách và kinh phí để chi trả cho 96 công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17-11-2000 của Chính phủ; cán bộ, công chức cấp xã được nghỉ theo chính sách tinh giản biên chế tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 của Chính phủ, với tổng kinh phí hơn 10,7 tỷ đồng.

Đổi mới hơn nữa khâu đánh giá, sắp xếp cán bộ

Vậy, làm cách nào để giữ cho cán bộ, công chức, viên chức có được tâm lý tốt sau những “cú sốc” như vậy? Một đồng chí lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố Hà Nội từng trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ sắp xếp lại tổ chức cho biết: “Chúng tôi xác định việc cơ cấu lại tổ chức là hệ trọng, liên quan đến “sinh mệnh chính trị” của nhiều cán bộ, nên quá trình làm rất thận trọng. Trước hết là phải bảo đảm đứng nguyên tắc, đúng quy định; thứ hai là phải tập trung làm tốt công tác tư tưởng. Chúng tôi làm công tác tư tưởng từ nhiều chiều, nhiều hướng: Qua trao đổi của lãnh đạo UBND thành phố, qua tổ chức đảng trong cơ quan, qua đoàn thể, tại các phòng, ban…  với tinh thần làm sao để anh chị em thật thông, thật đồng thuận mới thực hiện”.

Để làm được điều này, nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo Hà Nội đã nhấn mạnh phải đổi mới hơn nữa các khâu trong đánh giá cán bộ. Vì đây là khâu khó, cần căn cứ tiêu chí, tiêu chuẩn và phải có thông tin, nhưng trong quá trình đánh giá cán bộ, lại rất cần đến cái tâm, cái tầm của người đánh giá, phải thực sự công tâm, khách quan. Do đó, đánh giá cán bộ phải nhìn từ nhiều góc độ, ở nhiều thời điểm, qua nhiều công việc thực tiễn, tính chất, hiệu quả của việc xem xét, giải quyết công việc, nhất là vào những thời điểm khó khăn, thách thức. Người cán bộ tốt phải là người dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực hiện nói đi đôi với làm. Đồng thời, các cấp ủy cần thực hiện nghiêm chế độ bãi nhiệm, từ chức, cho thôi việc hoặc thay thế kịp thời những người kém năng lực, phẩm chất, đạo đức, cán bộ không gương mẫu, không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của chức danh, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Có như vậy, công tác cán bộ mới đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Phát biểu tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I/2018 về việc sắp xếp một số đơn vị, cơ chế tự chủ tài chính và chế độ khuyến khích tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế của Ban chỉ đạo Thành phố, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 39-NQ-TW nhấn mạnh yêu cầu các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo bám sát nội dung nhiệm vụ được giao để đảm bảo về tiến độ, chất lượng và quy trình, quy định; đề cao trách nhiệm, sự chủ động của các đơn vị, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao, phát huy trí tuệ tập thể; thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo, xin ý kiến với các nội dung quá thẩm quyền. Các cơ quan được giao chủ trì xây dựng các đề án khẩn trương triển khai việc thực hiện. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các nội dung, các nhiệm vụ đã được Ban Chỉ đạo thông qua…

Hà Nội đang triển khai thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị với quyết tâm cao độ.
(Ảnh minh họa: TH)

Đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục thực hiện việc sắp xếp các Ban Chỉ đạo theo Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy; tập trung xây dựng và triển khai Đề án thí điểm kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo chủ chốt quận, huyện, thị xã theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) và 06 Đề án nhánh. Đối với khối các cơ quan chính quyền cần tập trung thực hiện phương án nâng mức tự chủ các đơn vị sự nghiệp; tham mưu đồng bộ các giải pháp thực hiện Nghị Quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương đối với nhóm các đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên theo quy định sau năm 2021 phải nâng mức tự chủ tài chính…

Tuy nhiên, theo nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, về giải quyết thế nào với nhân sự dôi dư, đây là việc làm không dễ. Với Hà Nội - địa phương đã có đề án vị trí việc làm thì phải quyết liệt triển khai, dựa vào đó để đánh giá hiệu suất lao động thực sự của từng người. Đừng để tình trạng gọn đầu mối mà biên chế không đổi. Việc “ép cơ học” về mặt đầu mối chỉ nên thực hiện trong 1 - 2 tháng, sau đó phải sàng lọc luôn, kiên quyết sắp xếp lại nhân sự, ai không đạt hiệu quả thì chuyển đi làm việc khác. Ghép nhưng sàng lọc thì bộ máy mới giản mà tinh, mới tăng hiệu lực, hiệu quả.

Chắn chắn, trong quá trình sáp nhập, tinh giản sẽ có nhiều xáo trộn và không ít khó khăn, vì việc tổ chức này sẽ đụng chạm đến nhiều “ghế”, và quyền lợi của nhiều người. Nhưng với mục tiêu chung là phải đổi mới theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, chúng ta tin chắc rằng, với một loạt các biện pháp đang triển khai, Hà Nội sẽ tinh giản thành công, nâng cao được chất lượng cán bộ, công chức, đưa Thủ đô phát triển ngày càng bền vững./.                                                                                                                                            

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực