Vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ XXI

Thứ sáu, 24/02/2017 17:52
(ĐCSVN) – Sáng nay (24/2), Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống độc ngân hàng trung ương trong khuôn khổ Hội nghị SOM 1 và các hội nghị liên quan, bước sang ngày làm việc thứ hai. Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam, Chủ tịch SOM APEC 2017 đến dự và phát biểu tại Hội nghị. Sau đây là toàn văn bài phát biểu.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa các quý vị,

Tôi rất vinh dự được tham dự Hội nghị ngày hôm nay và được chia sẻ với các quý vị về những định hướng và ưu tiên của Năm APEC 2017. Tôi rất cảm ơn các quý vị vì cơ hội đặc biệt này, bởi tôi tin rằng sự tương tác và phối hợp chặt chẽ giữa các quan chức cao cấp và tiến trình tài chính là then chốt để làm cho hợp tác APEC ngày càng đồng bộ hơn và bảo đảm rằng hai tiến trình sẽ bổ trợ lẫn nhau một cách tích cực.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Năm 2017 hứa hẹn là một năm đầy thách thức đối với khu vực của chúng ta nói chung và Diễn đàn APEC nói riêng. Chúng ta đang phải đối mặt với một nền kinh tế tăng trưởng chậm, thương mại trì trệ và đầu tư ở mức thấp. Theo báo cáo của IMF, các rủi ro về ngắn hạn đối với ổn định tài chính toàn cầu đã giảm kể từ tháng 4 năm 2016, song các rủi ro về trung hạn ngày càng nhiều hơn. Những lo ngại về toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng tại một số khu vực. “Bất định” có thể là từ chuẩn xác nhất để miêu tả tình hình tổng thể hiện nay.

Trong những thời điểm khó khăn như hiện nay, tăng cường hợp tác APEC là cần thiết hơn bao giờ hết. Đây không phải là lúc chúng ta hủy bỏ các cam kết, rút lui hoặc chấp nhận chủ nghĩa bảo hộ. Đây là lúc APEC cần chứng tỏ sức sống, tính năng động, khả năng thích ứng và trách nhiệm. APEC cần tiếp tục đi đầu thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, đồng thời bảo đảm rằng mọi người dân, mọi doanh nghiệp đều được thụ hưởng các lợi ích của thương mại và tăng trưởng. Điều cần thiết lúc này là tạo xung lực mới để APEC khẳng định vai trò là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực, góp phần giải quyết các thách thức chung.

Trong tình hình đó, Việt Nam đã đề xuất chủ đề của Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Trên cơ sở chủ đề và tiếp nối các kết quả tiến trình hợp tác APEC đạt được thời gian qua, Việt Nam đã đề xuất bốn ưu tiên, gồm: Thứ nhất, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Thứ hai, tăng cường liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Thứ ba, Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; Thứ tư, tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chủ đề bao trùm cùng bốn ưu tiên bổ trợ lẫn nhau và phản ánh lợi ích chung của khu vực chúng ta. Chúng tôi tin tưởng rằng, các sáng kiến chính sách và hành động cụ thể mà các thành viên APEC sẽ đề ra sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy một cách hiệu quả hơn mục tiêu tăng trưởng bao trùm và thúc đẩy dòng chảy tự do của hàng hóa, đầu tư và con người trong khu vực. Chắc chắn rằng, các cơ hội kinh doanh và việc làm được tạo ra từ quá trình này sẽ mang lại những kết quả phát triển ấn tượng hơn nữa cho các nền kinh tế thành viên APEC.

Với chủ đề và các ưu tiên nêu trên, chúng tôi có tham vọng tạo sự năng động mới cho APEC để xây dựng một cộng đồng bền vững, bao trùm, nơi người dân và doanh nghiệp được đặt ở vị trí trung tâm của sự phát triển.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Tiến trình các Bộ trưởng Tài chính có vai trò quan trọng then chốt và thiết yếu đối với hợp tác APEC. Mục tiêu mà Kế hoạch hành động Cebu đã đề ra về xây dựng một cộng đồng APEC gắn kết hơn, minh bạch, tự cường và kết nối hơn về tài chính, có ý nghĩa sống còn đối với thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, bao trùm và cân bằng tại khu vực.

Hội nghị các quan chức cao cấp APEC và Hội nghị các quan chức cao cấp về tài chính APEC là hai tiến trình tương hỗ và bổ trợ lẫn nhau. Có nhiều lĩnh vực đều được cả hai tiến trình quan tâm giải quyết, trong đó có kết nối hạ tầng và  phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vì an ninh lương thực, dịch vụ tài chính, tăng cường đóng góp của phụ nữ vào kinh tế, tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phát triển nhân lực và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Việc phối hợp hành động giữa hai tiến trình sẽ mang lại hiệu lực và hiệu quả cao hơn.

Nhìn dưới một lăng kính rộng lớn hơn, năm nay, các quan chức cao cấp APEC sẽ bắt đầu thảo luận về việc định hình tầm nhìn cho APEC sau năm 2020. Chúng tôi rất hoan nghênh các đề xuất và ý tưởng từ tiến trình tài chính. Tôi xin mời các quý vị đóng góp vào các cuộc thảo luận này để góp phần vào việc hình thành tầm nhìn cho APEC, để xây dựng một quan hệ đối tác châu Á – Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ XXI.

Với ý nghĩa đó, tôi mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với tiến trình các Bộ trường Tài chính APEC để thúc đẩy cách tiếp cận nhất quán của APEC trong xử lý các thách thức hiện nay, bao gồm vấn đề bất bình đẳng, bảo đảm tăng trưởng bao trùm và ứng phó với tâm lý chống toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại.

Hơn lúc nào hết, APEC cần gửi một thông điệp mạnh mẽ khẳng định quyết tâm tiếp tục mở cửa thị trường và tăng cường liên kết kinh tế. Chúng ta cũng cần làm cho công chúng hiểu rõ hơn về những lợi ích của toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư.

Một lần nữa tôi chân thành cảm ơn Ngài Chủ tịch đã mời tôi tham dự Hội nghị hôm nay. Tôi tin tưởng chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác trong thời gian tới.

Xin cảm ơn./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực