Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hành chính công

Thứ sáu, 18/08/2017 15:50
(ĐCSVN) - Sáng 18/8, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Hành chính công.
Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công Trần Thị Quốc Khánh trình bày dự thảo.
 Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

Trình bày Tờ trình về việc xây dựng dự án Luật hành chính công, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh - Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật cho biết, dự thảo Luật Hành chính công được xây dựng nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng và các Nghị quyết hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 4 và thứ 5 (Khóa 12); cụ thể hóa các nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013 về quản lý hành chính nhà nước và cung cấp dịch vụ công. Đồng thời, xác định rõ mối quan hệ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hành chính công; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính; xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, công khai, minh bạch, có hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở để Nhân dân kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động hành chính công, góp phần hội nhập quốc tế, phòng chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trên cơ sở đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực mối quan hệ giữa nhà nước và công dân.

Theo đó, Luật này gồm 7 Chương, 54 điều, quy định về hành chính công gồm: nguyên tắc chung của hành chính công, thủ tục hành chính, quản lý dịch vụ công và cung ứng dịch vụ hành chính công, chính phủ điện tử trong hành chính công, kiểm soát hành chính công, mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện hành chính công.

Tại phiên họp, các ý kiến đánh giá đây là dự án Luật rất khó, phạm vi tác động rộng, liên quan đến toàn bộ nền hành chính Nhà nước. Trong thời gian ngắn, Ban soạn thảo dự án Luật đã hoàn thành được khối lượng công việc rất lớn, tiến hành rất nhiều hoạt động phục vụ việc soạn thảo. Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận và trân trọng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo chưa lý giải, làm rõ được với những nội dung điều chỉnh trong dự thảo Luật thì sẽ giải quyết được thiếu sót, bất cập, cụ thể nào của nền hành chính nước ta hiện nay. Do đó, chưa làm nổi bật được sự khác biệt giữa việc có Luật Hành chính công với việc không có luật này. Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc về sự cần thiết ban hành dự án Luật Hành chính công để tránh chồng chéo, trùng lặp về nội dung và phạm vi điều chỉnh với các văn bản luật hiện hành./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực