Tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán

Thứ hai, 12/08/2019 15:03
(ĐCSVN) – Quy định để tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là một trong những vấn đề lớn nhận được sự quan tâm của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.
Phiên họp thứ 36 của UBTVQH (Ảnh: quochoi.vn)

Sáng ngày 12/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp thứ 36.

Quy định để tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán

Ngay sau khai mạc, UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Thảo luận về dự luật này, một trong những vấn đề lớn nhận được sự quan tâm là quy định để tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Đây cũng chính là một trọng tám vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, khi thảo luận về dự án luật này, có ý kiến đề nghị quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc cung cấp, kế thừa kết quả kiểm toán, thanh tra. Bổ sung quy định để giải quyết chồng chéo giữa thanh tra chuyên ngành của các Bộ, ngành và KTNN.

Theo ông Nguyễn Đức Hải, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng đây là vấn đề trọng tâm đặt ra yêu cầu sửa Luật KTNN nêu rõ trong Nghị quyết 18-NQ/TW đồng thời hiện nay, việc chồng chéo giữa thanh tra các cấp và KTNN vẫn diễn ra, chưa khắc phục được. Các quy định trong dự thảo luật còn chung chung, chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là để khắc phục tình trạng chồng chéo giữa KTNN với thanh tra chuyên ngành của các bộ và thanh tra địa phương.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Đức Hải, dự thảo luật cần quy định rõ nguyên tắc phối hợp để tránh chồng chéo trong lập kế hoạch; nguyên tắc, cách thức xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và kế thừa kết quả của nhau giữa KTNN và thanh tra các cấp.

Giải trình làm rõ thêm tại phiên họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, KTNN và Thanh tra Chính phủ đã ký kết và thực hiện Quy chế phối hợp, những nội dung đề xuất trong dự thảo luật đã bảo đảm xử lý chồng chéo giữa thanh tra và KTNN. Vì vậy, theo ông, chỉ cần sự phối hợp chặt chẽ giữa KTNN với Thanh tra Chính phủ sẽ tránh được chồng chéo. “Lâu nay chúng tôi thực hiện phối hợp rất tốt, ví như vừa qua kiểm toán định kiểm toán thiết bị y tế và thuốc trong lĩnh vực y tế nhưng vì vấn đề này đã có trong kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ nên kiểm toán xin rút không kiểm toán nữa”” – Tổng KTNN phát biểu.

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đặt vấn đề: KTNN và Thanh tra Chính phủ thống nhất với nhau trong phối hợp vậy khi có sự chồng chéo ai là người điều hòa để cả 2 cơ quan đều thực hiện được nhiệm vụ theo luật giao?. Bà cũng đề nghị khi có sự chồng chéo mà lãnh đạo hai ngành không thống nhất được thì cần báo cáo UBTVQH.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, để xử lý tránh chồng chéo cần lấy kế hoạch kiểm toán được Quốc hội thông qua hàng năm làm chuẩn, để từ đó các cơ quan phải căn cứ vào kế hoạch kiểm toán được Quốc hội thông qua để có kế hoạch thanh tra trong lĩnh vực của mình để tránh chồng chéo với kiểm toán. Bà lưu ý, cần quy định trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi vào thanh tra, kiểm toán cùng một nội dung mà không phát hiện được sai phạm nhưng về sau cơ quan điều tra vào cuộc lại phát hiện ra sai phạm. Bên cạnh đó cũng cần phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực kiểm toán để công khai minh bạch, nghĩa là chống tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, hàng năm kế hoạch kiểm toán đều được Quốc hội thông qua, và nghị quyết của Quốc hội là cơ sở pháp lý quan trọng do đó các đơn vị khác cần căn cứ vào kế hoạch để có kế hoạch thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo với những nội dung kiểm toán đang làm.

Bổ sung dự toán ngân sách 225.000 USD cho Hà Tĩnh, Quảng Bình

Cũng trong sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho 02 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Theo Tờ trình của Chính phủ, khoản tiền 225.000 USD là khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Cô-Oét cho tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình dùng để khắc phục hậu quả thiên tai nói chung, không hỗ trợ cho chương trình, dự án cụ thể. Do vậy, để đảm bảo chuyển đúng cho địa phương số vốn viện trợ (bằng ngoại tệ) đã tiếp nhận về ngân sách trung ương, ngân sách trung ương không chịu rủi ro tỷ giá, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán nguồn viện trợ nước ngoài không hoàn lại năm 2019 trị giá 125.000 USD cho tỉnh Hà Tĩnh và 100.000 USD cho tỉnh Quảng Bình (tỷ giá hạch toán thu viện trợ và chi ngân sách trung ương là tỷ giá hạch toán ngân sách tại thời điểm chuyển tiền cho địa phương).

Thẩm tra Tờ trình, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, đây là khoản viện trợ không hoàn lại nên việc bổ sung dự toán sẽ không ảnh hưởng đến nợ công và bội chi NSNN năm 2019 đã được Quốc hội quyết định. Căn cứ khoản 8, Điều 19 của Luật NSNN , việc bổ sung dự toán chi sự nghiệp cho tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Theo cơ quan thẩm tra, tổng số tiền viện trợ không hoàn lại 225.000 USD của Chính phủ Cô-Oét đã được chuyển vào ngân sách trung ương từ năm 2018, tuy nhiên, đến nay Chính phủ mới báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội bổ sung dự toán NSNN năm 2019 là rất chậm, trong khi việc khắc phục hậu quả thiên tai cho các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình là hết sức cần thiết và cấp bách.

Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí với Tờ trình của Chính phủ  và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị “Chính phủ cần rút kinh nghiệm và báo cáo rõ trách nhiệm trong quản lý Nhà nước khi để xảy ra việc chậm phân bổ khi giao dự toán ngân sách năm 2019 cho tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình để khắc phục hậu quả do thiên tai./.

Phát biểu khai mạc phiên họp 36, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã biểu dương Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chỉ đạo phục vụ phiên họp của UBTVQH theo đúng tinh thần bảo vệ môi trường. Theo đó, từ nay Quốc hội sẽ hạn chế sử dụng đồ nhựa sử dụng một lần, các phiên họp của UBTVQH không còn việc sử dụng chai nhựa.

 

 

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực