Tranh cãi về “Trường quốc tế”

Thứ ba, 13/08/2019 10:35
(ĐCSVN)- Trong những ngày vừa qua, dư luận xã hội và đặc biệt là các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm đến vụ việc em học sinh lớp 1 của Trường phổ thông Gateway tử vong vì bị để quên trên xe ô tô trong thời tiết nắng nóng. Người ta bắt đầu đặt ra một loạt các câu hỏi xoay quanh tiêu chí về “trường quốc tế” ?

Vậy thì khái niệm trường quốc tế là gì? nó là một danh xưng hay là một quy định bắt buộc khi đặt tên trường của các tổ chức giáo dục có yếu tố nước ngoài hay tổ chức giáo dục áp dụng quy chuẩn và chương trình giáo dục nước ngoài?

Có rất nhiều các phát biểu của những người có trách nhiệm đang công tác trong ngành giáo dục kể từ khi sự cố cháu bé tử vong tại trường Gateway trên địa bàn quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Từ những phát biểu này người ta bắt đầu xem xét về góc độ pháp lý của cụm từ "quốc tế" thường được gắn liên với tên các trường có yếu tố nước ngoài trong ngành giáo dục.

Trường Gateway. Ảnh: gateway.edu.vn

Một trong những phát biểu đang được quan tâm nhiều đó là phát biểu của Trưởng Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy khi vị này cho rằng, trên địa bàn quận Cầu Giấy không có “trường quốc tế” mà chỉ có Trường tiểu học Gateway, như vậy là phát biểu đó gián tiếp khẳng định trường Gateway không phải là trường quốc tế trong khi mọi người và đặc biệt là các phụ huynh vẫn đang hiểu rằng Gateway là "trường quốc tế". Sự việc này đã tạo nên sự bàn luận thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Cụm từ “trường quốc tế” đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu, gắn liền với việc dạy học cho các con em cán bộ ngoại giao của các nước đến làm việc tại Việt Nam, điển hình là Trường quốc tế UNIS. Trường UNIS là trường được thành lập bởi sự hỗ trợ của chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Chính phủ Việt Nam, học sinh theo học tại trường UNIS chủ yếu là học sinh người nước ngoài có bố mẹ làm việc trong các cơ quan ngoại giao của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Một phần là kinh phí chi trả cho con em theo học rất cao mà chỉ có người nước ngoài mới có thể chi trả được. Một phần cũng là do ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh nên học sinh người Việt Nam theo học trường này cũng khá khó khăn về ngôn ngữ ban đầu.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam phát triển khá nhanh, nhiều gia đình có điều kiện khá giả về kinh tế đã gửi con em ra nước ngoài để học tập nhằm thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến của các nước phát triển. Điều này không chỉ tốn kém về tài chính mà còn khó khăn cho việc chăm sóc học sinh nếu gửi con em ra nước ngoài theo học. Vì thế, nắm bắt được nhu cầu của thị trường, nhiều nhà đầu tư đã thành lập và xây dựng các cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ nhu cầu học sinh là con em của các gia đình có điều kiện. Từ đó, nhiều ngôi trường “quốc tế” đã ra đời.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều trường quốc tế ra đời, như Trường quốc tế Nhật Bản (JIS); Trường phổ thông quốc tế Việt Nam (VIS); Trường quốc tế Hà Nội (HIS); Trường song ngữ quốc tế Hà Nội Academy, Trường phổ thông liên cấp quốc tế Việt Úc Hà Nội, Trường quốc tế Global, Trường quốc tế ParkCity (ISPH)…

Thế nhưng, cụm từ trường quốc tế vẫn còn xa lạ với phụ huynh, lý do đơn giản là học phí hàng tháng với các bậc phụ huynh quá cao, so với thu nhập bình quân của người Việt thì họ không thể đáp ứng được, nhưng cũng không ít các phụ huynh có đủ điều kiện cho con em theo học nhưng cũng khó có thể xếp nốt để con em được vào trường. Chính vì thế mà theo quy luật thị trường, có cầu thì có cung, các trường có vốn đầu tư mang cụm từ "quốc tế" được mọc lên để đáp ứng nguồn cung cho con em phụ huynh đang có nhu cầu. Chúng ta phông thể phủ nhận sự ra đời của các trường áp dụng mô hình giáo dục tiên tiến đã đem lại cho nên giáo dục Việt Nam sự đa dạng, kiến thức và nguồn tri thức tiên tiến của nhân loại được du nhập và áp dụng vào Việt Nam. Song, cũng nhiều ý kiến cho rằng, không ai công nhận hay cấp phép cho các trường sử dụng danh xưng “trường quốc tế”. Cũng vì điều này mà sau sự cố tại trường Gateway, nhiều cơ sở giáo dục khác cũng bị vạ lây bởi dư luận xã hội, đặc biệt là dư luận được tạo ra bởi “cộng đồng mạng” đang phát triển như vũ bão.

Một câu hỏi đặt ra là, việc đặt tên “trường quốc tế” cho một cơ sở giáo dục phổ thông dựa trên tiêu chí nào và có phải xin phép cơ quan nhà nước hay không? Để bàn luận về vấn đề này dưới góc độ luật pháp, chúng tôi đã có buổi trao đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Bách để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm.

Phóng viên (PV): Xin cảm ơn luật sư đã tham gia buổi phóng vấn của chúng tôi, Thưa Luật sư Nguyễn Hồng Bách, cụm từ “trường quốc tế” là danh từ được một số cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng mang tên trường của mình. Vậy xin được hỏi ông, trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành,  khái niệm“trường quốc tế” được quy định như thế nào?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Danh từ “trường quốc tế” không phải một thuật ngữ pháp lý mà danh từ này được sử dụng để chỉ dẫn về thương hiệu của cơ sở giáo dục, khẳng định chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục tại Việt Nam. Luật Giáo dục Việt Nam không có quy định về “trường quốc tế” như là một loại hình cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục phổ thông; cũng không có quy định nào xác định tiêu chí thế nào là trường quốc tế mà chúng ta chỉ quy định cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài và đó là một loại hình kinh doanh được nhà nước cho phép.

Do đó, tên “trường quốc tế” là cách đặt tên của một cơ sở giáo dục dựa trên những yếu tố cơ bản liên quan đến cơ sở giáo dục đó dựa trên: người học, người dạy, chương trình học, tiêu chuẩn và chất lượng dạy học cũng như tiêu chuẩn quản lý giáo dục của tổ chức giáo dục.

PV: Do pháp luật chưa có quy định hay tiêu chí về trường quốc tế, vậy theo ông thì hiểu thế nào là “trường quốc tế”?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Thực tế ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại hai mô hình “trường quốc tế”.

Mô hình thứ nhất là các trường học theo chương trình học áp dụng cho nhiều quốc gia của một hệ thống giáo dục, được thành lập để dạy học cho người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam. Mô hình trường này đáp ứng nhu cầu học tập của con em các nhà ngoại giao phải di chuyển và cư trú trên nhiều quốc gia khác nhau.

Mô hình thứ hai là các trường phổ thông trong hệ thống giáo dục quốc gia áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong dạy và học, với các đặc trưng sau: thứ nhất là về người học thì học sinh có thể có nhiều quốc tịch khác nhau; thứ hai là về giáo viên, trường có giáo viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau; thứ ba là về chương trình học, học sinh được học môn học đạt chuẩn do các trường quốc tế công nhận, theo chương trình hợp tác, liên kết giữa các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài; và thứ tư là đáp ứng các tiêu chuẩn, chuẩn mực về quản lý giáo dục, chăm sóc học sinh theo tiêu chuẩn của các trường quốc tế đang thực hiện.

Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có một số cơ sở giáo dục có các tiêu chí này. Chẳng hạn như trường hợp của Trường phổ thông quốc tế liên cấp Việt Úc Hà Nội, là cơ sở giáo dục được Hội đồng khảo thí Đại học Cambridge công nhận là Trường đối tác của Hội đồng khảo thí tiếng Anh, Đại học Cambridge và cấp mã số riêng. Cơ sở giáo dục này dạy tiếng Anh cho học sinh với tính chất là ngôn ngữ thứ nhất; dạy một số môn học phổ biến ở nước ngoài và có đến gần 30 giáo viên đến từ các nước trong khối Liên hiệp Anh.

Như tôi đã nói ở trên, danh từ “trường quốc tế” đang được sử dụng để mô tả những tiêu chuẩn giáo dục căn bản của mình và việc sử dụng danh từ này là phù hợp với thực tế.

PV: Sau sự cố xảy ra tại Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway, một số ý kiến cho rằng, việc đặt tên trường có gắn với chữ “quốc tế” khi không được cơ quan nhà nước công nhận là không đúng pháp luật. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa Luật sư Nguyễn Hồng Bách?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Như pháp luật về doanh nghiệp, tên trường cũng giống như tên doanh nghiệp phải được đặt tên không trái với thuần phong mỹ tục và không vi phạm điều cấm của pháp luật.

Theo hướng dẫn của Bộ giáo dục và Đào tạo, trước tên trường phải có yếu tố gắn liền với cấp học như “tiểu học”, “trung học cơ sở” “trung học phổ thông”. Ngoài ra, các thành phần khác trong tên trường là tùy nghi. Do đó, các cơ sở giáo dục có sử dụng danh từ “quốc tế” trong tên trường không phải xin phép riêng, nên không thể coi việc sử dụng tên trường như thế là trái pháp luật.

Còn việc sử dụng danh từ “trường quốc tế” nhưng không đáp ứng được các tiêu chuẩn, chất lượng về chương trình học, giáo viên, tiêu chuẩn quản trị trường ở chuẩn mực cao, được công nhận bởi hệ thống giáo dục có uy tín trên thế giới thì cũng không bị coi là “vi phạm pháp luật” mà đó là vấn đề uy tín với khách hàng, với người học; sẽ bị đánh giá tiêu cực dưới góc độ uy tín, đạo đức và trách nhiệm dân sự với khách hàng.

PV: Theo Luật sư, việc đặt tên “trường quốc tế” của một số cơ sở giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện nay có phù hợp với thực tế phát triển của các cơ sở giáo dục phổ thông hay không?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Như tôi đã nói ở trên, tên một cơ sở giáo dục là một danh từ định danh mà chủ cơ sở giáo dục đó muốn gửi thông điệp để cho công chúng hiểu rõ hơn về các vấn đề như mục tiêu giáo dục, chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục đó. Ở góc độ này có thể hiểu, tên trường mang bản chất thương hiệu dịch vụ chứ không mang bản chất pháp lý về loại hình giáo dục trong hệ thống giáo dục phổ thông.

Trước đây, ở Hà Nội có ít, thậm chí chỉ có 1 trường quốc tế gắn liền với việc chăm sóc và dạy học cho con em các nhà ngoại giao và người nước ngoài ở Thủ đô. Do vậy, trường quốc tế được hiểu là trường dành cho học sinh đến từ nhiều quốc gia; dạy học theo chương trình quốc tế và sử dụng tiếng nước ngoài.

Ngày nay, khái niệm trường quốc tế đã mở rộng hơn rất nhiều, do quá trình xã hội hóa giáo dục và dựa trên nền tảng hợp tác giáo dục giữa các nhà đầu tư trong nước với các cơ sở giáo dục nước ngoài.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp khối tư nhân đã đầu tư phát triển hệ thống các trường phổ thông tư thục có hợp tác với nước ngoài về mọi mặt, từ vốn đầu tư đến chương trình học và giáo viên để đưa chất lượng dạy học lên một chuẩn mực mới, được các cơ sở giáo dục tầm quốc tế công nhận.

Do sự mở rộng trong hợp tác giáo dục nên khái niệm trường quốc tế cũng phải được hiểu rộng ra, phù hợp với thực tiễn phát triển của nền giáo dục nước ta hiện nay và tương lai.

Do đó, các cơ sở giáo dục có hợp tác quốc tế trong việc dạy học và áp dụng tiêu chuẩn, chất lượng dạy học theo tiêu chuẩn giáo dục nước ngoài hoặc tiêu chuẩn quốc tế thì họ có sử dụng tên “trường quốc tế” cũng là phù hợp với xu thế phát triển giáo dục. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tránh sự lạm dụng giữa bản chất và hình thức để không làm mất niềm tin của phụ huynh vào hệ thống giáo dục tiên tiến mang tên trường quốc tế!

PV: Xin cảm ơn Luật sư!

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực