Tinh giản biên chế - Việc không thể không làm

Thứ năm, 28/09/2017 10:44
(ĐCSVN) – Ai cũng nói rất hay về đổi mới tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, một viễn cảnh “tươi đẹp” làm nức lòng bao người. Tuy nhiên khi đề cập đến mình thì ôi thôi “giảm đâu thì giảm, đừng giảm chỗ tôi”. Chính vì thế đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế dù đã thực hiện nhiều năm vẫn luôn là “bài toán khó” chưa có đáp số.

Bài 1: Quyết giảm nhưng lại cứ… tăng

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Dân trí)

Quá nhiều bất cập

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới hơn 11 triệu người.

Nước ta là vậy, nhìn ra bên ngoài chúng ta thấy, nước Mỹ có diện tích lớn xấp xỉ 30 lần nước ta, dân số gần gấp 4 lần, nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2,1 triệu. Nhìn sang Trung Quốc thì chúng ta thấy đội ngũ công chức của họ cũng chỉ chiếm 2,8% dân số. Như vậy, 160 người dân Mỹ chỉ nuôi một công chức, trong khi đó 40 người dân Việt Nam phải nuôi một công chức…

Điều đáng nói nữa là tuy đã rất đông nhưng số lượng cứ càng ngày càng “giãn nở”. Tính đến hết năm 2016, tổng số lượng người làm việc vượt biên chế tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 3.137 người (vượt 3,5%), còn tại các cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 1.234 người (vượt 8,6%). Đặc biệt, tính riêng theo từng cơ quan, vẫn còn 7 bộ sử dụng quá số biên chế được giao ở các tổng cục; 14 bộ, cơ quan ngang bộ sử dụng quá số biên chế được giao ở các vụ, cục. Có những bộ sử dụng vượt với tỷ lệ rất cao từ 1/3 - 1/2 số biên chế được giao, như các tổng cục thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư sử dụng vượt 1.936/5.998 biên chế (vượt 32,28%). Các tổng cục thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng vượt 141/309 biên chế (vượt 45,63%).

Không chỉ “giãn” về số lượng mà còn “giãn” cả về lãnh đạo. Ghi nhận của cơ quan giám sát thuộc Quốc hội, giai đoạn 2011 - 2016, Bộ Công Thương có tỷ lệ lãnh đạo/công chức là 3/4, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ là 3/5… Nhiều bộ, ngành cùng chung cảnh số cán bộ quản lý cấp cục, vụ vượt quá quy định; cơ cấu tổ chức còn cồng kềnh tạo ra rất nhiều tầng nấc; số đầu mối đơn vị hành chính tăng lên. Đến tháng 12/2016, tỷ lệ cục, tổng cục so với tổng số vụ và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ trung bình là 50%, trong đó có 8 bộ có tỷ lệ trên 50%.

Đáng chú ý, xu hướng nâng cấp vụ lên cục diễn ra nhanh ở nhiều bộ. Có đến 29 cục được thành lập trong thời gian này, trong đó có những bộ tăng nhiều như: Bộ Công an tăng 7 cục, Bộ Tư pháp tăng 4 cục... So sánh thời điểm năm 2011 với tháng 12/2016, tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, số công chức giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên (gồm cả hàm) tăng từ 12.216 lên 13.556, tỷ lệ từ 1/6 lên 1/5. Tương tự ở các vụ, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tăng từ 3.871 lên 4.619, tỷ lệ là 1/2 và 4/7. Ngoài cơ cấu “cứng” kể trên, còn có số lượng rất lớn các cơ quan, tổ chức thuộc cơ cấu “mềm”. Thống kê cho thấy, có tới 92 cơ quan, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập, 123 Ban Chỉ đạo liên ngành.

Vì quá nhiều cơ quan lãnh đạo nên hệ quả tất yếu là, bộ nào cũng nói đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, khẳng định việc quản lý đa ngành, đa lĩnh vực không có khó khăn gì nhưng thực tế, nhiều lĩnh vực vẫn giao thoa, chồng chéo hoặc thậm chí bị bỏ trống. Vậy là nguyên tắc được Đảng đề ra “một cơ quan làm nhiều việc nhưng một việc chỉ do một cơ quan chịu trách nhiệm chính” đã không được chấp hành nghiêm. Trong khi đó, trách nhiệm cá nhân, kể cả cá nhân người đứng đầu chưa rõ ràng nên khi có việc gì xảy ra thì không rõ trách nhiệm, bộ này đùn đẩy cho bộ kia.

Mặt khác, cũng vì không phân định rõ chức năng, nhiệm vụ nên bộ nào cũng muốn có “chân rết” ở địa phương, xem đó là cánh tay nối dài trong quản lý nhà nước. “Chùm rễ” của các bộ, ngành ở địa phương là cực kỳ lớn, lùng nhùng và kém hiệu quả. “Chúng tôi đi giám sát, lãnh đạo một số địa phương nói, có những đơn vị mà bản thân họ cũng không hiểu rõ là tồn tại để làm gì. Ví dụ trong lĩnh vực y tế, Sở Y tế quản lý cả y tế dự phòng huyện, quản lý cả bệnh viện huyện, kế hoạch hóa gia đình, dân số và y tế xã nhưng xuống cấp huyện vẫn có cả Phòng Y tế huyện, lại có cả Trung tâm Y tế dự phòng… ”. Nhấn mạnh điều này, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội  Phan Trung Lý chỉ rõ, trước đây, chúng ta đánh giá tổ chức bộ máy nhà nước “cồng kềnh, kém hiệu quả” nhưng bây giờ, phải là “rất cồng kềnh, không hiệu quả và còn rườm rà”. Quan điểm, chủ trương đổi mới, cải cách của Đảng đã chưa được chấp hành đầy đủ và rất lúng túng khi thực hiện.

Trung ương đã thế, vậy địa phương thì sao? Dân gian đại ý có câu “trên làm sao, dưới làm vậy”. Theo báo cáo của Chính phủ, hiện có 31/63 tỉnh, thành sử dụng vượt tổng số 6.376 biên chế tại các đơn vị hành chính thuộc cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong đó, có nhiều tỉnh, thành phố vượt với tỷ lệ rất cao như: Thành phố Hồ Chí Minh vượt 1.434/4.822; Hải Phòng vượt trên 19%, Khánh Hòa tới 45,68%, Bạc Liêu đến 51,46%...

Chưa hết, giai đoạn từ năm 2015 đến ngày 31/12/2016, mặc dù thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị nhưng số biên chế sự nghiệp vẫn tăng 5.401 người. Tổng số viên chức thực tế có vượt biên chế là 9.164 người. “Nghịch lý” nữa là theo số liệu tổng kết hai năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, số lượng người làm việc theo hợp đồng lao động ký theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ở các bộ, ngành, địa phương vượt chỉ tiêu được giao đến 45.152 người (tăng 56,75% so với năm 2015). Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương vẫn tiếp tục đề nghị bổ sung biên chế, như Bộ: Xây dựng, Tư pháp, Nông nghiệp…

Chưa tinh giản được số người yếu kém

Kết quả của Đoàn giám sát của Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước 2011 – 2016 cho thấy, từ khi triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP đến hết năm 2016, đa số các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế từ năm 2015 - 2021 và của từng năm, dẫn đến tình trạng đề xuất tinh giản biên chế không theo quy định (định kỳ hai lần/năm). Thậm chí, đến thời điểm 01/6/2017, vẫn còn 3 bộ, ngành và 22 địa phương chưa phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế từ năm 2015 đến năm 2021 và của từng năm.

Đối với những nơi đã tinh giản, tổng số đối tượng được tinh giản trong 2 năm thực hiện Nghị quyết 39 (2015 và 2016) là 17.694 người. Trong đó, các cơ quan của Đảng, đoàn thể là 731 người; các cơ quan hành chính là 2.253 người/tổng số 272.952 biên chế (đạt 0,83%); các đơn vị sự nghiệp công lập là 11.206 người/tổng số 2.093.313 biên chế (đạt 0,54%). Cá biệt ở một số bộ, số lượng tinh giản biên chế năm cao nhất mới đạt 41,51% chỉ tiêu tinh giản biên chế công chức và 17,24% chỉ tiêu tinh giản biên chế viên chức.

Bên cạnh đó thì đối tượng tinh giản được thống kê tập trung vào nhóm người nghỉ hưu trước tuổi (chiếm 90%), người hưởng chính sách thôi việc ngay hoặc hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước, hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học; chưa tinh giản được đúng đối tượng là người có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém, tức là con số 30% mà dư luận vẫn nói là số người “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Chuyện bộ máy hành chính cồng kềnh, các cơ quan nhà nước “phình” to khó kiểm soát cùng áp lực chi ngân sách đang là bài toán cần giải quyết. (Ảnh minh họa: TH)

Có lẽ cũng không cần phải nhắc lại bộ máy công chức của ta hiện nay cồng kềnh như thế nào và mỗi năm tiêu tốn bao nhiêu tiền bạc từ tiền thuế của dân mà chỉ xin trích lại câu nói của nguyên đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch: “Bộ máy lớn thế, dân nuôi sao nổi?”. Thật ra, câu nói này không mới. Cách đây hơn 700 năm, khi từ Yên Tử về kiểm tra triều chính, Đức vua Trần Nhân Tông đã quẳng cuốn sổ ghi danh sách quan chức mà thốt lên rằng “Quan đông thế này, dân nào nuôi nổi”.

Bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, năng lực cán bộ yếu, thậm chí không ít nơi còn hành dân nên trong dân gian, hệ thống hành chính nước nhà từ nhiều năm qua đã mang một “danh hiệu xấu hổ”: “Hành dân là chính!”.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trong quá trình làm việc với các địa phương có nhiều ý kiến khác nhau: “Tức là giảm đâu thì giảm, đừng giảm chỗ tôi”.

Rõ ràng là câu chuyện bộ máy hành chính cồng kềnh, các cơ quan nhà nước “phình” to khó kiểm soát cùng áp lực chi ngân sách đang là bài toán cần giải quyết. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính từng đưa ra số liệu: biên chế không giảm mà tăng, làm cho chi tiêu thường xuyên cũng tăng lên, con số tương đối là 62,3% năm 2015; 65,7% năm 2016 và dự kiến năm 2017 là 64,9%.

Riêng năm 2017, nếu tiết kiệm chi được 1%, có trên 10.000 tỷ và năm 2018, tiếp tục tiết kiệm chi 1%, ta có trên 10.000 tỷ nữa. Như vậy, có trên 20.000 tỷ đồng” – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đồng thời khẳng định: “Muốn làm việc này tôi nghĩ chúng ta phải giảm đầu mối và giảm biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị”.

Vấn đề sắp xếp lại bộ máy, giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã nhiều lần được nói tới. Tuy nhiên, qua 4 lần cải cách, số cán bộ công chức không những không giảm mà còn “phình” to hơn. Chẳng lẽ chúng ta bó tay? Nhiều người được hỏi là liệu có thể giảm biên chế được không, họ đều nói là không thể giảm được! Họ cho biết, chỉ có một cách thôi. Đó là bỏ hẳn biên chế đi và chuyển sang chế độ hợp đồng lao động. Công chức suốt đời sẽ là vật cản cho phát triển.

Với kết quả trên cho thấy, nhận thức và thực hiện về việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản bộ máy còn rất hạn chế, chưa đạt mục tiêu đề ra. Cho nên, có thể nói, với cách hô hào, cách làm về tinh giản biên chế như nhiều năm qua, quả thật là... vô vọng./.

Nguyễn Minh, Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực