Tìm giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu

Thứ hai, 23/04/2018 17:34
(ĐCSVN) - Ngày 23/4, Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu đã diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Tham dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia kinh tế, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước.  

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là một Hội nghị quan trọng vì lâu rồi chưa có một Hội nghị toàn quốc để bàn về các giải pháp căn cơ hơn, tháo gỡ những khó khăn trong xuất khẩu. Thủ tướng khẳng định, không có nước nào trên thế giới trở thành nước có thu nhập cao mà không có xuất khẩu. Vì vậy, cần nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường quốc tế, nhìn vào thị trường toàn cầu để thúc đẩy phát triển. Thủ tướng đánh giá, nhiều doanh nghiệp, địa phương đã ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất, kinh doanh của mình. Thủ tục hành chính trong xuất, nhập khẩu nhìn chung có cải thiện hơn trước, tiến tới một cửa ASEAN. Song, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, thủ tục hành chính cần phải hội nhập quốc tế và cải thiện mạnh mẽ hơn nữa.

Thủ tướng nêu 5 vấn đề để đại diện các bộ, ngành và các doanh nghiệp, Hiệp hội tham khảo và suy nghĩ: Một là, làm sao để có thể tăng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, từ đó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hai là, chỉ ra và loại bỏ những nút thắt trong xuất khẩu; tìm hiểu có bao nhiêu rào cản. Ba là, làm sao để doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thông tin thị trường, dự báo những cơ hội, rủi ro. Thủ tướng đặt ra câu hỏi: các cơ quan ngoại giao cần làm gì, vai trò của tham tán thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… trong bối cảnh hiện nay ra sao để tăng cường tính chủ động. Bốn là, tiếp tục phát triển thị trường, tạo cầu cho phát triển hàng hóa như thế nào khi đã có lợi thế từ các Hiệp định FTA. Năm là, đề xuất những chiến lược quốc gia để đẩy mạnh xuất khẩu có hệ thống hơn, bài bản hơn.

Thủ tướng chỉ đạo, các đại biểu tham dự Hội nghị nêu ý kiến đúng, trúng vào những vấn đề cốt lõi nhất của xuất khẩu hiện nay, nêu rõ vướng mắc gì về thuế, hải quan, thị trường, mẫu mã, bao bì, chất lượng sản phẩm…. Theo đó, phải phát biểu thẳng thắn, nói lên những kiềm chế của các mặt hàng, tập trung vào những giải pháp, không kể nhiều tình hình… Thủ tướng khẳng định rất muốn nghe những ý kiến tâm huyết của địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cụ thể, những khó khăn, tồn tại, những giải pháp tăng nhanh xuất khẩu nhưng phải bền vững.

Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị

Đánh giá về hoạt động xuất khẩu hàng hóa năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, xuất khẩu tăng mạnh về quy mô, lần đầu tiên vượt mốc 200 tỷ USD. So với quy mô xuất khẩu năm 2011 (96,9 tỷ USD), thời điểm bắt đầu thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, xuất khẩu sau 7 năm đã bằng 2,21 lần. Tốc độ tăng xuất khẩu bình quân đạt 12%/năm. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trong năm 2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của xuất khẩu hiện nay là sự dịch chuyển từ dựa mạnh vào dầu thô sang dựa mạnh vào nhóm hàng điện tử (chiếm tới 33% tổng kim ngạch xuất khẩu). Nếu không tính 2 mặt hàng là điện thoại và máy vi tính, linh kiện điện tử, tăng trưởng xuất khẩu cả nước năm 2017 chỉ đạt 15,8%. Bên cạnh đó, xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cụ thể là khối FDI vẫn chiếm trên 70% xuất khẩu. Mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản chưa cao, cụ thể là còn phụ thuộc nhiều vào khu vực châu Á (chiếm tới 52,7%). Đặc biệt, một số mặt hàng phụ thuộc vào một thị trường duy nhất (sắn, cao su, thanh long,…). Sản xuất một số mặt hàng nông, thủy sản còn manh mún, tự phát, dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung dành cho xuất khẩu...

Để chuẩn bị cho Hội nghị này, Bộ Công Thương đã trao đổi với các bộ, ngành, địa phương liên quan đánh giá về tình hình xuất khẩu năm 2017; năng lực sản xuất và khả năng xuất khẩu năm 2018; đồng thời đề xuất giải pháp để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Bộ Công Thương cũng đã tổ chức 2 buổi làm việc với các Hiệp hội ngành hàng (nhóm nông, thủy sản và nhóm công nghiệp chế biến) ngay trong tháng 4 năm 2018 để nắm bắt tình hình sản xuất - xuất khẩu, khó khăn, vướng mắc cũng như những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp./.

 

Tin, ảnh: Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực