"Tiền đi vay phải trả nên phải sử dụng rất trân trọng”

Thứ ba, 23/10/2018 21:31
(ĐCSVN) – “Khi đầu tư nguồn lực thì phải hết sức chú trọng, với những công trình thất thoát, hư hỏng phải xử lý nghiêm để gây dựng niềm tin trong xã hội. Bởi suy cho cùng tiền đầu tư là tiền thuế của người dân, dù đi vay thì thế hệ sau cũng phải trả, nên phải sử dụng rất trân trọng” – đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) phát biểu.

Chiều 23/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 -2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017. Đánh giá giữa kỳ về việc thực hiện: kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.


 Đoàn ĐBQH Tp Hà Nội thảo luận tại tổ. Ảnh: KT

Xem xét trách nhiệm của cơ quan thực thi chính sách ở cấp cơ sở

Thảo luận tại tổ, đa số ý kiến đại biểu bày tỏ nhất trí với những nội dung được nêu tại các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) đánh giá các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt được nêu trong báo cáo của Chính phủ rất khả quan. “Các tiềm năng về kinh tế 3 năm qua tăng đều, các chỉ số kinh tế vĩ mô tương đối tốt, từ đó có thể đưa ra dự báo những mục tiêu đến năm 2020 sẽ không khó khăn để đạt được” – đại biểu bày tỏ lạc quan.

Tuy nhiên, theo đại biểu, cũng cần nhìn lại nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề liên quan đến mô hình tăng trưởng. Trong đó, chúng ta nhìn thấy tốc độ tăng năng suất lao động thấp hơn so với tốc độ tăng GDP. Nguyên nhân chính là hoạt động kinh tế đang nằm ở khu vực sản xuất có giá trị thấp, phần lớn kinh tế phụ thuộc vào công nghiệp chế tạo chế biến, nằm ở khu vực gia công có giá trị gia tăng thấp. “Nếu cứ dừng lại ở những lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp thế này thì khó để năng suất lao động tăng hơn. Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là phải nghĩ tới cơ cấu nền kinh tế theo hướng làm sao thu hút đầu tư ở những lĩnh vực có giá trị gia tăng nhiều hơn” – đại biểu kiến nghị.

Đề cập tới việc tiết kiệm trong chi thường xuyên, đại biểu cho rằng kết quả đạt được là đáng mừng nhưng chi thường xuyên vẫn rất lớn, tiết kiệm trong chi thường xuyên chưa đáng kể, hiệu quả chi thường xuyên chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra. Theo đại biểu, nếu cứ tiếp tục duy trì phân bổ như hiện nay thì không bao giờ giảm được mức chi thường xuyên xuống để đảm bảo chi đúng, chi đủ, chi hiệu quả. Vì vậy, đại biểu nhấn mạnh: “Thời gian tới cần tính phân bổ lại theo chỉ tiêu đầu ra chứ không phải theo nhu cầu như hiện nay. Việc này không đơn giản nhưng nếu không hành động ngay hôm nay thì chắc chắn kế hoạch ngân sách tài chính 2021-2025 không được thực hiện tốt. Để thay đổi được cách lập kế hoạch ngân sách giai đoạn 2021-2025 thì ngay từ năm 2019 phải tính xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách theo chỉ tiêu đầu ra”.

Nhấn mạnh thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đạt được do nhiều nguyên nhân, đại biểu cho rằng trong đó có một nguyên nhân lớn là tạo lập môi trường kinh doanh, Chính phủ đã cương quyết cắt giảm điều kiện kinh doanh... Có điều, những việc thay đổi đó mới dừng lại ở Trung ương, còn gặp vấn đề trong việc xuống địa phương, các cơ sở, bộ phận tiếp xúc trực tiếp với người dân. Do đó, theo đại biểu, thời gian tới cần tăng cường hơn nữa việc truy cứu trách nhiệm, xem xét trách nhiệm của cơ quan thực thi chính sách ở cấp dưới, cơ sở.

Phát biểu tại tổ, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) cũng bày tỏ băn khoăn về nhiều vấn đề.

Theo đại biểu, vẫn có nhiều quy định pháp luật còn “trói”, gây khó dễ cho nhân dân. Đại biểu cho rằng, vấn đề là cứ mở luật này ra thì lại xuất hiện luật khác mâu thuẫn. Thậm chí, có đạo luật ra đời cảm tưởng như chặt chẽ, ngay cả Luật Đầu tư công thì vẫn có nhiều người kêu. “Ta vẫn tự hào đột phá trong xây dựng thể chế quản lý đầu tư công nhưng khắp nơi kêu. Còn đầu tư xây dựng cơ bản thì nhiều công trình chất lượng kém nhưng quy trình để ra được thủ tục hành chính cho công trình lại rất phức tạp. Chúng ta phải trả lời câu hỏi tại sao công nghệ ngày càng cao, con người ngày càng thông minh, vật liệu công trình càng tốt mà tuổi thọ công trình ngắn?” – đại biểu bày tỏ.

Đại biểu cũng lo ngại khi việc đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, đời sống còn chậm, dẫn đến mất nhiều cơ hội. Bên cạnh việc chậm ứng dụng trong nước, thì việc nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu, phế liệu ô nhiễm môi trường vẫn đang diễn ra quan ngại. Việc này ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển, việc vươn lên của Việt Nam.

Ngoài ra, vấn đề đáng quan tâm khác là đạo đức xã hội, văn hóa xã hội làm nhiều người bất an. “Giá trị kinh tế dù đạt bao nhiêu nhưng quay lại giá trị văn hóa truyền thống cũng cảm thấy bất an thì đây là vấn đề cần quan tâm” – đại biểu nói.

Chính phủ cần đưa ra cam kết “với đồng tiền đấy sẽ đem lại điều gì”

Trong khi đó, đề cập đến khía cạnh khác, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu rõ, việc xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn là một thay đổi quan trọng về phân bổ vốn đầu tư công, thay vì trao tiền mang tính ăn đong thì chuyển sang định hướng dài hạn, nhìn rõ nguồn lực nên có định hướng phù hợp.

Đánh giá về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn trong ba năm qua, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai tán thành với đánh giá của Chính phủ về những kết quả đạt được kết quả tích cực như: bức tranh đầu tư có nhiều điểm mới; kỷ luật, kỷ cương trong sử dụng vốn ngân sách được thắt chặt; nhiều công trình đưa vào sử dụng thay đổi bộ mặt địa phương, đất nước.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng đánh giá, ba năm là chặng đường không dài, nhưng đủ để nhìn về tồn tại, hạn chế, vướng mắc đặt ra. Trước hết, về tính tập trung của phân bổ nguồn lực, từ nghiên cứu và so sánh với kinh nghiệm một số nước, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, chưa ở đâu có cách phân bổ vốn đầu tư công như chúng ta, 63 tỉnh thành phố là 63 địa bàn có dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP). Trong cách phân bổ chúng ta hướng theo phân bổ vốn công bằng, song công bằng không có nghĩa cào bằng. Công bằng không có nghĩa dàn trải, chia đều. Nghị quyết 26 đặt ra định hướng đúng “đầu tư tập trung, tránh dàn trải”, tuy nhiên khi triển khai thực hiện thì cách phân bổ chưa đạt mục tiêu đó, mỗi tỉnh, thành phố đều có một dự án. “Công bằng hết sức cần thiết nhưng trong bối cảnh ngân sách khó khăn thì phải có sự ưu tiên cần thiết, có như vậy mới ngăn chặn sự dàn trải như thời gian qua” – đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu cũng bày tỏ trăn trở về hiệu quả sử dụng ngân sách. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết, về cơ bản vốn cho đầu tư phát triển là vốn đi vay, nhưng phân bổ lại chú trọng nhiều hơn ở cách chia tiền. Tức là đầu vào chú trọng nguồn lực ấy được phân bổ như thế nào. Tuy nhiên, đại biểu cho biết “nhiều năm qua, chúng tôi ở bộ phận thẩm tra nhận thấy, đến nay vẫn chưa có bức tranh tổng thể có bao nhiêu dự án được triển khai, bao nhiêu dự án đã hoàn thành, và trong các dự án đã hoàn thành đó có thể đánh giá với nguồn lực như vậy kết quả đạt được phải là gì".

Đại biểu cho rằng, một nguyên nhân cần đánh giá sâu sắc là tiêu chí đánh giá hiệu quả dự án. Theo đại biểu, trong hệ thống pháp luật của chúng ta hiện chưa có tiêu chí đầy đủ đánh giá hiệu quả dự án. Chúng ta phân bổ tập trung cho các mục tiêu, nhưng Chính phủ chưa đưa ra cam kết “với đồng tiền đấy sẽ đem lại điều gì”.

“Tôi mong rằng, trong lần phân bổ sắp đây, và cũng sớm thôi, vì theo Luật Đầu tư công thì năm 2019 đã bắt đầu tiến hành xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2021 – 2025, nếu Chính phủ không đưa ra cam kết với tổng nguồn lực ấy sẽ mang lại hiệu quả nào cả về kinh tế - xã hội, thì Quốc hội cần cân nhắc” – đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng đưa ra một vấn đề khác là chất lượng công trình, dự án là vấn đề nổi cộm. Gần nhất, báo chí đã đưa tin, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mới đưa vào sử dụng đã hỏng, VEC cho rằng do thời tiết, trời mưa gây bức xúc trong dư luận.Theo đại biểu, đây chỉ là một công trình nhìn thấy, còn bao nhiêu công trình chưa nhìn thấy liệu chất lượng có đảm bảo không, nhất là với công trình thuỷ lợi nạo vét dòng sông?.Đại biểu lưu ý “Khi đầu tư nguồn lực, thì phải hết sức chú trọng, với những công trình thất thoát, hư hỏng phải xử lý nghiêm để gây dựng niềm tin trong xã hội”. Bởi theo đại biểu Quốc hội, suy cho cùng tiền đầu tư là tiền thuế của người dân, dù đi vay thì thế hệ sau cũng phải trả, nên phải sử dụng rất trân trọng./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực