Thông xe toàn tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Chủ nhật, 02/09/2018 16:38
(ĐCSVN) – Việc thông xe tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại khu vực miền Trung; đặc biệt là tạo cơ hội mới để phát triển kinh tế toàn diện của các địa phương trong khu vực.

Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi vào hoạt động còn  tạo cơ hội để kết nối các trung tâm kinh tế, trong đó có Khu kinh tế Dung Quất, Khu kinh tế mở Chu Lai và các khu kinh tế, khu công nghiệp của TP Đà Nẵng, góp phần kết nối vận tải quốc tế của tam giác kinh tế Việt Nam - Lào - Camphuchia, nối hành lang Kinh tế Đông Tây với các tỉnh miền Trung Việt Nam.

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Lễ thông xe và đưa vào khai thác toàn tuyến Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (Km0+000 – Km139+204) diễn ra tại Trạm dừng nghỉ Tam Kỳ (Km67+100), thuộc thôn Đồng Hành, xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Chương trình do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi tổ chức vào sáng 2/9.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ (Ảnh: Đình Tăng)

Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực miền Trung do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư và quản lý khai thác. Theo Bộ GTVT, việc hoàn thành và đưa Dự án vào khai thác sẽ góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đồng thời đánh thức tiềm năng, thúc đẩy liên kết giao thương, rộng cửa phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên; góp phần cải thiện đời sống của người dân ở khu vực phía Tây TP.Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Dự án khởi công ngày 19/5/2013, đi qua địa phận các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng (7,9km), Quảng Nam (91,2km) và Quảng Ngãi (40,1km); với tổng chiều dài toàn tuyến là 139,204km, trong đó tuyến cao tốc có chiều dài 131,5km, đoạn nối tuyến cao tốc với Quốc lộ 1A có chiều dài 7,7km.

Dự án được chia thành 13 gói thầu xây lắp chính với tổng mức đầu tư là 34.516 tỷ VNĐ (tương đương 1.640,82 triệu USD); trong đó, vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 798,56 triệu USD (tương đương 16.799 tỷ VNĐ), vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) là 590,39 triệu USD(tương đương 12.419 tỷ VNĐ); công tác giải phóng mặt bằng, di dời công trình công cộng, rà phá bom mìn, thuế VAT, chi phí quản lý dự án… sử dụng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 5.298 tỷ VNĐ.

Ngày 02/8/2017, đoạn tuyến hợp phần JICA tài trợ (Km0+000 – Km65+000) Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã được thông xe và đưa vào khai thác. Sau 1 năm vận hành, tuyến đã phục vụ 720.000 lượt phương tiện an toàn và thông suốt (chưa kể 23.500 lượt phương tiện miễn phí).

Đoạn tuyến sử dụng nguồn vốn WB tài trợ chia thành 05 gói thầu xây lắp chính và 02 gói thầu phụ trợ, bao gồm các Gói thầu: A1, A2, A3, A4, A5, 14B1 và 14B2. Tổng chiều dài đoạn tuyến WB là 74,204km (Km65+000 – Km139+204), gồm 66,5km đường cao tốc (điểm đầu tại nút giao Tam Kỳ (Km65+000) và điểm cuối tại nút giao Quảng Ngãi (Km131+500)) và 7,7km nối với Quốc lộ 1A.

Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc loại A, quy mô giai đoạn 1 là 4 làn xe; tốc độ thiết kế 120km/h (đoạn đặc biệt khó khăn 100km/h); chiều rộng nền đường 24,25m, chiều rộng mặt đường 22,25m. Riêng đoạn tuyến nối với Quốc lộ 1A theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, nền đường rộng 12m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Trên toàn tuyến có 108 cầu với tổng chiều dài 11,665m và được bố trí 08 nút giao liên và 145 hầm chui dân sinh, 179 cống hộp thoát nước và 244 cống tròn; 08 trạm thu phí kín trên chính tuyến, 03 trạm dừng nghỉ; 02 trung tâm điều hành đường cao tốc (Túy Loan và Bắc Quảng Ngãi) và 08 văn phòng điều hành thu phí.

Tham gia thi công đoạn tuyến sử dụng nguồn vốn JICA tài trợ có 8 liên danh nhà thầu. Đoạn tuyến sử dụng nguồn vốn WB tài trợ, có 5 nhà thầu và liên danh nhà thầu tham gia thi công.

Thay mặt Chính phủ, phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi là dự án đường cao tốc đầu tiên tại miền Trung. Việc thông xe tuyến đường cao tốc này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại khu vực miền Trung; đặc biệt là tạo cơ hội mới để phát triển kinh tế toàn diện của các địa phương trong khu vực, trong đó có Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi; đồng thời tạo cơ hội để kết nối các trung tâm kinh tế, trong đó có Khu kinh tế Dung Quất, Khu kinh tế mở Chu Lai và các khu kinh tế, khu công nghiệp của TP.Đà Nẵng. Cùng với đó, với việc hoàn thành và thông xe toàn tuyến cao tốc này sẽ góp phần kết nối vận tải quốc tế của tam giác kinh tế: Việt Nam- Lào- Camphuchia, nối hành lang Kinh tế Đông Tây với các tỉnh miền Trung Việt Nam.

Cũng theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong điều kiện của miền Trung thường xuyên bị thiên tai, bão lũ, thì tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi vào hoạt động sẽ bảo đảm giao thông thông suốt, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân cũng như đảm bảo quá trình phát triển kinh tế được liên tục tại khu vực miền Trung nói chung và các địa phương mà Cao tốc đi qua nói riêng. Dự án cũng khẳng định quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy mạnh lộ trình nối thông tuyến cao tốc Bắc- Nam. Đây là tuyến đường huyết mạch, chiến lược góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Bộ GTVT, Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan, các chủ đầu tư, nhà thầu, nhà tư vấn, giám sát, thiết kế trong quá trình chỉ đạo, phối hợp thực hiện hiệu quá; đồng thời biểu dương sự chỉ đạo quyết liệt của các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Phó Thủ tướng cũng biểu dương, đánh giá cao sự vào cuộc, ủng hộ của người dân các địa phương trong việc thực hiện việc giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để xây dựng cao tốc này cũng như thực hiện quá trình tái định cư, đảm bảo cuộc sống ổn định người dân; biểu dương sự phấn đấu lao động không biết mệt mỏi của hàng ngàn kỹ sư, công nhân, lao động của các nhà thầu trên khắp các công trường của tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để hoàn thành công trình vào đúng dịp kỷ niệm ngày lễ trọng đại của dân tộc-  Quốc khánh 2/9.

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chân thành cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản; của Ngân hàng Thế giới đã tài trợ, cho vay vốn một cách chặt chẽ, có hiệu quả cho quá trình quản lý, đầu tư xây dựng công trình này, đảm bảo chống mất mát, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư, góp phấn phát triển bền vững.

“Chúng tôi luôn trân trọng và hứa sẽ quản lý chặt chẽ các nguồn vốn đầu tư xây dựng, trong đó có các nguồn vốn vay từ nước ngoài, trong đó có vốn vay của Nhật Bản, của Ngân hàng Thế giới để đảm bảo hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế- xã hội đất nước”- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết.

Cắt băng thông xe toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (Ảnh: Đình Tăng)

Để đảm bảo khai thác an toàn, hiệu quả toàn tuyến đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các công trình phụ trợ trên toàn tuyến, đảm bảo khi công trình hoạt động sẽ tạo ra sự đồng bộ và nâng cao hiệu quả sử dụng tuyến đường cao tốc này.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam thực hiện tốt các quy định của Nhà nước trong việc tổ chức quản lý, khai thác, bảo trì công trình; đảm bảo công trình được hoạt động bền vững; bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh, môi trường cũng như các yêu cầu về đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động của tuyến đường.

“Tôi yêu cầu UBND các địa phương: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, các quy hoạch ngành, lĩnh vực trên cơ sở tái cấu trúc lại nền kinh tế, các ngành, các sản phẩm, lĩnh vực kinh tế… gắn với điều kiện phát triển của khu vực, gắn với Chiến lược Biển Việt Nam, đặc biệt là gắn với hệ thống giao thông, hệ thống hạ tầng mới được đầu tư xây dựng để khai thác có hiệu quả nhất; trong đó cần quan tâm để quy hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, phát triển nông nghiệp, phát triển dịch vụ công nghiệp, du lịch gắn với điều kiện, lợi thế của khu vực, nhất là gắn với điều kiện biển và tự nhiên để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của mình. Trong thời gian tới phải phát triển du lịch vùng này thành động lực chính. Từ đó cần tập trung xây dựng các kế hoạch để thực hiện các quy hoạch; có lộ trình theo quy hoach của vùng ổn định, qua đó khắc phục tình trạng đầu tư tự phát, phong trào, dễ lãng phí, thất thoát tài sản, vốn của Nhà nước", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Các địa phương cũng phải phối hợp với Bộ GTVT, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam kịp thời xây dựng các công trình kết nối để khai thác, đảm bảo phát triển đồng bộ và hiệu quả.

Các cấp ủy, chính quyền của 3 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và các cơ quan liên quan tiếp tục quan tâm đến người dân, đặc biệt là những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, những hộ nghèo và những người dân trong vùng ảnh hưởng của dự án để phát triển cao tốc gắn liền với phát triển kinh tế-xã hội, gắn liền với việc nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các cơ quan, đơn vị quản lý và người dân cần chung tay và có ý thức chăm lo, giữ gìn, bảo vệ các công trình xây dựng nói chung, trong đó có các công trình về hạ tầng giao thông để các công trình này được phục vụ lâu dài, bền vững. Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương hoàn thành phương án tái cấu trúc nguồn vốn đầu tư vào 05 dự án đường bộ cao tốc của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam theo đúng Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 7/2018./.

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực