Thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước 2019

Thứ sáu, 09/11/2018 20:24
(ĐCSVN) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, chiều 9/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 với 418 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 86,19%.

Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Sau khi nghe trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với 418 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 86,19%. Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 của Quốc hội quy định thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Mức bội chi ngân sách nhà nước tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm: Bội chi ngân sách trung ương tương đương 3,4%GDP; Bội chi ngân sách địa phương tương đương 0,2%GDP.

 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với 418 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Theo tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và thể hiện lại tên gọi của Luật là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch” để làm rõ được phạm vi điều chỉnh và dễ dẫn chiếu, dễ phân biệt. Điều này thống nhất với tên gọi Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật có quy định liên quan đến quy hoạch đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Một số ý kiến phát biểu tại tổ và Hội trường đề nghị bỏ “Phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong quy hoạch tỉnh” trong hệ thống quy hoạch sử dụng đất vì trái với Luật Quy hoạch và nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được tích hợp trong nội dung Quy hoạch tỉnh. Có ý kiến đề nghị cần xem xét giữ lại quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để đảm bảo yêu cầu quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nội dung của Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh, thể hiện ở nội dung Phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện để bảo đảm sự phát triển đồng bộ, cân đối nhu cầu sử dụng đất ở cấp tỉnh và đã giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết.

Để đảm bảo việc triển khai nội dung trên, Luật Quy hoạch cũng đã quy định việc lập Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Như vậy, với quy định như hiện tại của Luật Quy hoạch về Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý phân bổ đất đai trên địa bàn tỉnh. Do đó, việc lập thêm Phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là không cần thiết. Ngoài ra, Luật Quy hoạch cũng không có quy định về phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong quy hoạch tỉnh. Việc lập thêm "Phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh" trong quy hoạch tỉnh tại dự thảo Luật hay quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh sẽ dẫn đến tình trạng trên địa bàn tỉnh có nhiều văn bản quản lý đất đai có cùng một nội dung và mức độ chi tiết gây khó khăn cho quá trình áp dụng và lãng phí, nhất là trường hợp cần có sự điều chỉnh việc phân bổ và khoanh vùng sử dụng đất thì phải điều chỉnh đồng thời cả quy hoạch tỉnh lẫn Phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong quy hoạch tỉnh hay Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi,
bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch. (Ảnh: quochoi.vn)

Có 24/37 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ và Hội trường tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và đề nghị không lập Quy hoạch xây dựng tỉnh vì nội dung và mức độ chi tiết của Quy hoạch xây dựng tỉnh trùng với Quy hoạch tỉnh tại Luật Quy hoạch, vì nội dung quy hoạch này đã được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh. Các đại biểu cho rằng, việc lập riêng Quy hoạch xây dựng tỉnh sẽ dẫn đến cùng một cấp, cùng một nội dung của ngành xây dựng được lập, thẩm định đến 02 lần, tạo thêm thủ tục hành chính, gây lãng phí, trùng lặp, chồng chéo và khó khăn, phức tạp trong quá trình triển khai thực hiện. Quy hoạch tỉnh đã được cụ thể hóa bằng quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và quy hoạch xây dựng khu chức năng.

Bên cạnh đó cũng có 6/37 ý kiến đề nghị cần có quy hoạch xây dựng tỉnh như là một quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành riêng trong Luật Xây dựng (sửa đổi) để chi tiết hóa những nội dung phát triển không gian của quy hoạch tỉnh và có 7/37 ý kiến đề nghị: nếu có Quy hoạch xây dựng tỉnh phải quy định ngay trong luật nội dung cụ thể quy hoạch và không được trùng lặp với quy hoạch tỉnh.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, việc đổi mới hoạt động quy hoạch là cần thiết, tạo ra một sự thống nhất cao trong công tác quy hoạch, tránh sự trùng chéo, lãng phí, song cũng cần phải đảm bảo tính kế thừa, sự tích hợp khoa học giữa quy hoạch mang tính phi vật thể trước đây (như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội) với quy hoạch mang tính vật thể (như quy hoạch xây dựng và quy hoạch kỹ thuật mang tính chuyên ngành khác).

Dự thảo Luật quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, bao gồm quy hoạch xây dựng tỉnh theo pháp luật về xây dựng là hoàn toàn phù hợp với Luật Quy hoạch 2017. Quy hoạch xây dựng tỉnh là sự cụ thể hóa của quy hoạch tỉnh về mặt kỹ thuật chuyên ngành, nó không ngang cấp với quy hoạch tỉnh và hiện là cơ sở pháp lý quan trọng về mặt kinh tế, kỹ thuật đối với các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch vùng liên huyện…

Hơn nữa, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (nay là quy hoạch xây dựng tỉnh theo dự thảo Luật sửa đổi) đã được triển khai thực hiện rộng rãi. Đã có 58 quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, 05 quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hiện nay, có 15 địa phương đang tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, trong đó có 06 nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt và có 02 đồ án quy hoạch đã được phê duyệt. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc bãi bỏ ngay quy hoạch vùng tỉnh, hiện chưa có thời gian và căn cứ để tích hợp vào quy hoạch tỉnh sẽ có thể gây ra các tác động phức tạp về kinh tế, xã hội mà chưa thể lường hết được. Ngoài ra, với điều kiện hiện tại của nước ta, việc lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp như một số nước tiên tiến có điều kiện kinh tế phát triển thì cần có thời gian.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh không trùng lắp với nội dung quy hoạch tỉnh; quy hoạch xây dựng tỉnh chỉ cụ thể hóa nội dung quy hoạch tỉnh với mức độ cụ thể, chi tiết hơn để đáp ứng yêu cầu quản lý và đầu tư xây dựng. Đồng thời, với chức năng quản trị quốc gia Chính phủ cũng cho rằng quy hoạch xây dựng là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, để cụ thể hoá quy hoạch tỉnh, tuân thủ tính thứ bậc theo quy định của Luật Quy hoạch 2017, trong dự thảo Luật cũng quy định thẩm quyền phê duyệt đảm bảo thứ bậc này. Từ những lý do trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo và đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định tại dự thảo Luật.

Ngoài ra, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giải trình tiếp thu một số nội dung liên quan Luật Giao thông đường bộ, Bộ luật Hàng hải, Luật Đường sắt, Luật Tài nguyên nước, Luật Đê điều, Luật Thủy lợi, về quy hoạch khu chức năng, quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương, giấy phép quy hoạch và chứng chỉ quy hoạch và hiệu lực thi hành của Luật.

Trong quá trình thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với tên gọi của dự án Luật là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch”. Bên cạnh đó, cũng có nhiều đại biểu phát biểu, đóng góp ý kiến tập trung vào một số nội dung, như: vấn đề quy hoạch xây dựng tỉnh; thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng; nội hàm và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch xây dựng; nguyên tắc lập quy hoạch sử dụng đất; thời kỳ quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh...

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội đã nêu.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm các ý kiến của đại biểu Quốc hội, đặc biệt là về các nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật này./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực