Thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên

Thứ hai, 04/04/2016 15:01
(ĐCSVN) - Ngày 4/4, TAND TP.HCM tổ chức Lễ ra mắt Tòa gia đình và người chưa thành niên tại TP HCM - mô hình tòa chuyên trách xử án hôn nhân gia đình và người chưa thành niên đầu tiên ở Việt Nam. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC đến dự.

Đồng chí Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi Lễ (ảnh: VL)

Phát biểu tại buổi Lễ, Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh, việc ra đời của Tòa gia đình và người chưa thành niên trong tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân là dấu ấn quan trọng, một trong những thành tựu của tiến trình cải cách tư pháp. Đây là bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển gia đình Việt Nam; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng. Thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em, thông qua việc xây dựng một hệ thống tư pháp trẻ em toàn diện mà Tòa gia đình và người chưa thành niên là trung tâm, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đây cũng là phương thức để thực hiện nguyên tắc Hiến định về việc xét xử kín đối với người chưa thành niên (quy định tại khoản 3 Điều 103 của Hiến pháp năm 2013).

Đồng chí Trương Hòa Bình cũng chia sẻ, thực tiễn công tác xét xử cho thấy, các vụ việc hôn nhân gia đình có những đặc thù riêng, xuất phát từ quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng giữa các thành viên trong gia đình. Khi giải quyết các vụ việc về lĩnh vực này, cùng với yêu cầu phải tuân thủ các quy định của pháp luật, phải chú ý đến yếu tố tâm lý, tình cảm, đạo đức, truyền thống của dân tộc; trong đó yếu tố pháp lý và yếu tố tình cảm đan xen vào nhau giữa các bên trước, trong và cả sau quá trình giải quyết vụ việc.

Vụ việc có thể đã được giải quyết, nhưng khác với các vụ việc dân sự thông thường, các bên trong vụ việc hôn nhân và gia đình vẫn bị ràng buộc với nhau về trách nhiệm đối với con chung; về đạo đức truyền thống và có thể kéo dài suốt cuộc đời họ. Bên cạnh đó, việc giải quyết các vấn đề gia đình có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm lý của từng thành viên trong gia đình, có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến định hướng phát triển của trẻ em là thành viên trong gia đình. Bởi vậy, nếu giải quyết tốt các vấn đề thuộc quan hệ gia đình, nâng cao ý thức và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình đối với việc chăm sóc, giáo dục con cái sẽ góp phần hạn chế, ngăn ngừa trẻ em vi phạm pháp luật, tạo môi trường lành mạnh để trẻ em phát triển thể chất và nhân cách; đồng thời, góp phần vào sự ổn định chung của toàn xã hội.

Chánh án TANDTC cũng đã chỉ đạo các Tòa án cần chủ động xây dựng quy chế phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phúc lợi xã hội, cơ quan y tế, giáo dục ở Trung ương và địa phương, để phối hợp với Tòa án giải quyết tốt các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.


Đồng chí Ung Thị Xuân Hương trao Quyết định về việc bổ nhiệm Tòa gia đình và người chưa thành niên (ảnh:VL)


Phát biểu tại Lễ công bố, ngài Youssouf Adel-Jelil, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh Tòa án tối cao Việt Nam, đã tiên phong trong việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên. Cùng với các biện pháp phúc lợi xã hội, an ninh và y tế, Tòa án tối cao Việt Nam đã rất chú trọng biện pháp tư pháp đối với trẻ em, một trong các biện pháp quan trọng góp phần bảo vệ, giáo dục và phát triển nhân cách trẻ em nói chung, an ninh gia đình và xã hội nói chung.                                                                                                                                                                                                                  

VL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực