Tập huấn triển khai Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường

Thứ ba, 25/04/2017 16:16
(ĐCSVN) - Ngày 25/4, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Toàn cảnh Hội nghị tổ chức ngày 25/4 tại Hà Nội. Ảnh: ĐT

Đây là Hội nghị đầu tiên trong chuỗi 3 hội nghị tại 3 miền phổ biến Nghị định số 155/2016/NĐ-CP. Dự kiến, Hội nghị khu vực miền Trung và Tây Nguyên được tổ chức tại TP. Đà Nẵng ngày 26/4/2017; Hội nghị khu vực phía Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 28/4/2017.

Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2017.

Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngoài việc cập nhật, bổ sung các hành vi vi phạm mới theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành còn bổ sung thêm công cụ kiểm soát ô nhiễm môi trường quan trọng là việc sử dụng thiết bị, hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục để phát hiện hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức. Công cụ này đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng và đã phát huy hiệu quả tích cực.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhấn mạnh, Nghị định 155/2016-NĐ-CP đã quy định nhiều điểm mới so với trước đây, đặc biệt quy định trách nhiệm và cơ chế phối hợp của các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm mục đích tránh chồng chéo trong quá trình triển khai thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở.

Nghị định đồng thời chi tiết hóa khung và mức phạt đảm bảo công bằng trong quá trình xử phạt; việc phân định thẩm quyền xử phạt của các lực lượng đảm bảo đúng pháp luật, không bị chồng chéo, rõ ràng, cụ thể và theo đúng chức năng nhiệm vụ của các cơ quan... Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm hành chính trước đây không xử lý được do không có chế tài xử phạt đã được cụ thể hóa trong Nghị định…

Với nhiều điểm mới sát với thực tế, nhiều quy định của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP liên quan trực tiếp đến người dân nên các đơn vị quản lý TN&MT cần hiểu rõ, hiểu đúng. Ông Hoàng Dương Tùng đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận tập trung vào phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính; nguyên tắc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường, phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ sử dụng để phát hiện vi phạm.

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP có nhiều điểm mới so với trước đây, đặc biệt quy định trách nhiệm và cơ chế phối hợp của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm mục đích tránh chồng chéo trong quá trình triển khai thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở.

Các đại biểu cũng thảo luận về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, đặc biệt là việc phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm của các lực lượng; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm quản lý môi trường tại địa phương.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu được giải đáp các vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, đồng thời được giới thiệu chi tiết những điểm cần lưu ý của Nghị định này./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực