Tài sản lớn mà không nhớ được nguồn gốc là phi lý, ngụy biện

Thứ năm, 06/09/2018 18:46
(ĐCSVN) – "Tài sản mà không giải trình được nguồn gốc thì chỉ có thể là quá nhiều tài sản, nhiều nguồn. Còn tài sản lớn như: Đất đai, nhà cửa, cổ phiếu... mà không nhớ, không giải trình được thì có gì đó phi lý, ngụy biện..." - đại biều Đinh Duy Vượt chia sẻ.
Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) nhận được nhiều sự quan tâm
của các đại biểu Quốc hội chuyên trách. (Ảnh: KT)

Ngày 6/9, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã dành trọn 1 ngày để thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Kẽ hở trong kê khai tài sản

Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, một trong những hạn chế, vướng mắc lớn trong kiểm soát tài sản, thu nhập thời gian qua có nguyên nhân quy định chưa thật sự hợp lý của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) hiện hành về việc mọi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đều áp dụng chung một biện pháp kê khai, theo dõi biến động, xác minh tài sản, thu nhập mà không phân biệt các nhóm đối tượng cần phải có mức độ kiểm soát khác nhau trong khi số đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập là rất lớn.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, dự thảo Luật đã phân biệt rõ các nhóm đối tượng khác nhau để áp dụng phương thức kê khai, xác minh tài sản, thu nhập phù hợp. Theo đó, người giữ chức vụ từ Giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm với mục đích nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn. Các đối tượng khác chỉ phải kê khai lần đầu hoặc kê khai bổ sung với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tố cáo, có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên trong một năm... Đồng thời, dự thảo Luật quy định thu hẹp đầu mối các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, chủ yếu giao cho hệ thống thanh tra cấp tỉnh, Thanh tra Chính phủ để bảo đảm tính chuyên nghiệp; bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc... Các quy định này cơ bản đáp ứng yêu cầu tập trung kiểm soát tài sản, thu nhập của những người đứng đầu hoặc công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao, bảo đảm phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát và khả năng đầu tư nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập, qua đó tăng cường hơn hiệu lực, hiệu quả của các biện pháp này trong PCTN.

Do đó, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, đáp ứng tốt hơn yêu cầu PCTN trong tình hình hiện nay. Đồng thời, dự thảo Luật cũng được chỉnh lý theo hướng mở rộng các đối tượng kê khai lần đầu là sĩ quan Quân đội nhân dân và sĩ quan Công an nhân dân.

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nhấn mạnh, việc kê khai tài sản là mấu chốt của kiểm soát tài sản. Đại biểu lo ngại việc chỉ yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên là quá thu hẹp, chưa xoáy vào “tảng băng chìm” là những đối tượng mà nhân dân hoài nghi, tâm tư, kiến nghị.

Theo đại biểu, cử tri muốn mở rộng đối tượng kê khai cha mẹ, con ruột, ông bà nội bởi các minh chứng thực tiễn làm dư luận “dậy sóng” vừa qua là không thể bỏ qua. Minh chứng đầu tiên được ông đưa ra là thực tiễn hiện nay, ở nhiều tỉnh thành, nhân dân đều biết nhiều bố, mẹ, ông bà bỗng dưng sở hữu nhiều tài sản, đứng tên nhiều doanh nghiệp, biệt phủ, xe sang...

Đại biểu cũng dẫn chứng nhiều vụ án tham nhũng đã và đang được xét xử cho thấy nhiều tài sản tham nhũng được tẩu tán cho bố, mẹ, người thân đứng tên như: vụ Huyền Như, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh...  Và cho rằng đây chính là một trong những nguyên nhân khiến ngành tư pháp dù rất quyết liệt nhưng tỷ lệ thu hồi tiền tham nhũng thất thoát còn thấp.

Đại biểu cũng cho rằng, “tài sản tham nhũng rõ ràng không thể tự nhiên mất đi mà chuyển từ người này sang người khác, từ dạng này qua dạng khác, biến hoá ẩn mình như ma trận, từ sân trước qua sân sau, từ doanh nghiệp này doanh nghiệp kia, lòng vòng nhằm hợp lý hoá, rửa tiền…”. Vì vậy, nếu cứ băn khoăn quyền này quyền kia của công dân, cho rằng đủ tuổi thành niên thì tự chịu trách nhiệm... sẽ không đánh được vào gốc rễ của tham nhũng.

Đại biểu Mai Sỹ Diễn (Thanh Hóa) lưu ý, đây là vấn đề nhiều cử tri, đại biểu quan tâm và đây là lỗ hổng trong Luật PCTN mà lần này cần sửa đổi. Thậm chí theo đại biểu, “đây không phải là kẽ mà là cửa để người tham nhũng chuyển tài sản tham nhũng”. Đại biểu đề nghị người kê khai tài sản lần đầu phải kê khai cả bố mẹ, con vị thành niên, nếu sau này có đột biến tài sản thì cơ quan chức năng yêu cầu phải làm rõ, nhất là trước khi bổ nhiệm vào vị trí, chức vụ cao hơn.

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng, việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản thu nhập sẽ góp phần ngăn ngừa tham nhũng tốt hơn. Song thời gian qua, đối tượng có nghĩa vụ kê khai quá lớn, khoảng 1,1 triệu người có bản kê khai mỗi năm, vượt quá khả năng của cơ quan có trách nhiệm trong việc kiểm soát  kê khai nên việc mở rộng đối tượng kê khai trong thời điểm hiện tại là khó khả thi, làm cơ quan kiểm soát tài sản khó quản lý, làm việc kê khai rơi vào hình thức, lãng phí như thời gian qua. Do đó, đại biểu tán thành phương án kê khai lần đầu đối với cán bộ, công chức viên chức được bổ nhiệm tuyển dụng và kê khai bổ sung khi được bầu, bổ nhiệm lại, được cử làm đại diện phần vốn góp của doanh nghiệp nhà nước hoặc khi có biến động về tài sản, thu nhập đến mức phải kê khai bổ sung. Hướng làm này là phù hợp với thực tiễn và giảm bớt áp lực của người kê khai và đơn vị kiểm soát kê khai.

Hai phương án xử lý tài sản không giải trình hợp lý nguồn gốc

UBTVQH nhận thấy, đối với tài sản do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định rất cụ thể các biện pháp tịch thu sung công hoặc tịch thu trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp. Luật PCTN hiện hành và dự thảo Luật cũng đã quy định tịch thu đối với tài sản do tham nhũng mà có. Riêng đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì đến nay, pháp luật chưa có quy định để xử lý, trong khi đó, không loại trừ tài sản, thu nhập này có nguồn gốc bất hợp pháp.

Chủ nhiệm Lê Thị Nga cũng nhấn mạnh: “Nghị quyết của Đảng cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác PCTN, nâng cao tính gương mẫu của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn trong việc minh bạch tài sản, thu nhập nên cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để PCTN có hiệu quả hơn và việc xử lý đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là bước tiến mới trong công tác PCTN. Đồng thời, thực tiễn xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm thời gian qua cho thấy, một số cán bộ, công chức, viên chức có tài sản giá trị rất lớn nhưng việc không giải trình được hợp lý nguồn gốc cũng chưa có cơ chế để xử lý tài sản, thu nhập này đã gây nghi ngờ trong dư luận...”

Liên quan đến phương án xử lý số tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc, do còn nhiều ý kiến khác nhau là xử lý bằng truy thu thuế, xử lý hành chính và xem xét, quyết định tại toà án, nên UBTVQH đưa ra 02 phương án để các đại biểu cho ý kiến.

Trong đó, Phương án 1: Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ do Tòa án xem xét, quyết định...”. Phương án 2: Trường hợp kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế...

Cho ý kiến tại Hội nghị, các đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang), Bùi Văn Phương (Ninh Bình), Đinh Duy Vượt, Mai Sỹ Diễn... đều bày tỏ nhất trí với phương án 1. Bởi phương án này thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật PCTN hiện hành; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN. Đồng thời, việc giao cho Tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình cũng bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và bảo đảm quyền lợi của các bên. Đây cũng là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.

Đại biểu Đinh Duy Vượt phát biểu thêm, phương án thu thuế với những tài sản không giải trình được về nguồn gốc là không khả thi, không thực tiễn, dễ bị lạm dụng vì “tiền, tài sản của cá nhân mà anh còn không chứng minh được thì khó cơ quan nào xác minh được”. Nếu thu thuế tài sản không giải trình được sẽ vô hình chung là hợp lý hóa, công nhận tài sản bất minh, tạo kẽ hở cho rửa tiền, dung túng cho tham nhũng còn đất sống. Theo đại biểu, trong tình hình hiện nay, nhân dân không đồng tình phương án này.

“Tài sản mà không giải trình được nguồn gốc thì chỉ có thể là quá nhiều tài sản, nhiều nguồn. Còn tài sản lớn như đất đai, nhà cửa, cổ phiếu... mà không nhớ, không giải trình được thì có gì đó phi lý, nguỵ biện” – đại biểu chia sẻ quan điểm. 

Ngoài các vấn đề trên, các đại biểu Quốc hội chuyên trách tập trung cho ý kiến về mở rộng phạm vi áp dụng của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước; cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực