Sửa Luật có giải quyết được triệt để tình trạng thất thu thuế?

Thứ năm, 21/02/2019 17:19
(ĐCSVN) – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đặt vấn đề: Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có giải quyết triệt để được tình trạng thất thu thuế, trốn thuế, hay tình trạng “cưa đôi” thuế hay không?.

Sáng ngày 21/2, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 31, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào một số vấn đề lớn về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý số vấn đề lớn về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), liên quan đến thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt (Điều 87), Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo thống nhất hoàn chỉnh dự án Luật theo hướng: Mở rộng thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh được xóa nợ thuế đối với khoản nợ dưới 5 tỷ đồng trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục thuế, Cục trưởng cục Hải quan. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ thuế đối với các khoản nợ từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ thuế đối với các khoản nợ từ 10 tỷ đồng trở lên.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: TH.

Cho ý kiến vào nội dung này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đánh giá đã có sự cải cách là phân cấp đối với Chủ tịch UBND các tỉnh; Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính trong sửa đổi Luật này. Tuy nhiên, bà Hải cũng tỏ ra băn khoăn về việc xóa nợ thuế từ 10 tỷ đồng trở lên không có giới hạn, trong khi trước đây quy định thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, nay giao cho Bộ trưởng.

“Chúng ta cân nhắc xem có nên có trần giới hạn, trên mức này là phải báo Thủ tướng Chính phủ hay không để căn cứ thêm một số tiêu chí…”, bà Hải đề xuất.

Bà Hải cũng cho hay, qua tiếp xúc cử tri đặt câu hỏi liên quan tới công tác quản lý thuế trong việc biểu diễn văn hóa nghệ thuật, cụ thể là việc quản lý thu nhập của các ngôi sao về truyền hình, ca nhạc, thời trang.

Qua nghiên cứu, xem xét, bà Hải thấy rằng luật này ra đời thì việc quản lý vẫn còn lỏng lẻo. “Luật này nếu ra đời cử tri chỉ đặt ra yêu cầu là có quản lý được vấn đề này không?”, bà Hải hỏi.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga bày tỏ băn khoăn liên quan đến những khoản miễn, giảm thuế lớn và liên quan đến thẩm quyền.

“Số lượng ở đây chúng ta mới quy định về nguyên tắc như thế này, nhưng thực tế như thế nào thì có thể lên rất lớn, sẽ ảnh hưởng lớn đến ngân sách. Tôi đề nghị có đánh giá tác động và giải trình thêm”, bà Nga đề xuất

Nhấn mạnh thuế chính là nguồn thu cơ bản của nhà nước, bà Nga chỉ ra trong thực tiễn thời gian qua nổi lên tình trạng thất thu thuế.

Bà Nga phân tích: Ở đây liên quan nhiều đến thẩm quyền quyết định, vừa là người đi thu, vừa là người xóa nợ, đây là một trong những vấn đề liên quan đến kiểm soát quyền lực để chống tiêu cực. Trên cơ sở đó, đề nghị làm rõ những vấn đề nổi lên trong quản lý thuế thời gian qua có được giải quyết triệt để trong Luật này không? Hay việc thu thuế đối với kinh doanh trên mạng có được đặt vấn đề xử lý trong luật này?

“Đề nghị làm rõ Luật này có giải quyết được vấn đề trốn thuế, thất thu thuế, thậm chí những tiêu cực trong việc "cưa đôi" thuế hay không?”, bà Nga nói./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực