Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

Chủ nhật, 30/10/2016 10:18
(ĐCSVN) - Vào các ngày cuối tuần, (từ 28 - 30/10/2016), cuộc gặp quốc tế các Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế tại Hà Nội là tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận và truyền thông quốc tế...

Cuộc gặp quốc tế các Đảng Cộng sản và Công nhân lần thứ 18

Đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương , Trưởng ban Ban Đối ngoại Trung ương 
phát biểu khai mạc (Ảnh Khánh Linh)

Ngày 28/10, tại Hà Nội, lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam đăng cai tổ chức Cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản và công nhân lần. Từ năm 1998 đến nay, đây là lần thứ 18 cuộc gặp thường niên này được tổ chức và  đã trở thành là diễn đàn quan trọng để các đảng cộng sản và công nhân trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác, phối hợp hành động vì sự nghiệp đấu tranh chung. Tham gia cuộc gặp lần này có đại diện của hơn 120 đảng cộng sản và công nhân từ 85 nước trên thế giới.

Phát biểu khai mạc Cuộc gặp, đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương , Trưởng ban Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh đại diện các đảng cộng sản và công nhân các nước đến tham dự Cuộc gặp tại Việt Nam. Đồng chí nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh vì hòa bình và chủ nghĩa xã hội, vì độc lập, chủ quyền của các quốc gia và lợi ích của nhân dân lao động, đồng thời nêu rõ việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, nhất là tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình là nền tảng cho hòa bình, ổn định của các quốc gia trong điều kiện thế giới hiện nay.

Giới thiệu về những thành tựu và kinh nghiệm 30 năm đổi mới ở Việt Nam, đồng chí Hoàng Bình Quân khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, luôn coi trọng củng cố, tăng cường quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè truyền thống với các đảng cộng sản, công nhân các nước trên thế giới; chân thành cảm ơn sự đoàn kết, ủng hộ mạnh mẽ của các đảng cộng sản, công nhân và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình các nước đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân Việt Nam trong suốt những năm qua; khẳng định tình đoàn kết trước sau như một đối với cuộc đấu tranh của các đảng cộng sản và công nhân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và chủ nghĩa xã hội.

Tham luận của các đại biểu quốc tế tại phiên thảo luận toàn thể đã tập trung phân tích, đánh giá về tình hình thế giới hiện nay, về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và phong trào nhân dân lao động tại các nước, chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm đấu tranh, trao đổi về phương hướng phối hợp hành động chung vì hòa bình và chủ nghĩa xã hội vì quyền và lợi ích của nhân dân lao động và các dân tộc trên thế giới. Các đại biểu đều cảm ơn và đánh giá cao việc Đảng Cộng sản Việt Nam đăng cai tổ chức Cuộc gặp lần này, bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và những thành tựu đổi mới của Việt Nam, khẳng định sự đoàn kết, ủng hộ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Pháp nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư

Ngày 24-10-2016, trong nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II, Chính phủ Pháp đã thực hiện chiến dịch giải tỏa toàn bộ khu lán trại trái phép lớn nhất châu Âu tại Calais.

Đến ngày 27-10, nhà chức trách Pháp cho biết đã hoàn tất chiến dịch giải tỏa toàn bộ khu lán trại tạm bợ "Jungle" ở cánh rừng ngoại ô thành phố cảng Calais, miền Bắc nước Pháp. Theo đó tổng số 5.596 người lớn và trẻ em tại khu lán trại Jungle đã được chuyển tới khu tái định cư. Trong đó, 234 trẻ em vị thành niên không có bố mẹ đi cùng đã được chính quyền Anh tiếp nhận từ tuần trước. Hiện nay, 450 trung tâm tiếp nhận trên toàn nước Pháp vẫn mở cửa để tiếp nhận những người di cư có nhu cầu tái định cư tại Pháp.

Khu lán trại tạm bợ "Jungle" ở cánh rừng ngoại ô thành phố cảng Calais trở thành điểm đến của người di cư kể từ năm 1994 (khi đường hầm xuyên eo biển Manche khai trương). Kể từ năm 2015, thành phố cảng Calais tiếp tục trở thành "điểm nóng" của người tị nạn, sau khi khoảng 6.000 người di cư, chủ yếu là từ các vùng chiến sự như Afghanistan, Sudan, Iraq, Syria và Eritrea tập trung về khu lán trại tạm Jungle.

Trước tình trạng trên, chính quyền Pháp không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc giải tỏa khu lán trại Calais, trong khi không thể trông chờ vào nỗ lực trợ giúp chung của cả châu Âu. Người dân Pháp đã ủng hộ tuyệt đối quyết định này của chính phủ bởi họ đã quá mệt mỏi vì khu trại Calais thời gian qua.

Tuy nhiên, việc xóa bỏ khu lán trại tại Calais được xem là giúp nước Pháp giảm được áp lực trong việc đối phó với người di cư, song dư luận cũng đang đặt câu hỏi liệu hành động quyết liệt này của nhà chức trách Pháp có thực sự giúp giải quyết được tình trạng di cư ồ ạt đến châu Âu hay không.

Philippines và Nhật Bản thắt chặt quan hệ đồng minh

Trong ba ngày từ 25 đến 27-10-2016, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có chuyến thăm chính thức đến Nhật Bản. Đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của ông Duterte kể từ khi nhậm chức hồi tháng 6-2016 và là lần thứ hai ông có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, sau lần gặp đầu tiên nhân Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28 và 29 tổ chức tại Lào hồi tháng 9-2016.

Nội dung nổi bật trong chuyến thăm này là việc Nhật Bản cam kết cung cấp cho Philippines 2 tàu tuần tra cỡ lớn nhằm nâng cao năng lực phòng vệ trên biển và cấp cho Philippines một khoản tín dụng bằng đồng trị giá 5 tỷ yen (tương đương 48,2 triệu USD) dành cho chương trình phát triển nông nghiệp tại đảo Mindanao của Philippines. Trong khi đó, phía Philippines thì khẳng định sẽ đứng về phía Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông và sẽ cùng với Nhật Bản hợp tác giải quyết những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Hoa Đông một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Theo các nhà phân tích, chuyến thăm của Tổng thống Philippines Duterte đến Nhật Bản lần này được coi là chuyến thăm cấp cao lịch sử nhằm ghi nhận quan hệ giữa hai quốc gia và quan điểm về những vấn đề quốc tế chung. Chuyến thăm cho thấy vai trò của Nhật Bản trong sứ mệnh trở thành “cầu nối hòa giải” giữa Philippines và Mỹ khi hai nước này thường xuyên căng thẳng thời gian gần đây. Và dù đang có mối quan hệ căng thẳng với Mỹ, song việc Tổng thống Duterte khẳng định Philippines là một “đồng minh lâu năm” với Nhật Bản đã cho thấy Philippines rất coi trọng Nhật Bản và dư luận thế giới đang trông đợi vào sứ mệnh hòa giải của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ có những tiến triển tích cực trong thời gian tới.

Giao tranh liên tiếp tại Yemen

Ngày 25-10-2016, tại cuộc gặp với đại diện phái Houthi ở thủ đô Sanaa, Đặc phái viên Liên hợp quốc Ismail Ould Cheikh Ahmed đã đưa ra một đề xuất hòa bình tới phái Houthi cùng các đồng minh, với mục tiêu thúc đẩy các triển vọng hòa bình tại Yemen. Lộ trình chính trị nhằm giải quyết cuộc xung đột Yemen của ông Ahmed bao gồm 6 điểm then chốt. Tuy nhiên, phái Houthi đã không chấp thuận một số điều kiện như công nhận tính hợp pháp của Tổng thống Hadi; hạ vũ khí và rút khỏi các khu vực kiểm soát, trong đó có thủ đô Sanaa. Lực lượng Houthi và các đồng minh cho rằng một trong những điểm quan trọng nhất của đề xuất hòa bình mới nêu này cần bao gồm việc Tổng thống đương nhiệm Hadi phải từ chức.

Ngay lập tức sau đó một ngày, ngày 26-10, các lực lượng trung thành với chính phủ của Tổng thống Yemen Mansour Hadi đã có các cuộc đấu súng quyết liệt với lực lượng Houthi tại khu vực Nahm, phía Đông thủ đô Sanaa. Trong khi đó, liên minh quân sự Arab do Saudi Arabia đứng đầu cũng tiến hành các đợt không kích dữ dội nhằm hỗ trợ cho các lực lượng của chính phủ Yemen khiến ít nhất 15 tay súng của Houthi và 5 binh sĩ thuộc lực lượng ủng hộ Tổng thống Hadi đã thiệt mạng.

Giao tranh đã bùng phát ở Yemen kể từ sau khi lệnh ngừng bắn do Liên hợp quốc bảo trợ nhằm mở các hành lang nhân đạo để cấp hàng cứu trợ tới những khu vực khó khăn hết hiệu lực vào đêm ngày 22-10. Yemen đang trượt sâu hơn vào bất ổn kể từ tháng 3-2015, thời điểm liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu tiến hành chiến dịch không kích nhằm vào lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn. Xung đột kéo dài 19 tháng qua ở Yemen đã khiến gần 6.900 người thiệt mạng và hơn 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, trong khi hàng triệu người khác đang cần viện trợ lương thực khẩn cấp.

Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua dự thảo nghị quyết về việc cấm vũ khí hạt nhân

Ngày 27-10-2016, Ủy ban thứ nhất về giải trừ quân bị của Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một dự thảo nghị quyết mới kêu gọi các nước bắt đầu đàm phán về việc cấm vũ khí hạt nhân. Dự thảo do Australia, Ireland, Mexico, Nigeria, Nam Phi và Brazil soạn thảo, đã được thông qua với 123 phiếu thuận, 38 phiếu chống và 16 phiếu trắng. Nghị quyết này bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về hậu quả thảm khốc của việc sử dụng vũ khí hạt nhân đối với con người. Với văn kiện không mang tính ràng buộc pháp lý này, từ tháng 5-2017, các nước sẽ có thể bắt đầu tiến hành đàm phán một hiệp ước mới.

Cũng trong ngày 27-10, Ủy ban thứ nhất về giải trừ quân bị của Đại Hội đồng Liên hợp quốc cũng đã thông qua nghị quyết do Nhật Bản đề xuất về việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Đây là lần thứ 23 nghị quyết này nhận được sự ủng hộ từ phần lớn các nước thành viên.

Việc Đại hội đồng Liên hợp quốc nhất trí thông qua dự thảo nghị quyết về đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân cho thấy quyết tâm của cộng đồng quốc tế về xóa bỏ loại vũ khí nguy hiểm này. Cho đến nay, thế giới vẫn chưa thể quên hình ảnh hai quả bom nguyên tử bị quân đội Mỹ ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào tháng 8-1945, làm hơn 210.000 người thiệt mạng. Không những thế, hàng nghìn người vẫn tiếp tục thiệt mạng sau đó vì tác hại của phóng xạ. Nhằm khắc phục tình trạng này, những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giải trừ quân bị nói chung và vũ khí hạt nhân nói riêng đã liên tục được đàm phán và phát triển kể từ đó đến nay.

Cho tới nay, đã có 183 quốc gia ký kết Hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện (CTBT), trong đó có 164 quốc gia đã phê chuẩn. Nhưng để Hiệp ước có hiệu lực thì cần có sự phê chuẩn của “các quốc gia nằm trong Phụ lục 2”. Hiện vẫn còn 8 quốc gia trong Phụ lục 2 chưa phê chuẩn hiệp ước, đó là Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Ai Cập, Ấn Độ, Iran, Israel, Pakistan và Mỹ.

Lần đầu tiên Mỹ bỏ phiếu trắng tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc về việc thông qua Nghị quyết lên án lệnh cấm vận đối với Cuba

Sáng 26/10 (giờ New York, tức tối 26/10 theo giờ Hà Nội), Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 71 đã họp phiên toàn thể thông qua Nghị quyết lên án lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba, với tỷ lệ phiếu áp đảo 191/193 phiếu thuận. Mỹ và Israel lần đầu tiên bỏ phiếu trắng, và không có nước nào bỏ phiếu chống.

Đây là lần thứ 25 liên tiếp đại đa số các nước thành viên Liên hợp quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với Báo cáo "Sự cần thiết phải chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ áp đặt chống Cuba" do chính phủ Cuba trình lên hàng năm.

Trong phần phát biểu tranh luận và giải thích phiếu, đại diện một loạt quốc gia và các nhóm nước như Không liên kết, G77 châu Phi, Cộng đồng các nước Caribe, MERCOSUR và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo… đã lên án mạnh mẽ lệnh cấm vận của Mỹ vi phạm các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; kêu gọi Mỹ có trách nhiệm thực thi các Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc và chấm dứt ngay lệnh cấm vận phi pháp đối với Cuba.

Đại diện các nước cũng đánh giá cao sự đóng góp của Cuba đối với việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế.

Mỹ lần đầu tiên có nhà văn đoạt giải thưởng văn học Man Booker danh giá

Ngày 25-10-2016, tại buổi lễ được tổ chức tại tòa nhà Guildhall ở London, cuốn tiểu thuyết châm biếm chính trị chủng tộc Mỹ “The Sellout” (tạm dịch: Bán sạch) đã đưa Paul Beatty trở thành nhà văn Mỹ đầu tiên đoạt giải văn học danh giá Man Booker năm 2016. Đây là câu chuyện chua cay và châm biếm về chủng tộc và giai cấp ở Mỹ.

Ban giám khảo đều nhất trí trao giải cho “The Sellout” với nhận định, cuốn sách đầy tính khiêu khích của Beatty có thể xếp hạng như các tác phẩm kinh điển song cũng mang tính thời sự như bản tin tối.

Chủ tịch Ban giám khảo giải Man Booker năm nay, sử gia Amanda Foreman, cho rằng “cuốn truyện đi sâu vào trung tâm của xã hội Mỹ đương đại, văn phong cực kỳ hóm hỉnh, phong cách viết mà tôi chưa từng thấy kể từ sau Jonathan Swift hay Mark Twain. Cuốn truyện là sự hòa trộn giữa văn hóa đại chúng, chính trị, triết học với sự hài hước và nỗi giận dữ, qua đó đề cập tới từng điều cấm kỵ xã hội”.

Năm 2015, “The Sellout” là một trong 10 cuốn sách châm biếm nhất hấp dẫn nhất mang lại nhiều giải thưởng lớn cho nhà văn Paul Beatty ở hạng mục tiểu thuyết. Nhà văn Paul Beatty, 54 tuổi, sinh ở Los Angeles, hiện sống tại New York (Mỹ). Ông sẽ được nhận số tiền thưởng trị giá 50.000 bảng./.

Tô Chu (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực