Sớm đưa nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát vào hoạt động

Thứ bảy, 21/10/2017 22:03
(ĐCSVN) - Chiều 21/10, đến thăm Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát và làm việc với chủ đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh đề nghị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa nhà máy đi vào hoạt động.

Dự án Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương- Bến Cát được khởi công xây dựng từ tháng 12/2015 và tháng 7/2017 đã tiếp nhận nước thải bắt đầu vận hành thử. Dự án này có tổng công suất là 250.000m3/ngày. Trong đó, giai đoạn 1 là 131.000 m3/ngày, tối đa là 176.850m3/ngày, thực hiện theo Hợp đồng xây dựng-chuyển giao (Hợp đồng BT), nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền. Hiện, đây là nhà máy nước thải có công suất lớn nhất TP.Hồ Chí Minh, chiếm khoảng 6% lượng nước thải của Thành phố (theo quy hoạch tổng công suất nước thải của Thành phố là hơn 2,9 triệu m3/ngày); trong bối cảnh toàn Thành phố hiện nay mới chỉ có khoảng 5% lượng nước thải được xử lý thì việc đưa Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát vào vận hành có ý nghĩa to lớn trong công tác bảo vệ môi trường.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân tham quan mô hình nhà máy (Ảnh: VL)

Tại buổi làm việc, ông Lê Thanh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền cho biết, Dự án Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương- Bến Cát được xây dựng nhằm xử lý nước thải trên địa bàn lưu vực Tham Lương- Bến Cát gồm quận Gò Vấp, một phần quận Bình Thạnh và Quận 12 qua đó, cải thiện chất lượng nguồn nước sông Vàm Thuật- sông Sài Gòn, nơi tiếp nhận nguồn nước thải của lưu vực Tham Lương- Bến Cát có tổng diện tích, dân số đến năm 2025 khoảng 700.000 người; góp phần cải thiện tình hình ô nhiễm nguồn nước, vệ sinh môi trường khu vực, nâng cao điều kiện sống cho nhân dân khu vực.

Cũng theo ông Lê Thanh, nhà máy áp dụng theo công nghệ xử lý sinh học SBR cải tiến (công nghệ bùn hoạt tính tuần hoàn dạng mẻ), thiết kế tự động hóa ở mức cao, thiết kế hệ kín bằng pin năng lượng mặt trời vừa tiết kiệm điện năng, giảm phát thải khí CO2, vừa giảm khoảng cách ly an toàn vệ sinh môi trường. Theo đó có thể xây gần ngay trong khu dân cư, đồng thời giảm diện tích xây dựng, tiết kiệm chi phí đầu tư và chi phí vận hành. Điểm nổi bật của Nhà máy Xử lý nước thải lưu vực Tham Lương - Bến Cát là diện tích chiếm đất nhỏ so với các công nghệ khác, chỉ có khoảng 110m² cho công suất 1.000m³/ngày, nhỏ hơn từ 4 đến 20 lần so với công nghệ thông thường khác. Máy móc thiết bị chính được nhập khẩu đồng bộ từ các nước EU và G7. Đây là nhà máy xử lý nước thải đầu tiên tại TP.Hồ Chí Minh có nước thải sau xử lý đạt Quy chuẩn Việt Nam cột A3.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh cho biết, kẹt xe, ngập nước, rác thải, nước thải là những vấn đề đang được lãnh đạo và người dân Thành phố quan tâm. Vì vậy, Thành phố rất hoan nghênh Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền đã nỗ lực đầu tư nhà máy giúp thành phố xử lý vấn đề nước thải.

Nhà máy được thiết kế hệ kín bằng pin năng lượng mặt trời (Ảnh: VL)

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, việc Nhà máy xử lý nước thải khu vực Tham Lương – Bến Cát đầu tư công nghệ mới nhưng sử dụng đất ít hơn, giảm chi phí, hiệu quả hơn là tốt, tạo sự đột phá và có tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, để Thành phố kịp thời tháo gỡ những khó khăn trước mắt đề nghị Công ty sớm có báo cáo đầy đủ, chi tiết gửi Thành phố. Mặc dù hiện nay, Nhà máy chưa hoạt động hết công suất, tuy nhiên cũng phải thường xuyên đo đạc, kiểm tra các chỉ số để đảm bảo an toàn vệ sinh, môi trường. Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng gợi ý, với những lo ngại của người dân trong khu vực về vấn đề môi trường, Công ty nên xem xét mở cửa nhà máy công khai mỗi tháng một lần, để đại diện các đoàn thể và người dân có thể vào tham quan, tìm hiểu công nghệ và vấn đề môi trường tại nhà máy để có đánh giá khách quan./.

VL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực