Quy rõ trách nhiệm của cán bộ vi phạm trong xử lý vi phạm hành chính

Thứ sáu, 26/05/2017 18:32
(ĐCSVN) - Mặc dù hiện nay, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và một số Nghị định của Chính phủ đã quy định về việc xử lý kỷ luật của cán bộ, công chức vi phạm trong thi hành công vụ nói chung, tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể, kết nối các chế tài này gắn với các hành vi vi phạm cụ thể của người có thẩm quyền là cán bộ, công chức, viên chức, trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Nghị định kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Chưa có quy định cụ thể các hành vi vi phạm cán bộ trong xử lý vi phạm hành chính

Theo Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định, các năm 2014, 2015 và 2016, qua kiểm tra công tác thi hành pháp luật (THPL) về Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) trên thực tế cũng như tổng hợp các báo cáo định kỳ 06 tháng và hàng năm công tác THPL về XLVPHC của các Bộ, ngành, địa phương cho thấy, các Bộ, ngành, địa phương còn rất lúng túng trong quá trình triển khai, thực hiện công tác kiểm tra.

 Xử phạt  vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông. (Ảnh minh họa. Nguồn: KS).

 

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, Luật XLVPHC quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của 183 chức danh (chưa kể các chức danh có chức năng, nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành do Chính phủ quy định). Ngoài ra, còn một lực lượng không nhỏ người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính bên cạnh những người có thẩm quyền xử phạt. Nhìn nhận một cách khách quan, xuất phát từ nhiều nguyên nhân (trình độ, năng lực của người thi hành công vụ, pháp luật chưa quy định cụ thể, rõ ràng…) có không ít trường hợp người có thẩm quyền về xử lý vi phạm hành chính áp dụng và THPL về XLVPHC không chính xác, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của công dân.

Ngoài ra, thông qua hoạt động kiểm tra, qua công tác theo dõi chung và tổng hợp báo cáo công tác THPL về XLVPHC trên toàn quốc, bước đầu, Bộ Tư pháp đã tổng hợp, hệ thống và xác định được một số sai phạm phổ biến của người có thẩm quyền, cụ thể như: kiểm tra không đúng thẩm quyền, phạm vi, nội dung kiểm tra được giao; cố ý không ra quyết định kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kết luận sai sự thật, quyết định xử lý trái pháp luật; bao che cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật... Mặc dù hiện nay, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (Luật Cán bộ, công chức) và một số Nghị định của Chính phủ  đã quy định về việc xử lý kỷ luật của cán bộ, công chức vi phạm trong thi hành công vụ nói chung, tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể, kết nối các chế tài này gắn với các hành vi vi phạm cụ thể của người có thẩm quyền là cán bộ, công chức, viên chức, trong THPL về XLVPHC.

Cụ thể hóa hành vi vi phạm của người có thẩm quyền XLVPHC gắn với hậu quả, trách nhiệm và chế tài

Kế thừa quy định về các trường hợp kiểm tra tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, Dự thảo Nghị định quy định bổ sung các căn cứ tiến hành kiểm tra để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bao gồm:  Qua theo dõi THPL về XLVPHC phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong THPL về XLVPHC xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; Khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của cá nhân, tổ chức phản ánh việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chưa chính xác hoặc có dấu hiệu xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức;  Kiểm tra trên cơ sở hồ sơ, tài liệu có dấu hiệu vi phạm hoặc vướng mắc  do cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính gửi đến hoặc đang được lưu trữ, bảo quản.

Dự thảo Nghị định quy định rõ thẩm quyền của từng cơ quan, cá nhân trong kiểm tra việc thi hành pháp luật về XLVPHC gắn với từng trường hợp cụ thể, đồng thời, quy định rõ cơ quan có trách nhiệm giúp cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra; mở rộng thẩm quyền kiểm tra đến các cơ quan quản lý người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, người có thẩm quyền kiểm tra bao gồm: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ (trong đó, quy định cụ thể thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan quản lý chung, thống nhất về xử lý hành chính và chịu trách nhiệm trước Chính phủ), Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.

Đáng chú ý, dự thảo Nghị định quy định cụ thể việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức trong THPL về XLVPHC chỉ giới hạn trong phạm vi xử lý kỷ luật, theo hướng cụ thể hóa hành vi vi phạm theo nhóm hành vi vi phạm điển hình trong THPL về XLVPHC, gắn với hình thức xử lý kỷ luật tương ứng. Đối với nội dung về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, chính sách dự kiến trong Nghị định được thể hiện theo hướng viện dẫn các văn bản pháp luật chuyên ngành đang có hiệu lực. Cụ thể:  Quy định cụ thể các hành vi vi phạm trong kiểm tra THPL về XLVPHC; Quy định cụ thể hình thức xử lý kỷ luật trong kiểm tra THPL về XLVPHC gắn với từng hành vi vi phạm cụ thể;  Quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật trong THPL về XLVPHC theo hướng viện dẫn các văn bản pháp luật chuyên ngành đang có hiệu lực.

Đồng thời, quy định cụ thể việc xử lý kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền THPL về XLVPHC bao gồm các hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, miễn nhiệm, buộc thôi việc, tương ứng với từng hành vi vi phạm pháp luật cụ thể.

Theo Bộ Tư pháp, giải pháp nêu trên là nhằm cụ thể hóa hành vi vi phạm của người có thẩm quyền gắn với hậu quả, trách nhiệm và chế tài xử lý được áp dụng, bảo đảm việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền trong THPL về XLVPHC được nghiêm minh, chính xác, thống nhất, đồng bộ; góp phần nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền trong THPL về XLVPHC, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác này trên thực tiễn; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức vào doanh nghiệp. Tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xem xét, xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền, là khung để áp dụng thống nhất, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Dự thảo Nghị định cũng quy định: Thông tin, phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng và cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc thực hiện quy định pháp luật về XLVPHC là căn cứ để người có thẩm quyền kiểm tra quyết định tiến hành công tác kiểm tra. Tên của cá nhân cung cấp thông tin được giữ bí mật theo yêu cầu của người đó.

Trường hợp cung cấp thông tin và phản ánh đúng sự thật về những vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quy định pháp luật về XLVPHC thì sẽ được đề nghị, xem xét khen thưởng theo quy định của pháp luật./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực