Phân chia rõ trách nhiệm, phối hợp hoạt động giữa Hội đồng trường và Ban Giám hiệu

Thứ ba, 12/06/2018 18:28
(ĐCSVN) - Đa số đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học nhằm khắc phục bất cập, hạn chế của Luật hiện hành; thể chế hóa chủ trương, quan điểm về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo tinh thần Hiến pháp 2013 và Nghị quyết 29/NQ-TW.

Chiều 12/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Nhiều đại biểu đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật một cách căn cơ hơn, đáp ứng yêu cầu: chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

 

Liên quan đến việc xếp hạng các trường đại học, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng, mục đích của việc xếp hạng các trường đại học nhằm giúp người học tham khảo, đồng thời là cơ sở để đầu tư, nâng cấp trường, cũng giúp các nhà tuyển dụng nhân lực.  “Trên thực tế, xếp hạng để tạo sự cạnh tranh giữa các trường đại học, kênh tham khảo, không nhất thiết phải có sự can thiệp của Nhà nước”- đại biểu Trần Văn Mão nhấn mạnh.

 

Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) góp ý, xếp hạng góp phần phát triển lành mạnh các cơ sở giáo dục đại học. Việt Nam chưa có thông tin chính thống về phân loại, xếp hạng đại học, dù đã có quy định trong luật hiện hành. Thí sinh chọn trường chủ yếu dựa vào truyền thông, bạn bè, truyền thống của cơ sở giáo dục đại học… Nhà nước cần khuyến khích hình thành các hoạt động xếp hạng, phân loại cơ sở giáo dục đại học; đồng thời cần xếp hạng giáo dục đại học Việt Nam theo chuyên ngành. Đây là xếp hạng thiết thực cho người học để có thông tin trong chọn ngành học.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho ý kiến, để dự thảo Luật đạt đồng thuận cao, ngoài đổi mới quản trị đại học, chương trình đào tạo, phân tầng xếp hạng đại học thì dự thảo cần quy định cụ thể vấn đề quy hoạch mạng lưới trường đại học, tránh mở quá nhiều trường; cần rà soát lại các điều kiện mở ngành, có quy định riêng với một số ngành nghề đặc biệt. Nhà nước vẫn cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ đào tạo một số ngành đặc thù, ngành khó xã hội hóa bằng cách cấp kinh phí thông qua hình thức đặt hàng; tự chủ không có nghĩa là để trường đại học tự lo…

 

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị mở ngành đào tạo phải phù hợp với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, trên cơ sở quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo; đồng thời kết hợp quản lý chất lượng đào tạo. Tránh lạm dụng, nhưng cũng không nên quá khắt khe đối với các cơ sở đào tạo có nhu cầu mở mã ngành.

 

Về Hội đồng trường, nhiều ý kiến đề nghị rà soát kỹ các quy định của Luật về Hội đồng trường để bảo đảm chặt chẽ và có tính khả thi, đặc biệt là về cơ chế phân chia trách nhiệm, phối hợp hoạt động giữa Hội đồng trường và Ban Giám hiệu (Hiệu trưởng) trong quản trị nhà trường cũng như vai trò, vị trí và cơ chế giám sát của các tổ chức chính trị, đoàn thể nhằm bảo đảm dân chủ ở cơ sở; phân định rõ hơn mối quan hệ giữa nhà trường và cơ quan quản lý liên quan.

 

Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) cho hay, việc thành lập Hội đồng trường có nhiều điểm mới, tăng tự chủ cho các trường đại học, giao nhiều quyền hơn cho Hiệu trưởng đại học. Tuy nhiên, trong dự thảo chưa giao quyền tự chủ, tự quyết cho Hội đồng trường như: chức năng, cơ cấu chưa được làm rõ trong dự thảo luật.

 

Đại biểu dẫn chứng, trong luật quy định Hội đồng trường có quyền quyết định về nhân sự Hiệu trưởng. Thế nhưng, luật cũng quy định Hiệu trưởng trường đại học công lập do cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận. Như vậy là có mâu thuẫn, vừa tự ràng buộc với cơ quan chủ quản đối với các trường. Vì vậy, để thực sự xoá bỏ cơ chế cơ quan chủ quản đối với các cơ sở đại học, mà giao quyền cho Hội đồng trường thì cần cơ chế để Hội đồng được hoạt động đúng vai trò chức năng, đồng thời có cơ chế kiểm soát quyền lực của Hội đồng trường, tránh hình thành nhóm lợi ích.

 

Đề cập tiêu chuẩn Hiệu trưởng, đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) bày tỏ ý kiến, Luật kế thừa các tiêu chuẩn của Hiệu trưởng theo Luật Giáo dục Đại học năm 2012 và chỉ bổ sung thêm quy định: “đối với cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, hiệu trưởng khi bổ nhiệm không quá 65 tuổi”.

 

Về vấn đề tiêu chuẩn “có kinh nghiệm tham gia quản lý giáo dục đại học ít nhất 05 năm từ cấp khoa, phòng, ban trở lên”, nhiều ý kiến của các chuyên gia ngành giáo dục tỏ ra không đồng tình với tiêu chuẩn này, xem đây là tiêu chuẩn cứng nhắc, lạc hậu làm mất đi cơ hội sử dụng nhân tài. Vậy nên cần giảm số năm kinh nghiệm hay phải có quy định trường hợp đặc biệt.

 

Đại biểu Hồ Thị Minh đề nghị cần cân nhắc, xem xét lại quy định này để đảm bảo sự phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học trong công tác lựa chọn, bố trí nhân sự, đặc biệt là trong giai đoạn chúng ta đang đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ đại học như hiện nay./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực