Ngọn lửa cải cách hành chính!

Thứ tư, 10/01/2018 22:02
(ĐCSVN) – Nhớ lại tháng 9/2017, khi Bộ Công Thương ra quyết định “lịch sử” cắt giảm 675/1.216 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ đã khiến nhiều người sửng sốt.
Người dân làm thủ tục đất đai. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: BL)

Khép lại năm 2017, bức tranh cải cách hành chính đã có nhiều điểm nhấn quan trọng. Trong đó, hai điểm được cả hệ thống hành chính và người dân – người thụ hưởng các dịch vụ công đánh giá cao là cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính.

Tín hiệu từ cắt giảm “rừng” thủ tục hành chính

Yêu cầu cải cách thủ tục hành chính luôn được Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục nhắc lại nhiều lần trong nhiều văn bản khác nhau những năm qua. Thế nhưng, nhiều quy định gây bức xúc, mặc dù được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh nhiều lần, tại nhiều nơi, thậm chí qua nhiều năm vẫn chưa được thực hiện.

Tuy nhiên, nhìn lại năm 2017, có thể nói, chưa năm nào cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh và tạo chuyển biến mạnh mẽ đến vậy. Không khó để nhìn ra nỗ lực rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp từ các bộ, ngành, địa phương.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành đã trình Chính phủ xem xét ban hành 16 nghị quyết phê duyệt phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài  chính, Xây dựng, Công Thương, Lao động – Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ...

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành liên tiếp 04 nghị quyết yêu cầu các bộ rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, hạn chế cạnh tranh lành mạnh và gây cản trở đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã “xắn tay” vào cuộc, tích cực rà soát, đề xuất cắt giảm và đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, nhất là việc bãi bỏ các thành phần hồ sơ không phù hợp, loại bỏ nhiều điều kiện kinh doanh, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. 

Điển hình như Bộ Công Thương, ngày 21/9/2017 đã ban hành phương án cắt giảm 675/1.216 điều kiện kinh doanh của 27 ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ. Khi được công bố, quyết định này đã gây sửng sốt với nhiều chuyên gia, doanh nghiệp. Bởi đây là con số được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành công thương được các đơn vị thuộc bộ này đề nghị cắt giảm, chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh.

Hay, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn đã đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118/345 điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ.

Còn Bộ Xây dựng đang nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, theo đó, dự kiến sẽ đề xuất bãi bỏ 41,3% và đơn giản hóa 43,7% tổng số điều kiện kinh doanh.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Đến nay, đã cắt giảm trên 5.000 thủ tục hành chính. Nhiều bộ, ngành đã quyết liệt cắt giảm từ 1/3- 1/2 thủ tục hành chính như yêu cầu đặt ra của Chính phủ”. 

Song song với cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được triển khai nghiêm túc và có hiệu quả tại cơ quan hành chính các cấp ở địa phương, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, từng bước nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Đáng chú ý, một số nơi đã có cách làm mới, sáng tạo trong việc tổ chức tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Chẳng hạn, tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả tại nhà cho người dân, thí điểm mô hình kết hợp giữa Bộ phận tiếp nhận với điểm bưu điện văn hóa xã; tỉnh Đồng Nai thực hiện mô hình giải quyết thủ tục hành chính “phi địa giới” tại Trung tâm hành chính công của tỉnh, giúp người dân thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính...

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính thời gian qua đã có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và được người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Những chỉ số rất ấn tượng về thành lập doanh nghiệp mới, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường chứng khoán, chỉ số quản trị mua hàng BMI, tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng du lịch, tăng dự trữ ngoại hối, sự ổn định giá trị đồng Việt Nam... đã cho thấy điều này. Bộ Nội vụ thống kê: “Từ đầu năm đến nay, đã có gần 120 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 14% so với năm 2016. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng cao nhất trong 10 năm, đạt khoảng 17,5 tỷ đô la Mỹ. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc so với năm 2016, xếp thứ 68/190 quốc gia và nằm trong nhóm dẫn đầu của các nước ASEAN”.

Điểm nhấn cải cách thể chế

Khi đánh giá công tác cải cách hành chính năm 2017, có thể thấy năm qua, xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, nhất là các thể chế về doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh và an sinh xã hội. Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ đã có nhiều quan tâm, trực tiếp chỉ đạo và tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật thuộc phạm vi quản lý của mình, bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra. Chính phủ đã tham mưu, trình Quốc hội ban hành 15 luật; các bộ, ngành đã trình Chính phủ ban hành 142 Nghị định để điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội mới phát sinh.

Hơn nữa, năm qua, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết đã giảm đáng kể so với năm 2016. Tính đến ngày 30/11/2017, chỉ còn 10 thông tư quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực còn nợ đọng chưa được ban hành, giảm 41,67% so với cùng kỳ năm 2016. Đáng chú ý, trong số văn bản còn nợ đọng, không có văn bản nào thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Công tác theo dõi thi hành pháp luật tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm đẩy mạnh, trọng tâm vào các lĩnh vực liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đất đai, tiếp cận các nguồn lực về vốn và khoa học kỹ thuật, xử lý vi phạm hành chính.... Đơn cử như Bộ Tư pháp đã ban hành và triển khai thí điểm Khung theo dõi thi hành pháp luật và hệ thống thu thập, lưu trữ dữ liệu nhằm đánh giá khoa học, chính xác về hiệu lực, hiệu quả 5 năm thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính. Hay tỉnh An Giang đã ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật tại các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.

Về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra 3.296 văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành, địa phương ban hành. Qua kiểm tra đã phát hiện và kết luận đối với 133 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, 857 văn bản sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày. Đến nay, đã có 53/133 văn bản được xử lý, đạt tỷ lệ 39,8%.

Ngoài 2 điểm nhấn trên, còn rất nhiều kết quả chuyển biến trong công tác cải cách hành chính năm qua như: hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức... Trên thực tế, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cũng đã ghi nhận nhiều động thái cải cách của các Bộ thời gian qua. Điều này cũng chứng tỏ rằng việc cải cách hành chính tuy không dễ dàng nhưng hoàn toàn có thể làm được.

Song cũng không thể phủ nhận, người dân vẫn còn nhiều tâm tư, trăn trở trong lĩnh vực này. Đó là những trăn trở khi việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn khó khăn, vướng mắc, chưa đạt yêu cầu đề ra. Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, cần phải tiếp tục rà soát, đơn giản. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; chất lượng văn bản quy phạm  pháp luật vẫn còn hạn chế trên một số lĩnh vực...

Có thể khẳng định, thành công trong công tác cải cách hành chính của năm qua là rất đáng trân trọng. Qua đó, “ngọn lửa” cải cách hành chính đã được thổi bùng lên. Điều đáng ghi nhận là không bằng lòng với những kết quả đạt được, Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa. Và cộng đồng doanh nghiệp, người dân vẫn trông đợi sức nóng của “ngọn lửa” cải cách tiếp tục lan tỏa. Mong đợi Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh, đẩy mạnh hơn nữa để cải cách hành chính thực sự trở thành một khâu đột phá để phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực