Nếu tổ chức giải đua xe công thức F1 tại Việt Nam phải xã hội hoá 100%

Thứ năm, 30/08/2018 22:35
(ĐCSVN)- Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra chiều tối 30/8, trả lời câu hỏi của báo chí việc Hà Nội và các bộ, ngành dự kiến đưa giải đua xe công thức F1 về Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định nếu tổ chức được thì phải xã hội hoá 100%.

Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8. Ảnh: VA

Cụ thể, tại phiên họp báo, liên quan đến câu hỏi Hà Nội và các bộ, ngành dự kiến đưa giải đua công thức F1 về Việt Nam. Quan điểm của Chính phủ ra sao? Chi phí để tổ chức giải đua này rất tốn kém, Bộ KH&ĐT đánh giá như thế nào về hiệu quả nếu giải đua này nếu được tổ chức tại Việt Nam? Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Theo Luật Thể dục và thể thao năm 2003, việc này là thẩm quyền của Thủ tướng. Nhưng Luật mới sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ 1/1/2019, việc này thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Luật cho phép chúng ta tổ chức thể thao quốc tế, đua xe công thức 1 là một nội dung. Sau khi có ý kiến của UBND TP. Hà Nội, Thành uỷ Hà Nội, Thủ tướng giao cho Bộ VHTT&DL, Bộ KH&ĐT và các bộ cho ý kiến, xem xét, đánh giá tác động, đặc biệt là dân cư xung quanh nơi diễn ra đua xe F1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cũng cho hay, đầu tiên TP. Hà Nội đưa ra phương án tổ chức đua tại xung quanh hồ Hoàn Kiếm và một số tuyến đường gần đó. Tuy nhiên, sau khi có ý kiến của các bộ và tính toán thì không đạt yêu cầu và chi phí rất lớn. Sau đó, Hà Nội báo cáo phương án tổ chức điểm đua ở khu trung tâm thể thao Mỹ Đình, địa điểm đã đồng bộ hạ tầng, tuyến đường có sẵn.

“Tinh thần là chúng ta xã hội hoá toàn bộ, không dùng ngân sách. Ví dụ những giải phân cách giữa tuyến đường đua và nhà dân là xã hội hoá hết”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định; đồng thời cho rằng, đây là công thức thể thao quốc tế rất mới. Các nước đã tổ chức rất tốt. Khi UBND TP. Hà Nội xin ý kiến của tất cả người dân có tuyến đường đi qua thì đều đồng tình cao việc tổ chức để thu hút khách quốc tế. Đây là điểm mới rất phù hợp với nhu cầu của người dân nếu đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Thủ tướng yêu cầu nếu tổ chức được thì phải xã hội hoá 100%. Các bộ, ngành đều ủng hộ tổ chức, tạo nét mới cho Hà Nội. Trong quá trình đàm phán với các nhà tổ chức sự kiện thì chúng ta sẽ theo dõi tiếp. Hiện nay mới đang là chủ trương ban đầu đồng ý cho Hà Nội tiếp cận với các nhà tổ chức sự kiện. Vấn đề ký kết hợp đồng, cam kết… liên quan đến thu phí thế nào, tổ chức thế nào, thu quảng cáo thế nào sẽ tiếp tục được đặt ra. Thu quảng cáo sẽ rất lớn, bù đắp cho chi phí. Đây chỉ là những thông tin ban đầu.

Hết tháng 8/2018 sẽ có kết luận chính thức vụ Con Cưng

Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến vụ việc Con Cưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay: Qua khiếu nại của người tiêu dùng và phản ánh của báo chí về nhãn mác và xuất xứ sản phẩm của Công ty Cổ phần Con Cưng, Cục Quản lý thị trường của Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra sơ bộ về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá dịch vụ thương mại, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của Công ty Cổ phần Con cưng.

Từ 30/7 đến 10/8, sau khi tiến hành kiểm tra sơ bộ, đoàn đã có báo cáo cụ thể. Căn cứ vào kết quả kiểm tra trên các cửa hàng, về sản phẩm hàng hoá và các hoạt động liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng của Công ty Cổ phần Con Cưng, đoàn kiểm tra đánh giá về cơ bản Công ty Cổ phần Con Cưng đã chấp hành đúng quy định của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cả về chất lượng hàng hoá và nguồn gốc xuất xứ.

Đoàn kiểm tra đánh giá hồ sơ nhập khẩu của công ty hợp lệ theo các quy định của pháp luật về thủ tục hàng hoá nhập khẩu. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Con Cưng cũng đã có những hành vi chưa tuân thủ pháp luật. Cụ thể, có vi phạm về nhãn mác hàng hoá, về hoạt động khuyến mại, vi phạm các quy định về thương mại điện tử. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường xử lý theo đúng quy định pháp luật. Đối với Công ty Cổ phần Con Cưng, Bộ Công Thương yêu cầu phải có biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đã được phát hiện và tiếp tục rà soát theo quy định pháp luật của công ty, sau đó có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Với các sản phẩm vi phạm nhãn mác, Bộ Công Thương yêu cầu công ty phải khắc phục vi phạm trước khi lưu thông sản phẩm.

“Về quan điểm của Bộ Công Thương, chúng tôi thấy rằng, theo đúng nhiệm vụ thẩm quyền được giao thì kiểm tra chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, thương mại, cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng là công việc hết sức quan trọng. Đây là việc phải thực hiện thường xuyên trên địa bàn cả nước với tất cả loại hình doanh nghiệp, tất cả các loại hàng hoá, sản phẩm, kể cả dịch vụ có liên quan. Tuy nhiên, việc kiểm tra đó cần phải đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật quy định, theo đúng quy trình, quy định và quan trọng nhất không được gây phiền nhiễu, không được làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính và phải thực hiện theo đúng pháp luật, phải bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng”- Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, sau khi có kết luận liên quan đến Công ty Cổ phần Con Cưng, Bộ Công Thương ngày 17/8 vừa qua đã hành có Quyết định số 2936 thành lập tổ rà soát đánh giá quy trình kiểm tra, chấp hành quy định pháp luật của Công ty Cổ phần Con Cưng và Cục Quản lý thị trường, đánh giá hành vi của từng cán bộ có liên quan đến tổ công tác thanh tra.

Bộ cũng yêu cầu rà soát lại và đánh giá hoạt động của tổ công tác được triển khai theo Quyết định số 334 ngày 28/1/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Đây là tổ công tác được thành lập để kiểm tra trên địa bàn toàn quốc về các hành vi có thể gây ra những vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng cũng như vi phạm quy định hiện hành. Theo kế hoạch, hết tháng 8/2018 sẽ có kết luận chính thức, Bộ sẽ làm chi tiết, cẩn thận, có đánh giá chính thức việc vi phạm nếu có của các thành viên đoàn kiểm tra; đồng thời, sẽ có thông báo chi tiết, rộng rãi trên các cơ quan báo chí, cũng như Công ty Cổ phần Con Cưng và đặc biệt là đông đảo người tiêu dùng trên cả nước.

Tiếp tục đánh giá vị trí xây dựng ga ngầm C9 gần Hồ Gươm

Liên quan đến việc xây dựng ga ngầm C9 gần Hồ Gươm sẽ làm mất cảnh quan đô thị và làm ảnh hưởng đến di tích lịch sử Hồ Gươm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, tuyến đường sắt đô thị số 2, ga Thăng Long, tuyến Trần Hưng Đạo là dự án trọng điểm quốc gia, do Hà Nội là cơ quan chủ quản đầu tư. Với vị trí ga thứ 9 trên tuyến, theo lập dự án của Hà Nội, Bộ GTVT cũng như các cơ quan bộ, ngành khác được tham vấn lấy ý kiến chuyên ngành.

“Đây là việc làm hết sức thận trọng của Hà Nội, các ga đều được lựa chọn đánh giá về chuyên môn. Lựa chọn ga có những tiêu chí riêng, về thu hút hành khách, về thuận lợi trong vận tải… Cũng đã có những tính toán, tham vấn ý kiến của các bộ, ngành, chính quyền, chuyên gia và các nhà khoa học, đã công khai lấy ý kiến của người dân”- Thứ trưởng Bộ GTVT bày tỏ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, có phần ga C9 nằm trong khu vực bảo vệ 2 của di tích Hồ Hoàn Kiếm. Theo chức năng, Bộ VHTT&DL phải có ý kiến về việc quản lý các di tích. Việc giải quyết phần này, trên cơ sở đánh giá tác động, kể cả tác động của môi trường, tác động tới quản lý di tích, bảo vệ di tích, Hà Nội phải có trách nhiệm tiếp tục đánh giá và có báo cáo đảm bảo ga đúng công năng vận tải nhưng cũng phải đảm bảo bảo tồn và trong quy định pháp luật cho phép./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực