Nêu cao tinh thần chủ động, trách nhiệm trong triển khai Đề án ủy quyền

Thứ sáu, 09/11/2018 16:57
(ĐCSVN) - Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, việc thực hiện Đề án ủy quyền của UBND TP. Hồ Chí Minh đòi hỏi các cấp được ủy quyền cần phải nêu cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, làm sao để đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Sáng 9/11, UBND TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án ủy quyền và Đề án thu nhập tăng thêm của UBND Thành phố. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Chúng ta vinh dự được Quốc hội cho phép thực hiện ủy quyền bởi Quốc hội thấy rằng, khối lượng công việc của Thành phố rất lớn. Hơn nữa, Quốc hội tin tưởng vào đội ngũ cán bộ, công chức Thành phố có đủ năng lực để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đây cũng là trách nhiệm nặng nề, làm thế nào để triển khai Đề án cho tốt, hiệu quả mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp, cho sự phát triển của Thành phố và cả nước.

Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, việc ủy quyền cho các quận, huyện, sở, ngành nhằm tạo điều kiện cho UBND Thành phố tập trung giải quyết những vấn đề lớn, phức tạp, trọng tâm; đồng thời tăng cường trách nhiệm cho các đơn vị trực thuộc, giúp cho công việc được giải quyết hiệu quả hơn do những đơn vị này gần dân, sát dân hàng ngày.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, việc ủy quyền là vì người dân, vì doanh nghiệp, vì sự phát triển toàn diện thành phố. Việc thực hiện Đề án ủy quyền của UBND TP.Hồ Chí Minh đòi hỏi các cấp được ủy quyền cần phải nêu cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, làm sao để đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; để người dân có cuộc sống tiến bộ, hạnh phúc, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả hơn, góp phần phát triển kinh tế Thành phố mạnh mẽ hơn.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, các đơn vị khi triển khai Đề án này cần gắn với đợt đăng ký thi đua cải cách hành chính 3 tháng cuối năm vừa phát động để làm tiền đề cho Thành phố bước vào năm 2019 là Năm cải cách hành chính.

Đồng chí Bí thư Thành ủy đề nghị các quận huyện, sở, ngành trên cơ sở hướng dẫn cần chủ động hình thành sổ tay hướng dẫn về việc thực hiện ủy quyền đối với địa bàn, đơn vị mình một cách cụ thể. Đồng thời Bí thư Thành ủy cũng gợi ý các trang website của quận huyện, sở, ngành cần cập nhật vào trong phần văn bản mới, quy định mới nội dung của Đề án này để người dân nắm được những đầu việc sẽ được ủy quyền.

Đối với Đề án thu nhập tăng thêm, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc chi thu nhập tăng thêm cho công chức gắn với hiệu quả công việc. Theo thống kê hiện nay, mỗi công chức TP. Hồ Chí Minh đang phục vụ 700 người dân, cao gấp hai lần cả nước; năng suất lao động của TP. Hồ Chí Minh gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân cả nước. Đây là cơ sở để thực hiện thu nhập tăng thêm cho công chức. Việc áp dụng thu nhập tăng thêm nhằm tạo động lực để cán bộ, công chức thành phố làm việc tốt hơn, phát huy sáng tạo, góp phần đem đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; qua đó thúc đẩy kinh tế phát triển, chính trị xã hội ổn định.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, thực hiện ủy quyền và thu nhập tăng thêm vừa là áp lực, vừa là động lực nên thủ trưởng đơn vị, Chủ tịch UBND các quận, huyện, mỗi cán bộ, viên chức cần phát huy trí tuệ, trách nhiệm để hoàn thành tốt Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù cho Thành phố.

Đề án ủy quyền sẽ được triển khai từ đầu năm 2019

Lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu, UBND các quận, huyện, sở, ngành cần chuẩn bị nhân lực, đáp ứng yêu cầu về khối lượng và chất lượng công việc được giao sau khi nhận ủy quyền. Công tác kiểm tra, giám sát và rà soát, đánh giá hiệu quả trước, và sau khi ủy quyền đối với từng vấn đề cần phải được thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, bám sát việc bình chọn cán bộ, công chức để áp dụng thu nhập tăng thêm một cách chính xác... “Việc đánh giá, phân loại hàng quý cần được thực hiện khách quan, minh bạch, công bằng và dân chủ, căn cứ theo kết quả thực hiện công việc thực chất”, đồng chí Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh Trương Văn Lắm cho hay, ngay trong tháng 11/2018, các đơn vị triển khai đánh giá và chi thu nhập tăng thêm của quý 2, quý 3/2018 cho công chức (HĐND Thành phố đã quyết định công chức được hưởng thu nhập tăng thêm từ ngày 1/4/2018). Cuối năm 2018, đầu năm 2019, các đơn vị sẽ đánh giá, chi thu nhập tăng thêm của quý 4/2018.

Theo đồng chí Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, tổng dự toán để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức trong năm 2018 khoảng 3.241 tỉ đồng. Cụ thể, khối quận, huyện là 1.980 tỉ đồng, khối hành chính sự nghiệp của thành phố là 1.261 tỉ đồng. Còn tổng dự toán để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức TP. Hồ Chí Minh trong năm 2019 sẽ là 7.236 tỉ đồng.

Mức điều chỉnh thu nhập tăng thêm trong năm 2018 tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ; năm 2019 tối đa mức 1,2 lần và năm 2020 sẽ ở mức 1,8 lần.

Theo Đề án ủy quyền, bắt đầu từ năm 2019, sẽ triển khai ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn Thành phố./.

Tin, ảnh: V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực