Lo ngại lạm dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện

Thứ tư, 29/03/2017 21:22
(ĐCSVN) - Đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tại phiên họp toàn thể thứ 4 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến vào Dự án Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, ngày 29/3.

Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là một trong những phương thức hữu hiệu để kịp thời bảo toàn tài sản, bảo vệ chứng cứ, giảm thiểu những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra; góp phần giải quyết hậu quả các tranh chấp, xung đột giữa các bên trong các giao dịch dân sự; bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) hiện hành mới chỉ quy định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ khi người khởi kiện nộp đơn cho tòa án mà chưa quy định việc áp dụng biện pháp này trước khi khởi kiện.

Phiên họp toàn thể thứ 4 của  Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. (Ảnh: TH)

Trình bày Tờ trình Dự án Luật, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Sơn, cơ quan chủ trì soạn thảo, cho biết: Về các loại biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, hiện có 2 loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT)  trước khi khởi kiện là loại việc mới, chưa có thực tiễn nên bước đầu cần quy định thận trọng, chặt chẽ vì thủ tục này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chủ thể bị áp dụng, chỉ nên quy định trong Luật các biện pháp liên quan đến yêu cầu bảo toàn tài sản, quyền tài sản để bảo đảm tính hợp lý, khả thi.

Loại ý kiến thứ 2 cho rằng, cần quy định trong Luật tất cả các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định trong Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Theo quan điểm của TANDTC, đối với những biện pháp liên quan đến quyền nhân thân của cá nhân, nếu áp dụng không đúng có thể gây ra hậu quả không thể khắc phục được cho người bị áp dụng, trong khi không có biện pháp bảo đảm tương thích để ngăn ngừa việc lạm dụng.

Hơn nữa, đối với một số biện pháp buộc thực hiện nghĩa vụ quy định tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như: buộc thực hiện một phần nghĩa vụ cấp dưỡng… thì đây là những loại việc mà tòa án cần xem xét, đánh giá các tài liệu, chứng cứ trước khi quyết định. Hơn nữa, nếu quy định thực hiện các biện pháp này trên cơ sở được bảo đảm bằng tài chính cũng là không hợp lý và cũng khó có thể xác định được biện pháp đó cần bảo đảm bằng giá trị tài sản là bao nhiêu.

Đồng tình với phương án 2, song theo ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, quan trọng khi xây dựng Luật này là phải làm rõ biện pháp nào được áp dụng và điều kiện khi nào áp dụng, theo đó cần xây dựng rào cản pháp lý để chống tình trạng “lạm dụng” khi áp dụng biện pháp này.

Theo ông Phan Huỳnh Sơn, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh An Giang, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Tờ trình chưa có đánh giá  tác động việc tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện cũng như thấy được bức xúc của xã hội khi ban hành Luật.

Từ thực tế hành nghề Thẩm phán (18 năm), ông Sơn cho hay, yêu cầu áp dụng biện pháp này rất hạn chế, Thẩm phán không chủ động, dám tự mình ra quyết định, vì e ngại phải chịu trách nhiệm bồi thường và hậu quả pháp lý.

Ông Sơn cũng đặt vấn đề, trong trường hợp người yêu cầu nhưng không khởi kiện thì hậu quả pháp lý như thế nào?. “Cần nghiên cứu kỹ để cân nhắc  sự cần thiết và đồng bộ với các Luật khác hay chưa?”, ông Sơn đề nghị.

Cũng bày tỏ băn khoăn khi đọc Tờ trình dự thảo Luật, ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chỉ ra, trong xã hội, nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân  còn kém, do đó rất nhiều trường hợp “kiện ngược”,  lợi ích dựa trên thế mạnh để chèn ép những người yếu thế.

Ông Kim phân tích, biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn với nghĩa vụ, quá trình tố tụng tiếp theo, do đó còn “lỏng lẻo”, có thể gây khó khăn cho người bị áp dụng, không giải quyết được những vấn đề phát sinh sau đó.  “Tại thời điểm này quy định biện pháp này khó khăn, chưa nên”, ông Kim đề xuất.

Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Duy Hữu, thành viên Ủy ban Tư pháp bày tỏ sự e dè, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo ông Hữu, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, sự cạnh tranh rất khốc liệt, nếu cứ lạm dụng biện pháp này nhằm mục đích hại nhau thì hậu quả không biết như thế nào?. “Thực tế thẩm phán rất “ngán ngẩm” khi áp dụng biện pháp này, có thể  dẫn đến thân bại danh  liệt. Trong khi đó, áp dụng tinh giản biên chế, nhưng tòa án giao thêm việc mà không thêm biên chế thì sao”, ông Hữu trăn trở.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thu Trang, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bày tỏ lo ngại trong bối cảnh tranh chấp về tài sản và mánh khóe cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong kinh doanh, việc áp dụng biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp.

Theo bà Trang, BPKCTT ảnh hưởng trực tiếp đến quyền nhân thân và tài sản, do đó phải có điều kiện nhất định, một trong những căn cứ là khởi kiện, tránh tình trạng “chưa được vạ thì má đã sưng”.

Tuy nhiên, ông Lương Anh Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật, Văn phòng Chính phủ đề nghị làm rõ: Nếu không thích hợp vào thời điểm này thì làm rõ điều kiện nào ban hành Luật?. Chỉ rõ nguyên nhân tại sao chưa cần thiết ban hành Luật này?.

Theo ông Tấn, nếu chỉ nhìn một khía cạnh mà không thực hiện dẫn đến sự không cần thiết thì không đúng. Trong điều kiện hiện nay nên ban hành Luật này, nhưng cần nghiên cứu kỹ lưỡng để ban hành hiệu quả.  Bởi nếu không ban hành e rằng sẽ phức tạp sau này, đặc biệt đối với các trường hợp thi hành án. “Việc áp dụng biện pháp này có thể gây hậu quả cho người bị áp dụng thì chúng ta cần xem xét có chế định chặt chẽ”, ông Tấn đề xuất.

Trên quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân chính đáng, ông Trần Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc ban hành Luật này là cần thiết. “Trách nhiệm của Thẩm phán là làm đúng quy định của pháp luật, chứ không thể cứ có đơn là áp dụng. Không thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức mà chúng ta lại sợ các hành vi vi phạm của cá nhân lạm dụng Luật để hại nhau mà chúng ta không ban hành là không hợp lý”, ông Hà thẳng thắn nói.

Giải trình thêm về vấn đề này, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết: Đây là vấn đề lớn, một số Bộ khác rất muốn mở rộng thêm nữa. TANDTC tiếp thu ý kiến của các đại biểu và đề nghị UBTVQH cho gia hạn thêm thời gian nữa.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga ghi nhận sự cố gắng của TANDTC về thực hiện nghị quyết của Quốc hội. Với nhiều vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Tư pháp  thống nhất với đề xuất của TANDTC về việc lùi thời gian trình dự án Luật nhằm thảo luận kỹ hơn./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực