Lắng nghe tiếng nói của dân!

Thứ năm, 13/04/2017 07:58
(ĐCSVN) - Văn phòng Chính phủ vừa chính thức đưa vào hoạt động Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân tại địa chỉ http://nguoidan.chinhphu.vn. Với kênh thông tin này, mối quan hệ nhân dân và Chính phủ trở nên gần hơn, trực tiếp và đa chiều hơn…

Chính thức đưa vào hoạt động Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân

Đây là kênh thông tin tương tác mới giữa Chính phủ với người dân do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhằm góp phần hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ nhân dân.

Thực tế cho thấy, việc tiếp nhận ý kiến phản ánh, đóng góp của người dân không phải bây giờ mới được thực hiện. Lâu nay, chúng ta có thể thấy tại các công sở, bệnh viện, nhà ga... hay treo các “Hòm thư góp ý”  và gần đây là thiết lập các đường dây nóng.

Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân tại địa chỉ http://nguoidan.chinhphu.vn.

Không thể phủ nhận một số kết quả tích cực từ việc tiếp nhận thông tin phản ánh từ các đường dây nóng hay hòm thư tố giác tội phạm, song có những nơi “Hòm thư góp ý” chỉ để cho đẹp chứ hàng tháng không ai mở, chẳng ai đọc, theo năm, tháng rồi mất dần. Đường dây nóng nhưng người nghe có thái độ "nguội", cách tiếp nhận, xử lý cũng chậm chạp, thậm chí là nghe rồi để đấy, hay đơn thư chuyển lòng vòng  khiến dân mất niềm tin vào bộ máy cơ quan công quyền. Trong nhiều trường hợp, việc lấy ý kiến nhân dân trong quy hoạch xây dựng, hay xây dựng các văn bản pháp quy vẫn còn mang tính  hình thức…

Chúng ta cũng nghe dư luận nói nhiều đến “căn bệnh” thành tích, nghe báo cáo, đóng góp ý kiến cũng chỉ thích tiếp nhận những lời khen, biểu dương, có lợi cho cá nhân mà “ ỉm đi” những ý kiến phản ánh sai phạm, khuyết điểm bất lợi cho mình hay một nhóm lợi ích nào đó...

Có thể thấy, trong cuộc sống và qua báo chí phản ánh, hiện nay vẫn còn những cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính không phù hợp với thực tế, không đồng bộ; tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân trong các lĩnh vực thủ tục cấp phép xây dựng, sổ đỏ, nhà đất… vẫn còn nhiều tồn tại không ít gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Việc huy động sức mạnh của toàn dân trong vấn đề thực thi pháp luật, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ từ Trung ương đến địa phương có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu những kiến nghị, phản ánh chính đáng của người dân đến được với bộ máy công quyền thì sẽ giúp cho Chính phủ, cơ quan hành chính Trung ương, địa phương chấn chỉnh kịp thời việc thực thi pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ và hạn chế được cả những hiện tượng “con voi chui lọt lỗ kim” như công luận, báo chí phản ánh trong thời gian gần đây.

Để tiếng nói của người dân đến được với Chính phủ, thì các bộ, ngành, địa phương cần nhận thức sâu sắc đây là nhiệm vụ chính trị được Thủ tướng Chính phủ giao. Rõ ràng, nếu cấp nào không hoàn thành nhiệm vụ, “chây ì” trả lời, đùn dẩy trách nhiệm giải quyết thì cấp đó phải chịu trách nhiệm!. Bản thân những cán bộ làm nhiệm vụ này cũng luôn phải đề cao trách nhiệm, tinh thần cầu thị, phải thực sự là công bộc của dân, “đau với nỗi đau của dân” thì những phản ánh, kiến nghị tâm tư, nguyện vọng chính đáng đó mới được giải quyết, xử lý kịp thời.

Hy vọng, "Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân" - kênh thông tin, tương tác với người dân sẽ tạo được sự minh bạch, công khai và gắn kết gần hơn giữa Chính phủ với người dân; qua đó mang lại những hiệu quả tích cực trong lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân vào một Chính phủ “liêm chính, hành động vì người dân và doanh nghiệp”!.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực