Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore

Chủ nhật, 28/08/2016 09:46
(ĐCSVN) - Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Singapore (Xinh-ga-po) Tony Tan Keng Yam (Tô-ni Tân Keng Giam), Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân bắt đầu tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Singapore từ ngày 28 đến ngày 30/8/2016.

Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Singapore của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, đưa các mối quan hệ quốc tế phát triển chiều sâu qua việc củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược với Singapore.

Cộng hoà Singapore (Republic of Singapore) nằm ở Cực Nam Bán đảo Mã Lai, giáp Malaysia, ngăn cách với Indonesia bằng Eo biển Malacca. Dân số: 5,47 triệu (9/2015); Diện tích: 692,7 km2, gồm 64 đảo: 1 đảo lớn và 63 đảo nhỏ. Quy mô GDP hàng năm: 395 tỉ USD (2015); Thu nhập bình quân đầu người: xấp xỉ 50.000 USD (2015).

Singapore theo chế độ Cộng hòa, đa đảng. Tổng thống hiện nay là Tony Tan Keng Yam. Thủ tướng là Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong). Quốc hội khóa 12 của Singapore hiện có: 83 đại biểu thuộc Đảng Hành động của Nhân dân(PAP), 6 đại biểu thuộc Đảng Công nhân. Chủ tịch Quốc hội là Bà Halimah Jacob, được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Khóa 12 từ ngày 14/01/2013.

Trao đổi đoàn cấp cao:

a. Các chuyến thăm Singapore của lãnh đạo ta:

+ Tổng Bí thư Đỗ Mười (10/1993); Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (9/2012);

+ Chủ tịch Trần Đức Lương (4/1998); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (11/2009); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (9/2011);

+ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt (11/1991 và 5/1994); Thủ tướng Phan Văn Khải (3/2004); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (8/2007, 01/2010, dự Đối thoại Shangri La lần thứ 12 tháng 5/2013; dự tang lễ Lý Quang Diệu 3/2015);

+ Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (9/1995); Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An (12/2003); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (4/2009);

+ Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Nguyễn Thiện Nhân thăm Singapore (27-30/3/2014);

+ Phó Thủ tướng Phan Văn Khải (10/1992), Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (3/2001; 7/2004; và 12/2005); Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (3/2008); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm (5/2008); Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (8/2009); Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (11/2013-thăm theo Chương trình “Người bạn của S R Nathan”); Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (5/2015-thăm theo chương trình “Người bạn của Lý Quang Diệu”)

+ Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (2/1995); Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (4/2000 và 01/2004); Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh (6/2011); Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang (12/2011); Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (2/2012); Trưởng Ban Đối ngoại Trung Ương Hoàng Bình Quân (11/2010).

b. Các chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo Singapore:

+ Tổng thống S R Nathan (2/2001 và 2/2008); Tổng thống Tony Tan Keng Yam (4/2012);

+ Thủ tướng Gô Chốc Tông (3/1994; 12/1998; và 3/2003); Thủ tướng Lý Hiển Long (dự ASEM 10/2004; 12/2004; 9/2006; dự APEC 11/2006; 01/2010; 9/2013);

+ Phó Thủ tướng Lý Hiển Long (4/2000); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng quốc phòng Tony Tan (11/1996); Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Nội vụ Wong Kan Seng (12/2006); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Điều phối an ninh quốc gia và Bộ trưởng luật pháp S. Jayacuma (8/2007); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Tiêu Chí Hiền (9/2009; 5/2010 và 10/2010); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Wong Kan Seng (4/2010);

+ Chủ tịch Quốc hội Apdulah Tamudi (7/2004); Chủ tịch Quốc hội Halimah Yacob (2-4/4/2015);

+ Bộ trưởng Cao cấp Lý Quang Diệu (4/1992, 11/1993, 3/1995, 11/1997, 1/2007 và 4/2009); Bộ trưởng Cao cấp Gô Chốc Tông (12/2007, 9/2014);

+ Bộ trưởng Ngoại giao Wong Kan Seng (10/1992); Bộ trưởng Ngoại giao S. Jayacuma (8/1996 và 11/2001); Bộ trưởng Ngoại giao George Yeo (5/2009); Bộ trưởng Ngoại giao K Shanmugam (9/2011). 

Việt Nam và Singapore thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 01/8/1973. Việt Nam lập Đại sứ quán tại Singapore tháng12/1991 và Singapore lập Đại sứ quán tại Hà Nội tháng 9/1992. Trong chuyến thăm chính thức Singapore của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng (1/1978), hai nước ra Tuyên bố chung khẳng định những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ.

Kể từ năm 1991, đặc biệt từ khi Việt Nam là thành viên ASEAN (1995), quan hệ hai nước phát triển nhanh chóng. Singapore coi trọng quan hệ với Việt Nam và Việt Nam trở thành một trong những thị trường chính về thương mại, đầu tư của Singapore ở Đông Nam Á.  Năm 2004, hai nước đã ký “Tuyên bố chung về Khuôn khổ Hợp tác Toàn diện trong thế kỷ 21”, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Tháng 9/2013, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long tới Việt Nam và kỉ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên đã ra Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Singapore.

Tham khảo chính trị thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao: Cơ chế này giúp tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hai Bộ Ngoại giao, tạo cơ hội để hai bên trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm và hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao. Hai bên đã luân phiên tổ chức phiên họp vào các năm 2003, 2004, 2005, 2007, 2009, 2012, 2013. Từ năm 2009, hai bên kết hợp tham khảo chính trị với giao lưu hai Bộ Ngoại giao gồm các hoạt động tọa đàm chuyên môn, giao lưu thể thao. Tính đến 8/2015, hai bên đã tổ chức được 9 kì họp tham khảo chính trị và 5 lần giao lưu hai Bộ Ngoại giao. Hội Hữu nghị Việt Nam-Singapore được chính thức thành lập ngày 18/9/2014 đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước, nhất là giao lưu nhân dân.

Về quan hệ kinh tế thương mại, từ 1996 đến nay, Singapore luôn là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai nước tăng theo từng năm: năm 2005 - 6,4 tỷ; năm 2006 - 7,7 tỷ USD; năm 2007 - 9,8 tỷ USD; năm 2008 - 12 tỷ USD; năm 2009 - 5,8 tỷ USD; năm 2010 - 6,2 tỷ USD; năm 2011 - 8,7 tỷ USD; năm 2012 - 9,6 tỷ USD; năm 2013 đạt gần 9 tỷ USD; năm 2014 đạt xấp xỉ 9,8 tỉ USD; năm 2015 đạt 16,22 tỉ USD; Qúy 1/2016 đạt gần 2 tỉ USD. Các sản phẩm chủ yếu giữa hai nước là xăng dầu (ta xuất dầu thô, nhập xăng dầu thành phẩm), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại (các mặt hàng này chiếm khoảng 50-60% tổng kim ngạch hai nước); ngoài ra, ta xuất các sản phẩm thủy sản, cà phê, hạt tiêu, rau quả… nhưng thị phần không lớn.

Đầu tư trực tiếp từ Singapore vào Việt Nam liên tục tăng từ năm 1998. Qúy 1/2016, Singapore tiếp tục là nhà đầu tư lớn của Việt Nam (đứng thứ 3/101) với tổng vốn hơn 36,5 tỉ USD. Singapore chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng. Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) là một biểu tượng cho tính hiệu quả của các dự án đầu tư của Singapore, đã hoạt động được hơn 11 năm với 4 khu: VSIP 1 và VSIP 2 tại Bình Dương, VSIP 3 tại Bắc Ninh (12/2007), VSIP 4 tại Hải Phòng (01/2010); VSIP 5 tại Quảng Ngãi (9/2013) ; VSIP 6 tại Hải Dương (8/2015) và VSIP 7 tại Nghệ An (9/2015). Tính đến tháng 3/2016, Singapore đã đầu tư thêm vào Việt Nam gần 2 tỉ USD với 114 dự án mới và 43 dự án tăng vốn. Các dự án đầu tư của Singapore được đánh giá hiệu quả, triển khai nhanh, tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu trong chuyển dịch kinh tế vùng miền của Việt Nam.

Hiệp định khung về Kết nối Việt Nam – Singapore: Ngày 06/12/2005 tại Singapore, Bộ trưởng Công thương Singapore Lim Ưng Ki-ang và Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển đã ký chính thức Hiệp định Khung về Kết nối Việt Nam – Singapore và 06 phụ lục kết nối (6 lĩnh vực). Theo thoả thuận, các cuộc họp cấp Bộ trưởng Công Thương được tổ chức định kỳ (8 tháng) và luân phiên tại mỗi nước để rà soát tình hình triển khai Hiệp định và hoạch định phưong hướng hợp tác tiếp theo. Cho tới nay đã họp được 11 kỳ, kỳ thứ 11 được tổ chức ngày 16-17/4/2015 tại Thừa Thiên – Huế; sắp tới hai bên sẽ tiến hành họp lần thứ 12 tại Singapore.

Hai nước ký Bản Ghi nhớ về Hợp tác Giáo dục (4/2007); thành lập Trung tâm Đào tạo Việt Nam - Singapore (VSTC) tại Hà Nội (11/2001), hoạt động theo kinh phí của Chính phủ Singapore; thành lập Trung tâm Đào tạo chất lượng cao tại Học viện Quản lý Giáo dục Việt Nam (03/2008), hoạt động bằng nguồn kinh phí do Quỹ Temasek (Singapore) tài trợ. Hàng năm, Chính phủ Singapore cấp khoảng 15 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam học đại học tại Singapore. Năm 2014, Singapore đứng thứ 5 trong top các điểm đến du học của sinh viên Việt Nam với khoảng 8500 sinh viên.

Trong lĩnh vực văn hóa, hai bên chủ yếu hợp tác theo khuôn khổ của Ủy ban Văn hóa Thông tin ASEAN (ASEAN – COCI), tích cực ủng hộ lẫn nhau. Hợp tác du lịch giữa hai nước tương đối hiệu quả. Singapore là thị trường du lịch quan trọng của Việt Nam, đồng thời là địa điểm du lịch hấp dẫn của du khách Việt Nam. Khách du lịch từ Singapore đến Việt Nam trong năm 2015 đạt 236.547 lượt (tăng khoảng 7,2% so với 2014), đứng thứ 13 trong tổng số các nước có khách du lịch đến Việt Nam. Năm 2013, lượng khách du lịch Việt Nam đến Singapore đạt 380.000 người, tăng 4% so với 2012, đứng thứ 10 trong tổng số các nước có khách du lịch đến Singapore.

Hợp tác quốc phòng: Bộ Quốc phòng hai nước đã ký Bản Ghi nhớ về Hợp tác Quốc phòng (9/2009); hai bên trao đổi nhiều chuyến thăm cấp Bộ trưởng. Các cơ chế Đối thoại chính sách Quốc phòng cấp Thứ trưởng và Nhóm làm việc chung về quan hệ quân sự-quốc phòng thường xuyên được tổ chức. Hợp tác hải quân hai nước phát triển tốt; từ năm 2009 trở lại đây, tàu Hải quân Singapore đều ghé thăm giao lưu với Hải quân ta; tàu Hải quân ta cũng vừa ghé thăm Singapore trên đường sang Ấn Độ dự diễu binh hải quân (01/2016). Singapore tích cực hỗ trợ ta trong công tác đào tạo về chỉ huy tham mưu, ngoại ngữ và các lĩnh vực mới như không quân, hải quân, tàu ngầm. Đồng thời, Singapore sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo tiếng Anh cho các cán bộ quốc phòng Việt Nam.

Hợp tác an ninh: Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Singapore đã ký Thỏa thuận Hợp tác (12/2006); hàng năm hai Bộ duy trì các chuyến thăm cấp Bộ trưởng và tổ chức họp cấp Thứ trưởng Thường trực. Hợp tác hai nước trong lĩnh vực an ninh, tình báo, phòng chống tội phạm ngày một phát triển cả ở tầm khu vực. Hai bên tích cực triển khai Chương trình Đào tạo và Phát triển dành cho các cán bộ thực thi pháp luật cao cấp của Bộ Công an Việt Nam, giai đoạn 2014-2016 (10 cán bộ/khóa/năm) và khóa Nâng cao năng lực dành cho các bộ làm công tác cứu hộ cứu nạn và phòng cháy chữa cháy tại Singapore (2 cán bộ/khóa/năm). Gần đây nhất, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang thăm Singapore (4/2015) và dự lễ khai trương tổ hợp INTEPOL tại Singapore.

Hợp tác pháp luật, tư pháp: Tháng 3/2008, Bộ trưởng Tư pháp hai nước đã ký Bản ghi nhớ hợp tác Pháp luật và Tư pháp. Để triển khai Bản Ghi nhớ, Bộ Tư pháp hai nước đã tổ chức 03 Phiên họp Ủy ban Hỗn hợp về Pháp luật và Tư pháp tại Hà Nội (2009, 2011 và 2014). Tháng 1/2015, đoàn Chánh án TAND tối cao Việt Nam Trương Hòa Bình thăm Singapore, dự lễ khai mạc năm tư pháp Singapore 2015, lễ công bố thành lập Tòa án Thương mại quốc tế Singapore và chuẩn bị thiết lập quan hệ hợp tác song phương giữa Tòa án Tối cao hai nước.

Ngân hàng Trung ương của hai bên hợp tác chặt chẽ, thường xuyên trao đổi đoàn nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm. Singapore tích cực hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ Việt Nam và mong muốn được tham gia quá trình tái cấu trúc lĩnh vực tài chính – ngân hàng tại Việt Nam.

Hợp tác xuất khẩu cát nhiễm mặn: hai bên đã ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Phát triển Quốc gia Singapore (12/9/2013), với 3 lĩnh vực: Khuôn khổ cho việc nạo vét và xuất khẩu cát nhiễm mặn sang Singapore; Xây dựng năng lực kỹ thuật và hướng dẫn đánh giá tác động môi trường tại Việt Nam; Cơ chế liên hệ và trao đổi về việc nhập khẩu cát nhiễm mặn của Singapore. Hai bên đã thành lập Nhóm Công tác chung để triển khai MOU này. Hai bên đang hợp tác nghiên cứu đánh giá tác động môi trường do việc nạo vét cát ở cửa sông, đặc biệt là tại hai dự án thí điểm tại cửa Đà Nông và Đà Diễn, Phú Yên.

Giao thông-vận tải: hợp tác tốt trong cả lĩnh vực hàng không, hàng hải và giao thông đường bộ. Hàng không: năm 2013 đạt 1.76 triệu lượt khách, tăng 1.7% so với 2012; đã có các đường bay thẳng từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đà Lạt (mở tháng 11/2013) và Phú Quốc (mở tháng 11/2014) đi Singapore. Hàng hải: hai bên chia sẻ quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển, lựa chọn cảng phù hợp tiến hành hợp tác kết nối cảng biển (phát triển, quản ký và khai thác các bến cảng); liên doanh xây dựng, quản lý cảng Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu). Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đang đàm phán với Indo – Trans Keppel phát triển cảng 111ha tại Hậu Giang.

Hai bên hợp tác và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và quốc tế như ASEAN, APEC, ASEM, Liên hiệp quốc.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Singapore Nguyễn Tiến Minh: Chuyến thăm của Chủ tịch nước tới Singapore lần này rất quan trọng và có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên Chủ tịch nước ta đến thăm sau khi tuyên thệ. Điều đó thể hiện tầm quan trọng của Singapore cũng như Việt Nam đánh giá rất cao vai trò của Singapore trong khu vực cũng như trong quan hệ song phương của hai bên. 

Thứ hai, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng là cuộc gặp gỡ giữa đại diện Ban lãnh đạo mới của hai bên. Vào tháng 9/2015, phía Singapore tiến hành Tổng tuyển cử bầu ra nội các mới và đi vào hoạt động từ cuối năm 2015 đầu năm 2016. Phía Việt Nam cũng vừa kết thúc xong Đại hội Đảng lần thứ XII và Ban lãnh đạo mới của chúng ta cũng vừa tuyên thệ, nhậm chức. Do đó, chuyến thăm của Chủ tịch nước cũng là dịp gặp gỡ giữa Ban lãnh đạo mới của hai bên, là cơ hội hai bên trao đổi với nhau để tìm ra những biện pháp và phương thức tăng cường hợp tác hơn nữa, đưa hai nước thực hiện các mục tiêu của mình trong thời gian tới.

Đánh giá về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore đã được triển khai thực hiện trong thời gian qua, Đại sứ Nguyễn Tiến Minh cho biết "Việt Nam và Singapore đã có mối quan hệ lâu dài. Từ những năm 90 của Thế kỷ XX, Singapore đã tích cực hỗ trợ Việt Nam hội nhập với khu vực. Cựu Thủ tướng Singapore lúc đó là ông Lý Quang Diệu đã dẫn đầu các đoàn chuyên gia sang Việt Nam xem xét toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam theo lời mời của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Các chuyên gia của Singapore đã đưa ra những lời khuyên cho Việt Nam để phát triển nền kinh tế thị trường, lúc đó đang ở giai đoạn manh nha. Và từ đó, Singapore luôn là một nước đầu tư lớn và có rất nhiều quan hệ thương mại với Việt Nam. Đến tháng 9/2013, hai bên đã ký thỏa thuận thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Khi có thỏa thuận này, mối quan hệ hai bên đã phát triển mạnh hơn theo chiều hướng tốt. Trong ba năm liên tiếp vừa qua, thương mại hai bên đều tăng trưởng 12%/năm. Hiện nay, Singapore trở thành nước đầu tư lớn thứ ba vào Việt Nam, sau Nhật Bản và Hàn Quốc. Tổng giá trị đầu tư của Singapore vào Việt Nam đến nay đã lên tới 36 tỷ USD.

Chia sẻ về những ưu tiên hợp tác trong quan hệ hai nước thời gian tới, Đại sứ Nguyễn Tiến Minh cho rằng, hiện nay, Singapore ưu tiên đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực chế tạo, chế biến, bất động sản. Theo tôi, chúng ta phải làm sao thúc đẩy để họ mở rộng đầu tư vào Việt Nam trên nhiều lĩnh vực khác. Ví dụ, tại Việt Nam đã có Khu công nghiệp VSIP (Viet Nam-Singapore Industrial Park) của Singapore, thì nay phải thúc đẩy Singapore thực hiện Khu sáng tạo (Viet Nam- Singapore Innovation Park); thúc đẩy họ đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm. Ngoài ra, hợp tác chiến lược hai nước phải phát triển ở trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Điểm nhấn là kinh tế, thương mại, đầu tư nhưng đồng thời cũng phải chú ý tăng cường hơn nữa hợp tác về mặt chính trị, an ninh, quốc phòng, văn hóa, thể thao.

Đánh giá về Thỏa thuận kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Singapore, Đại sứ Nguyễn Tiến Minh cho rằng: Thỏa thuận về kết nối hai nền kinh tế là thỏa thuận đầu tiên của hai nước, được ký năm 2005. Từ đó đến nay, hai bên lập ra một Ủy ban ở cấp Bộ trưởng, họp hàng năm để rà soát các chương trình hợp tác giữa hai bên và thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Singapore tiếp tục phát triển trên các lĩnh vực khác. Cho đến nay, Chương trình hợp tác này được tiến hành thường xuyên, thúc đẩy trên tất cả lĩnh vực, các ngành. Đây chính là tiền đề dẫn tới việc chúng ta ký Thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược. Hiện nay chúng ta đang ra sức đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược hai nước đi vào chiều sâu. Trong khuôn khổ này cũng có việc củng cố kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Singapore. Theo Đại sứ, kết nối hai nền kinh tế là hướng đi rất chiến lược vì kinh tế của Việt Nam và Singapore bổ trợ cho nhau. Một bên có nhiều vốn, có kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Một bên có nguồn nhân lực, tài nguyên dồi dào, có đất đai rộng lớn. Do đó, khi hai bên kết hợp với nhau, chúng ta không nhằm mục tiêu thị trường Việt Nam hay Singapore mà là những thị trường rộng lớn hơn là Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Khu vực ASEAN và 6 nước đối tác và rộng hơn nữa là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực